Để Phú Quốc trở thành đảo ngọc: Đất lành hóa dữ!
L.T.S: Phú Quốc luôn được kỳ vọng sẽ trở thành một Singapore thứ 2, bởi sở hữu những điều kiện địa lý tương đồng và hơn thế là được thiên nhiên ưu đãi về mọi mặt. Để Phú Quốc xứng danh là đảo ngọc cần tháo gỡ những bất cập, phát triển đúng hướng và xứng tầm một thành phố đảo đẳng cấp quốc tế.
Ẩn trong "thiên đường du lịch" Phú Quốc là những cơn sóng ngầm tranh chấp đất đai ở nhiều cấp độ, cản trở sự thịnh vượng của một đặc khu kinh tế đang được ưu tiên đầu tư phát triển
Có đến 96% đơn khiếu nại, tố cáo tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang liên quan lĩnh vực đất đai. Đó là con số được đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố trong năm 2021.
Bùng nổ giá đất
Trước năm 2012, Phú Quốc là một hòn đảo chỉ có rừng cây, nương rẫy, hồ tiêu, sim rừng... và nhiều diện tích đất hoang không người canh tác. Giá đất thời điểm đó cũng vô cùng rẻ, nơi đắc địa nhất chưa tới 500 triệu đồng/1.000 m2; thậm chí ở những khu vực heo hút, đất đem cho cũng ít người nhận.
Cuối năm 2012, khi Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc đi vào vận hành và khai thác, Phú Quốc như khoác lên mình chiếc áo mới. Khoảng cách thời gian giữa đảo với các thành phố lớn trong nước và nước ngoài được rút ngắn. Những tập đoàn bất động sản hàng đầu trong nước nhận thấy được tiềm năng nên không tiếc tiền đầu tư vào Phú Quốc, mang đến những thay đổi tích cực về hạ tầng, du lịch, kinh tế biển, đảo. Từ đó, giá bất động sản tại Phú Quốc tăng vùn vụt.
Nhất là giai đoạn 2015 - 2018, Phú Quốc liên tục diễn ra các cuộc "sốt" đất ngoài sức tưởng tượng. Như giai đoạn 2015 - 2017, nhiều nhà đầu tư trong nước và Việt kiều mua đất ở Phú Quốc, giá đất ở một số nơi từ vài chục triệu đồng tăng vọt lên hàng tỉ đồng/ha. Đỉnh điểm là cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, trước thông tin Phú Quốc chuẩn bị trở thành đặc khu, giới đầu tư trong nước nườm nượp đổ ra săn lùng bất động sản.
Thời điểm đó, giá đất ở Phú Quốc tăng từng ngày, thậm chí có nơi tăng phi mã, ngày trước ngày sau đã tăng gấp 4 lần. Tính rộng ra, chỉ sau 6 năm, giá đất bình quân ở Phú Quốc tăng gấp 15 lần. Cũng trong khoảng thời gian đó, Phú Quốc có gần 250 dự án với tổng vốn đầu tư trên 14 tỉ USD - con số kỷ lục mà chưa có vùng phát triển du lịch nào trong nước có thể chạm tới.
Từ một huyện đảo lưa thưa vài nhà nghỉ bình dân, chưa đầy 10 năm, Phú Quốc vụt sáng thành một thành phố đảo với số khách sạn 5 sao nhiều hơn cả vùng ĐBSCL cộng lại, đủ để nói lên rất nhiều điều.
Thế nhưng, phía sau ánh hào quang rực rỡ của một vùng đất phát triển quá nóng là những cơn sóng ngầm từ đất đai hoành hành không ngơi nghỉ. Trong hầu hết các vụ tranh chấp đất đai ở Phú Quốc, rất hiếm có chuyện người dân bản địa tranh chấp nhau. Người bên ngoài, một ít doanh nghiệp đầu tư vào Phú Quốc kết hợp nhiều thế lực gây nên cảnh tranh chấp trên hòn đảo vốn yên bình.
Đại dự án sa lầy trong tranh chấp
Những ngày này, đi dọc đường Trần Hưng Đạo từ xã Dương Tơ về phường An Thới, không khó thấy cảnh chính quyền địa phương làm hàng rào, bao hàng trăm hecta đất và đặt biển cảnh báo: "Đất do UBND xã Dương Tơ quản lý, nghiêm cấm xây dựng, bao chiếm, mua bán trái phép". Thế nhưng, trong khu đất kín kẽ đó vẫn có những đoạn rào bị ai đó phá vỡ vừa một lối ra vào. Bên trong là những căn nhà được xây dựng thô không người ở, công khai chiếm đất công.
