Để phong trào thể thao 'ăn sâu, bén rễ' vào đời sống nhân dân
'Hà Nội tiếp tục tăng cường xã hội hóa thể dục, thể thao (TDTT) thông qua việc tạo cơ chế, môi trường thuận lợi để các liên đoàn, hiệp hội thể thao và doanh nghiệp phát huy vai trò tham gia tích cực vào đời sống TDTT trên địa bàn, qua đó thu hút nguồn lực, tạo chân đế vững chắc đưa thể thao phong trào ngày càng đi vào chiều sâu', đó là khẳng định của ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội.
Phóng viên (PV): Theo ông, từ thành công của SEA Games 32 cho thấy thể thao phong trào có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của thể thao thành tích cao Thủ đô?
Ông Đỗ Đình Hồng: Tại SEA Games 32, Hà Nội đóng góp 161 vận động viên (VĐV), thi đấu giành 99 huy chương các loại, đóng góp gần 30% số lượng huy chương vàng của Đoàn Thể thao Việt Nam. Trong đó, nhiều VĐV xuất sắc của Thủ đô đều xuất thân từ thể thao phong trào. Họ bén duyên thể thao với mục đích ban đầu là rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất, tầm vóc như: Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ); Trần Hà Vi và Phan Thế Gia Hiển (aerobic); Nguyễn Thị Phương (karate)... Từ đó cho thấy, thể thao phong trào đã dần ăn sâu, bén rễ trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tạo bước đà mạnh mẽ để Hà Nội phát triển thể thao thành tích cao.
PV: Nói đến thương hiệu thể thao phong trào của Thủ đô là nhắc đến hoạt động nổi bật gì, thưa ông?
Ông Đỗ Đình Hồng: Nhiều năm qua, Hà Nội đã tổ chức thành công Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, thu hút đông đảo người dân khắp các quận, huyện, thị xã tham gia. Ngày chạy là sự kế thừa và phát huy tư tưởng “dân cường thì quốc thịnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp với lý tưởng của phong trào Olympic thế giới. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân được gắn với Lễ phát động Giải chạy Báo Hànôịmới mở rộng-Vì hòa bình, nhằm lan tỏa tinh thần thể thao Olympic, đồng thời thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT nói chung, môn chạy bộ nói riêng trên địa bàn.
PV: Sự kết hợp giữa hai sự kiện kể trên đã mang đến những hiệu quả gì?
Ông Đỗ Đình Hồng: Người dân ngày càng thấy rõ tầm quan trọng của việc tập luyện TDTT, trong đó, chạy bộ là bộ môn phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực. Gần nhất, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội phối hợp với Báo Hànôịmới tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và Lễ phát động Giải chạy Báo Hànôịmới mở rộng lần thứ 48-Vì hòa bình năm 2023. Kết quả: 100% quận, huyện, thị xã tại Hà Nội tổ chức ngày chạy thu hút hơn 300.000 người tham gia. Hiện tại, các địa phương tiếp tục tuyển chọn những VĐV xuất sắc để thành lập đội tuyển tham gia giải chạy cấp thành phố diễn ra ngày 30-9. Chúng tôi kỳ vọng hai sự kiện kể trên sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu của thành phố là đến năm 2025, tỷ lệ người dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 43,5%. Hai sự kiện kể trên là cơ sở để đánh giá chất lượng tập luyện TDTT trong các trường học, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... Vì vậy, giải thực sự có sức bền vững từ khi ra đời vào năm 1974 đến nay và luôn nhận được sự quan tâm của các đơn vị, người dân trên địa bàn Thủ đô cũng như nhiều đội tuyển điền kinh tỉnh, thành phố, ngành khác. Đặc biệt, giải chạy mang ý nghĩa vì hòa bình nên đã thu hút được rất nhiều tổ chức hữu nghị, đại sứ quán các nước tại Hà Nội tham gia hưởng ứng.
PV: Hà Nội luôn là địa phương đi đầu du nhập và phát triển các môn thể thao mới phục vụ quần chúng. Đề nghị ông cho biết thêm về điều này?
Ông Đỗ Đình Hồng: Ngoài những giải đấu được tổ chức ở từng quận, huyện, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội đã phối hợp với các liên đoàn chuyên môn để tổ chức nhiều giải đấu phong trào khác mang lại bầu không khí sôi động, thổi “luồng gió mới” trẻ trung vào phong trào TDTT Thủ đô như: Giải bơi trải thuyền rồng Hà Nội mở rộng, giải bóng rổ 3x3 Hà Nội mở rộng, giải dù lượn và hoạt động các môn thể thao giải trí đã phát triển rộng khắp trong vài năm trở lại đây. Các giải đấu kể trên đã và đang có sức hút mạnh mẽ, tạo khí thế để nhân dân hưởng ứng tham gia tập luyện, thi đấu, góp phần tuyển chọn những tài năng sáng giá cho các đội tuyển thể thao thành tích cao của Hà Nội.
PV: Theo ông, làm thế nào để đưa thể thao phong trào ngày càng đi sâu vào đời sống nhân dân Thủ đô?
Ông Đỗ Đình Hồng: Bên cạnh những thành quả đã đạt được, thể thao Thủ đô vẫn còn gặp nhiều khó khăn về thiếu cơ sở vật chất; nhiều hoạt động thể thao phong trào còn mang tính hình thức, nặng về báo cáo thành tích; chưa khai thác đúng mục đích các công trình, thiết chế thể thao... Thời gian tới, thể thao Thủ đô cần tiếp tục tạo cơ chế khai thác tiềm năng sẵn có để kêu gọi đầu tư bằng nguồn xã hội hóa, khai thác các thiết chế cơ sở vật chất TDTT ở cơ sở, để biến mỗi điểm tập luyện TDTT là một địa chỉ chất lượng cao và có đầy đủ môi trường thuận lợi nhằm thu hút, đón người dân đến tham gia tập luyện. Các sở, ngành chức năng, địa phương cần ưu tiên quỹ đất, đầu tư thiết chế thể thao như nhà thi đấu, sân vận động... Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao để thu hút đông đảo người dân tham gia, qua đó thúc đẩy phong trào tập luyện ở địa phương; tăng cường đào tạo, mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ quản lý và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thể thao cơ sở nhằm động viên phong trào phát triển rộng khắp, đi sâu vào đời sống của nhân dân Thủ đô.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!