Đề phòng rơi vào âm mưu mua bán phụ nữ, trẻ em thời công nghệ

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm có diễn biến phức tạp, đặc biệt là các loại tội phạm xâm hại trực tiếp đến các quyền của phụ nữ và trẻ em như nhóm các tội về bạo lực bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em; nhóm tội mua bán người, mua bán trẻ em.

Theo Trung tá Khổng Ngọc Oanh – Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an), hàng năm các lực lượng công an, biên phòng phát hiện trên dưới 500 vụ mua bán người, mua bán trẻ em với gần 1.000 nạn nhân bị mua bán, đồng thời xác định có hàng ngàn người vắng mặt tại địa phương không rõ đi đâu, làm gì… nhiều người nghi bị mua bán, bị giam giữ cưỡng ép tình dục, cưỡng ép lao động.

Ước tính số phụ nữ, trẻ em bị mua bán sang Trung Quốc chiếm khoảng hơn 70%, ngoài ra sang các nước trong khu vực là Malaysia, Indonesia, Thái Lan…

Tình trạng người dân, trong đó có rất nhiều phụ nữ, trẻ em tự ý xuất cảnh ra nước ngoài tìm việc làm, lấy chồng, kết hôn… trong đó có rất nhiều người rơi vào tình cảnh như: Bị bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục, ép làm vợ bất hợp pháp, phải làm vợ người chồng quá cao tuổi, bệnh tật hoặc tàn tật…

Ảnh minh họa: B.T

Ảnh minh họa: B.T

Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng phụ nữ, trẻ em để mang thai hộ vì mục đích thương mại có dấu hiệu phức tạp. lực lượng chức năng đã xác định có những phụ nữ vùng núi Nghệ An, Tây nguyên, miền Tây nam bộ đang mang thai nhưng có điều kiện kinh tế khó khăn, nợ lần, đối tượng rủ rê ra nước ngoài sinh con giao cho chúng, chúng sẽ cho người mẹ một số tiền từ 60 - 80 triệu đồng sau khi sinh để trở về nước, đứa trẻ để lại sẽ được chúng cho làm con nuôi gia đình giàu có, sau đó bán đứa trẻ cho người nước ngoài, tuy nhiên nhiều trường hợp chúng không chuyển đủ số tiền như đã hứa.

Những trường hợp này hiện rất khó xử lý theo pháp luật hình sự về tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi vì khi đối tượng dụ dỗ, vận chuyển phụ nữ tại Việt Nam cháu bé chưa ra đời nên không có căn cứ xác định mua bán người dưới 16 tuổi. Khi sang đến Trung Quốc những phụ nữ này mới sinh con và hành vi giao nhận, mua bán mới được thực hiện, cháu bé sinh ra được bán tại nước ngoài, bản thân người mẹ không biết, đối tượng cũng không nhớ bán cho ai nên việc xác định và giải cứu đưa về là vô cùng khó khăn.

Theo Trung tá Khổng Ngọc Oanh, những nguyên nhân cơ bản khiến phụ nữ trẻ em rơi vào hoàn cảnh bị mua bán, lạm dụng là do nhận thức của người dân còn hạn chế, thiếu thông tin, không lường trước được rủi do khi theo người khác đi tìm việc làm, kết hôn lấy chồng ở nước ngoài. Nhiều trường hợp họ trốn gia đình, bố mẹ, chồng con để đi theo lời dụ dỗ, hứa hẹn của tội phạm.

Những đối tượng môi giới và người mẹ mang thai ra nước ngoài sinh con để bán, họ vì đồng tiền, không nhận thức được quyền các em phải được chăm sóc bởi chính cha mẹ mình, hậu quả rất lớn của sự việc này.

Một số em nữ sinh, sinh viên, đặc biệt tại các trường dân tộc nội trú, các trường khu vực miền núi, những em gái mới lớn song chưa có kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình, nhiều em do ham chơi đua đòi, dễ dãi trong việc kết bạn, làm quen nên bị đối tượng lợi dụng, rủ dê đi chơi, ăn uống… rồi lừa bán.

Việc mất cân bằng về giới cũng là nguyên nhân để đối tượng thực hiện hành vi mua bán trẻ em làm con nuôi trái pháp luật; phong tục tập quán lạc hậu nên bị đối tượng lợi dụng thực hiện việc mua bán người…

Để phòng tránh rơi vào âm mưu của tội phạm, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, Trung tá Khổng Ngọc Oanh khuyến cáo, phụ nữ và trẻ em cần có kỹ năng sống như không dễ dãi trong việc kết bạn, làm quen, nhận lời mời chào, đặc biệt trên môi trường mạng; không vội nhận lời đi chơi, ăn uống, du lịch với người mới quen, quen qua mạng, hoặc chưa có đầy đủ thông tin về người đó; trước khi đi cần thông tin trao đổi với người thân, bạn bè về việc sẽ đi với ai, thời gian về; chia sẻ, tham vấn với người khác trước các hiện tượng lạ, trước những “lòng tốt” mà chưa rõ nguyên nhân.

Thúy Ngọc – Nguyệt Anh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/de-phong-roi-vao-am-muu-mua-ban-phu-nu-tre-em-thoi-cong-nghe-100181.html