Cũng trên đoạn hơn chục cây số chạy qua địa phận xã Dương Tơ và phường An Thới, nằm phía khu vực bãi Trường - một bãi biển dài có giá trị kinh tế bậc nhất ở Phú Quốc - là những đại dự án đang thường xuyên xảy ra tranh chấp. Điển hình là trường hợp của Tập đoàn Tân Á Đại Thành - thương hiệu nổi tiếng với các sản phẩm bồn chứa nước inox. Năm 2019, tập đoàn này đầu tư sang lĩnh vực bất động sản với thương hiệu MeyLand. Dự án "siêu đô thị" Meyhomes Capital Phú Quốc đã tạo nên tiếng tăm cho tập đoàn này trong lĩnh vực bất động sản nhưng cũng gây ra không ít tai tiếng.
Siêu đô thị Meyhomes Capital Phú Quốc có quy mô hơn 266 ha tại trung tâm phường An Thới, trải rộng từ bờ biển phía Tây tới gần bờ biển phía Đông. Dự án được coi là mảnh ghép hoàn hảo đang còn thiếu của bức tranh đô thị Phú Quốc trong tương lai. Thế nhưng một thời gian dài, nhà đầu tư dính vào tranh chấp với hàng trăm hộ dân chưa rõ hồi kết.
Cụ thể, ngày 4-10-2019, Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Quốc đã có biên bản về việc "tạm bàn giao" ranh đất khu vực Suối Lớn cho chủ đầu tư nhưng khu đất chưa hoàn tất việc đền bù và giải phóng mặt bằng. Toàn bộ khu đất 90 ha này trước đây thuộc dự án khu dân cư, đô thị mới Suối Lớn của HUD Kiên Giang. HUD Kiên Giang chuyển nhượng lại cho Công ty Hưng Phát thuộc Tập đoàn Tân Á Đại Thành để thực hiện mở rộng dự án Meyhomes Capital Phú Quốc.
Dự án được xem là chiếc cầu nối phồn vinh giữa 2 bờ Đông và Tây đảo ngọc hiện vẫn giẫm chân tại chỗ chỉ vì đang tranh chấp mà chưa tìm được hướng giải quyết hợp lý, hợp tình. Còn rất nhiều đại dự án khác ở Phú Quốc cũng lâm vào cảnh tương tự bởi cùng lý do. Hàng ngàn hecta đất tiềm năng tại đảo ngọc đang trong tình trạng "chết lâm sàng" cũng chỉ vì tranh chấp.
Kỳ tới: Lập lại trật tự xây dựng
Một thời yên bình
Thời điểm năm 2012, người dân bản địa sở hữu đất đai khá vô tư, có nhiều nơi không ranh giới, không giấy tờ. Họ tặng, cho, mua bán bằng miệng, bằng chữ tín, không cần hợp đồng hoặc giấy tờ nào khác. "Những năm tháng đó, người dân Phú Quốc sống rất chan hòa, đâu có chuyện ai lăm le đất của ai, họ chia sẻ, giúp đỡ nhau còn không hết. Vì thế, đâu ai nghĩ hay bận tâm sẽ có ngày đất nhà mình bị tranh chấp" - ông Lê Trường Xoa, một người dân sống tại Phú Quốc hơn 50 năm, nhớ lại những ngày tháng yên bình của đảo ngọc.
"Căn bệnh" tăng trưởng nóng
Tiến sĩ kinh tế Trần Hữu Hiệp cho rằng Phú Quốc phát triển nóng trong khi lực lượng cán bộ mỏng, gây quá tải cho công tác quản lý. Đất trên đảo trở thành "đất vàng", nhiều cơ hội làm ăn mở ra thì cũng xuất hiện nhiều băng nhóm hoạt động bảo kê thu tiền. Các cơn "sốt" đất kéo theo những vụ bao chiếm đất, mua bán sang tay, tranh chấp liên tiếp xảy ra. Sai phạm trong quản lý đất đai ở Phú Quốc từng bị phát hiện, nhiều cán bộ đi tù nhưng vẫn lặp lại đáng lo ngại.
Chuyện gì đang xảy ra ở Phú Quốc? Rừng đang bị xâm hại, hàng loạt công trình resort, bungalow xây dựng không phép, lấn chiếm vùng biển, đè bẹp các rạn san hô tuyệt đẹp thuộc Khu Bảo tồn biển Phú Quốc.
Nhiều con suối cạn dòng, sông Dương Đông thơ mộng, mang hơi thở từ núi rừng ra cửa biển đang hấp hối, rác thải lộ thiên nhiều nơi trên đảo gây nhức nhối. Đó là những tiếng kêu cứu ở đảo ngọc. Triệu chứng "lâm sàng" của Phú Quốc hiện nay là "căn bệnh" tăng trưởng nóng vượt tầm kiểm soát lại thiếu nền tảng vững chắc, hài hòa giữa 4 trụ cột: Kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa.