Để phục vụ tốt hơn

Hiện Bộ Y tế có 34 bệnh viện trực thuộc - nơi tập trung đội ngũ y bác sĩ và hệ thống trang thiết bị phục vụ việc điều trị, khám chữa bệnh cho bệnh nhân thuộc hạng tốt và đầy đủ nhất - đang đảm nhận nhiệm vụ khám, chữa bệnh, đào tạo nhân lực y tế, nghiên cứu, phát triển các kỹ thuật, phương pháp chẩn đoán và điều trị mới; hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về chuyên ngành…

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhiều năm qua, tại các bệnh viện tuyến đầu thường xuyên có hiện tượng quá tải. Lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết, thời gian qua, người dân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện tăng rất mạnh, tăng tới gần 300% so với trước. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện có khoảng 2.000 bệnh nhân nội trú và khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám, mỗi người bệnh thường có 1-2 người nhà đi cùng (khoảng 2.000-4.000 người).

Tại Bệnh viện Bạch Mai tình trạng đông đúc, quá tải cũng diễn ra tương tự, mỗi ngày có khoảng từ 6.000 đến 8.000 người đến khám và trên 3.500 bệnh nhân điều trị nội trú. Nhiều bệnh nhân cũng phải lặn lội đi từ đêm hôm trước hoặc dậy từ 3h đến 4h để đến bệnh viện. Không riêng các Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Bạch Mai, tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương khác, lượng bệnh nhân đổ dồn về cũng rất đông…

Để giảm tải cho bệnh viện tuyến đầu, từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 08/CT-TTg về tăng cường các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế, các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh, ưu tiên đầu tư cho các bệnh viện vệ tinh bảo đảm có đủ điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật. Bộ Y tế cần tăng cường chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới... Và không được phân biệt bệnh viện nhà nước hay bệnh viện tư nhân trong lựa chọn bệnh viện hạt nhân, bệnh viện vệ tinh.

Mới đây, ngày 1-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã nghe Bộ Y tế báo cáo dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp lại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế với sự tham dự của lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương. Tại cuộc làm việc này, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo, việc sắp xếp, tổ chức lại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển. Mục tiêu cao nhất là tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật cao trong chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, người dân; đồng thời, đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa tại những khu vực có điều kiện thuận lợi để dành nguồn lực đầu tư mạnh mẽ cho các vùng trũng về y tế. Thời gian tới Bộ Y tế chỉ giữ lại các bệnh viện đầu ngành, đảm nhận vai trò ứng phó và hỗ trợ chuyên môn cấp quốc gia; đào tạo chuyên khoa và đào tạo thực hành cho bác sĩ nội trú, đào tạo trình độ chuyên môn sâu, bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuận lợi về mặt địa lý.

Chỉ đạo từ Chính phủ đã có, vấn đề là khâu thực hiện. Trong đó, cần tuân thủ nghiêm tiêu chí sắp xếp, tổ chức lại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế bảo đảm khoa học, rõ ràng, để sau khi sắp xếp các bệnh viện sẽ phát triển mạnh hơn. Điều quan trọng nhất là mọi phương án phải phù hợp với thực tiễn, quan tâm đến lợi ích của người bệnh; không cắt giảm, sắp xếp máy móc, cơ học, trong đó chú trọng đầu tư nâng cao năng lực cho tuyến cơ sở.

Chỉ có như vậy, người bệnh và người thân của họ mới không còn phải chịu những vất vả không đáng có khi đành phải “vượt tuyến” để khám, chữa bệnh.

Hà Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1066367/de-phuc-vu-tot-hon