Để phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau

Tập trung xóa bỏ các 'rào cản', mạnh dạn trao quyền, tạo cơ hội cho chị em… là những giải pháp cơ bản để đảm bảo bình đẳng giới đối với phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS); giúp chị em vượt qua thách thức, tự tin, mạnh mẽ vươn lên.

Với sự hỗ trợ của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), các tổ chức Plan International, CARE, Irish Aid, RIC, CECEM và iSee, ngày 12/8/2019, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Ủy ban dân tộc đã tổ chức Hội thảo “Thách thức và giải pháp để phụ nữ DTTS không bị bỏ lại phía sau”. Hội thảo có sự tham dự của bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận TW, Trưởng Ban chỉ đạo TW Tổng kết Nghị quyết 24, lãnh đạo Ban Dân vận TW, UNDP và gần 100 đại biểu đại diện cho các tổ chức, các cơ quan ban ngành đoàn thể, các nhà khoa học, quản lý và phụ nữ DTTS các địa phương.

Gần 100 đại biểu tham dự và đóng góp ý kiến cho hội thảo

Gần 100 đại biểu tham dự và đóng góp ý kiến cho hội thảo

Thông tin về những vấn đề đang tồn tại đối với phụ nữ DTTS, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: Phụ nữ DTTS đang phải đối mặt với nhiều sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng kép - cả về dân tộc và về giới. Điều này ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận, tham gia và thụ hưởng các chính sách của chị em ở hầu hết tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội như: kinh tế (việc làm, thu nhập, tham gia thị trường); xã hội (giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe) và hoạt động chính trị.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ DTTS thường xuyên phải lao động cực nhọc nhưng không được trả công; tỷ lệ tử vong bà mẹ ở một số nhóm DTTS (H’mong, Thái, Ba Na, Tày, Dao, Nùng) cao gấp 4 lần so với phụ nữ Kinh-Hoa; chỉ có 70,9% phụ nữ DTTS từ 12-29 tuổi mang thai có đến cơ sở y tế khám thai. Đáng lo ngại là bạo lực tinh thần đối với phụ nữ DTTS do người chồng gây ra cũng cao hơn gần 1,7 lần so với tỷ lệ chung cả nước. Thậm chí, 58,6% phụ nữ DTTS trong độ tuổi từ 15-49 cho rằng chồng đánh đập vợ vì các lý do khác nhau là chấp nhận được…

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh đến vấn đề tạo cơ hội để phụ nữ được phát triển bình đẳng

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh đến vấn đề tạo cơ hội để phụ nữ được phát triển bình đẳng

Đánh giá về pháp luật và chính sách dành cho phụ nữ DTTS, TS Nguyễn Thị Mai Hoa – Ủy viên thường trực Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Bên cạnh những chương trình, đề án thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, vẫn còn những “rào cản” ngay chính từ chính sách, khiến chị em chưa có được những thay đổi mạnh mẽ. Cụ thể như: Trong số 118 chính sách đang triển khai ở vùng DTTS và miền núi, chỉ có 4 chính sách liên quan đến bình đẳng giới (chiếm khoảng 3,4%). Trong 27 chỉ tiêu liên quan đến bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, chỉ có 2 chỉ tiêu liên quan trực tiếp tới địa bàn DTTS. Chưa kể tới việc các chính sách thiếu sự lồng ghép giới và sự đặc thù cho phụ nữ DTTS; nhiều chính sách xây dựng chưa dựa trên “quyền” của phụ nữ DTTS mà chủ yếu là “ưu tiên”, dẫn đến tính hiệu quả chưa cao.

Được đào tạo, học tập, phụ nữ DTTS sẽ tự tin hơn để phát triển kinh tế

Được đào tạo, học tập, phụ nữ DTTS sẽ tự tin hơn để phát triển kinh tế

Đến từ các đơn vị khác nhau, nhiều đại biểu nữ là phụ nữ DTTS tham gia hội thảo cũng đã chủ động chỉ ra những “rào cản” khác – xuất phát từ chính bản thân người phụ nữ DTTS. Đó là trình độ chuyên môn thấp, mù chữ, lấy chồng sớm, ngại giao tiếp, cả đời quanh quẩn với công việc nội trợ, nương rẫy… Với những hạn chế này, tiếng nói của nhiều phụ nữ DTTS trở nên thấp kém, dẫn đến nhiều phụ nữ DTTS chưa sẵn sàng tâm thế để được trao quyền bình đẳng; không có tiếng nói trong quá trình tham gia hoạch định, phản biện chính sách...

Lắng nghe những ý kiến, chia sẻ của đại diện các ban, ngành, tổ chức và tiếng nói từ chính những người phụ nữ DTTS đang nỗ lực vươn lên… bà Trương Thị Mai - Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định: Trong rất nhiều vấn đề cần giải quyết để giúp phụ nữ DTTS phát triển, việc “tạo cho chị em cơ hội để bình đẳng” là đặc biệt quan trọng. Có cơ hội học hành, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận khoa kĩ thuật… chị em sẽ không còn thụ động hay ỉ lại, thay vào đó sẽ tự tin, mạnh mẽ phát huy nội lực, tố chất tích cực.

Phụ nữ Cờ Lao - DTTS rất ít người ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang – bắt đầu đưa sản phẩm chè truyền thống của quê hương ra với thị trường

Phụ nữ Cờ Lao - DTTS rất ít người ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang – bắt đầu đưa sản phẩm chè truyền thống của quê hương ra với thị trường

Cụ thể hơn, bà Trương Thị Mai lưu ý, để đưa các quan điểm của Đảng đi vào đời sống, trong quá trình xây dựng chính sách, các ban ngành, đoàn thể cần phải đề cập rõ vấn đề cần giải quyết, nguồn ngân sách để thực hiện, phạm vi, đối tượng thụ hưởng…, làm sao để việc lồng ghép giới được triển khai hiệu quả chứ không chỉ là khẩu hiệu. “Không chỉ quan tâm đến nhóm phụ nữ DTTS yếu thế, khó khăn nhất; mà phải quan tâm đến cả nhóm phụ nữ DTTS hàng đầu – những người giỏi giang, thành đạt – bởi đây sẽ là đầu tàu, là tấm gương, là động lực để chị em phụ nữ DTTS nhìn vào và có được khát khao, quyết tâm thay đổi để vươn lên”.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-phu-nu-dan-toc-thieu-so-khong-bi-bo-lai-phia-sau-123699-123699.html