Để phụ nữ thực sự được hưởng quyền bình đẳng

Quyền bình đẳng của phụ nữ được chính thức thừa nhận trong luật quốc tế kể từ khi Liên Hợp Quốc ra đời. Hiến chương Liên Hợp Quốc năm 1945 lần đầu tiên khẳng định sự bình đẳng về các quyền giữa phụ nữ và nam giới. Ở Việt Nam hiện nay, quyền bình đẳng giới cũng như các quyền của phụ nữ đã được nhận thức, thực thi khá tốt và ngày càng được đẩy mạnh nhờ tác động tích cực của Luật Bình đẳng giới cùng những chính sách điều chỉnh cụ thể khác. Bình đẳng giới được xác lập là một mục tiêu và động lực của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”. Trong bản Di chúc, Người căn dặn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Chị em tham gia trình diễn thời trang tại một hoạt động kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10). Ảnh: PV

Chị em tham gia trình diễn thời trang tại một hoạt động kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10). Ảnh: PV

Bình đẳng chưa đúng nghĩa

Trong lịch sử, do ảnh hưởng của Nho giáo, vị thế của phụ nữ trong đời sống xã hội không được tôn trọng; tư tưởng trọng nam khinh nữ rất hà khắc. Hơn thế nữa, khi so sánh giữa phụ nữ so với nam giới, Nho giáo đã hạ thấp người phụ nữ đến mức coi thường “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (nghĩa là dù có một người đàn ông vẫn là có, còn có mười người phụ nữ vẫn là không)…

Với tư tưởng tam tòng “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, người phụ nữ hoàn toàn không thể chủ động. Khi tại gia thì “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Khi xuất giá thì “phu xướng phụ tùy”, “chỉ tề gia nội trợ”, khi ăn không được ngồi cùng chồng mà ngồi dưới bếp, không được tham gia vào công việc của họ hàng, làng nước. Khi góa bụa thì chỉ biết “thủ tiết chờ chồng” chứ không có quyền đi bước nữa, để làm sao có được danh tiếng là “tiết hạnh khả phong”.

Dưới góc độ quan niệm truyền thống Việt Nam, cho dù người phụ nữ có quyền bình đẳng, nhưng chỉ là bình đẳng về nghĩa vụ, chứ ít bình đẳng về quyền lợi. Thường thì người phụ nữ vẫn chịu sự bất công, tủi khổ vì “thân, phận” của mình. Thân phận ấy bị đưa đẩy bởi người phụ nữ không có quyền chủ động trong việc lựa chọn, nhất là trong hôn nhân. Vì lẽ, “Thân em như hạt mưa rào, hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa”, “Thân em như tấm lụa đào, phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”, “Thân em như giếng giữa đàng, người khôn rửa mặt người phàm rửa chân”. Một kết cục đã đưa sắp đặt “thuyền theo lái, gái theo chồng”.

Mặt khác, người phụ nữ không chỉ bất bình đẳng so với đàn ông, mà chính quan hệ giữa phụ nữ với phụ nữ cũng là nguyên nhân làm mất quyền bình đẳng giữa họ. Mặc dù, “con dâu mới thật mẹ cha mang về”, nhưng khi đã trở thành thành viên nhà chồng thì lại nảy sinh nhiều mâu thuẫn, xung khắc “mẹ chồng nàng dâu, chủ nhà người ở thương nhau bao giờ”. Người mẹ chồng cũng từng làm dâu thế mà cũng khó thông cảm cho thân phận con dâu mình. Thêm nữa, nếu trong gia đình còn có chị em gái chồng thì quan hệ gia đình càng thêm phức tạp, vì “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”.

Mặc dù, sự bất bình đẳng mà người phụ nữ phải gánh chịu do bị chi phối bởi những phong tục tập quán cũ lạc hậu nhưng với truyền thống nhân văn thì những hình luật trong xã hội Việt Nam thời phong kiến, thậm chí ngay cả khi Nho giáo thịnh trị cũng đã ít nhiều thể hiện được một số điểm tích cực nhất định trong việc bảo vệ quyền bình đẳng của người phụ nữ. Chẳng hạn, trong Luật Hồng Đức thời Lê Thánh Tông có quy định bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Cụ thể, con gái có quyền thừa kế tài sản của cha mẹ như con trai; vợ chồng đã có con, nếu một người chết trước thì số điền sản thuộc về người còn sống; con gái thấy vị hôn phu có ác tật có thể kêu quan mà trả đồ sính lễ; vợ có quyền kiện chồng và bỏ chồng nếu chồng bỏ lửng vợ năm tháng… Tuy vậy, đây chỉ là những điểm sáng rất nhỏ trong bức tranh chung. Và phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ vẫn là người chịu nhiều thiệt thòi, bất công và vẫn chưa có sự bình đẳng đúng nghĩa của nó.

Phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học ngày một nhiều. Ảnh: MINH CHÂU

Phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học ngày một nhiều. Ảnh: MINH CHÂU

Khẳng định vai trò, vị thế

Sự bình đẳng cho người phụ nữ chỉ có được từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời năm 1945 đến nay. Với mục tiêu xây dựng nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì vị thế của người phụ nữ ngày càng được khẳng định, thể hiện không chỉ ở sự bình đẳng về nghĩa vụ, mà quan trọng hơn là sự bình đẳng về quyền lợi.

Khoản 3, Điều 5, Luật Bình đẳng giới quy định: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng”. Theo đó, sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới thể hiện qua việc hưởng những điều kiện như nhau, có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội nói chung.

Theo xu hướng phát triển chung của nhân loại, ngoài trách nhiệm truyền thống là làm con, làm dâu, làm mẹ, làm vợ…, người phụ nữ đã thực sự bước vào xã hội với nhiều vai trò khác nhau trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật…; đã và đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, doanh nghiệp… Rất nhiều phụ nữ có kinh tế, có địa vị xã hội nhưng vẫn không quên thiên chức làm vợ, làm mẹ. Họ luôn tận dụng, sắp xếp thời gian chu toàn việc nhà, học tập nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Đó chính là hình ảnh phụ nữ thời đại mới, hội đủ các yếu tố “công, dung, ngôn, hạnh” thời nay.

Trên thực tế, những đóng góp to lớn của phụ nữ cho gia đình và xã hội, cường độ lao động, tri thức và trí tuệ trong lao động, thời gian lao động đáng kinh ngạc đã khiến nhiều người thay đổi nhận thức về vai trò của phụ nữ, trong khi đó, pháp luật và xã hội đã tôn vinh vị thế của họ. Những đóng góp của phụ nữ đã không chỉ tạo ra một xã hội tiến bộ, văn minh, mà còn phát triển chính bản thân người phụ nữ.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn sự chênh lệch khá lớn giữa vai trò và vị thế xã hội của phụ nữ. Phụ nữ chiếm 50,2% dân số, chiếm 49% lực lượng lao động (tương đương với nam giới) nhưng lại thường làm những công việc nặng nhọc, lương thấp hoặc góp mặt nhiều trong vùng kinh tế phi chính thức (theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê tiến hành năm 2019). Tỉ lệ thất nghiệp của lao động nữ khá cao so với lao động nam do hạn chế về sức khỏe, thời gian nghỉ sinh và nuôi con, cơ hội tìm được việc làm phù hợp sau khi sinh còn thấp. Trong kinh doanh, 30% phụ nữ là chủ doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong các cơ quan dân cử và cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, số lượng phụ nữ chưa cao. Phụ nữ chiếm 27,3% tổng số đại biểu Quốc hội và được đánh giá là cao nhất Đông Nam Á, nhưng nếu so với tỉ lệ dân số, tỉ lệ lao động và so với khả năng của phụ nữ thì vẫn chưa tương xứng. Tỉ lệ phụ nữ tham gia HĐND các cấp trên 20%, nhưng nhiều trường hợp vẫn bị coi là được “nâng đỡ, ưu tiên”…

Người phụ nữ muốn thực sự làm chủ được bản thân, gia đình và xã hội cần vươn lên để thành đạt trong sự nghiệp, có thu nhập, có cuộc sống tinh thần phong phú và một phong cách sống độc lập của riêng mình. Người phụ nữ cần làm tốt thiên chức cao đẹp của người vợ, người mẹ, đó là cơ sở để chị em tham gia công tác xã hội đạt hiệu quả. Ngược lại, vị thế xã hội cũng giúp người phụ nữ có uy tín và điều kiện nuôi dạy con cái, gìn giữ hạnh phúc gia đình.

ThS TRẦN VĂN HIỆU

(Trường Chính trị Phú Yên)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/246537/de-phu-nu-thuc-su-duoc-huong-quyen-binh-dang.html