Để quản lý tốt tiền của ngân sách
Tại kỳ họp vừa rồi, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đấu giá tài sản sửa đổi. Nhiều khía cạnh của việc đấu giá được nêu ra nhưng đáng chú ý, nhất là những ý kiến trái chiều. Có đại biểu cho rằng, nên bổ sung quy định theo hướng xử lý hình sự đối với hành vi bỏ cọc đấu giá có dấu hiệu thao túng thị trường. Ở chiều ngược lại, có đại biểu cho rằng cần cân nhắc áp dụng chế tài, bởi đây là quan hệ dân sự. Có đại biểu cho rằng, tiền đặt cọc như quy định hiện hành là phù hợp; nhưng có đại biểu cho rằng, nên điều chỉnh mức tiền đặt cọc theo hướng cao hơn…
Cả nước hàng năm có rất nhiều cuộc đấu giá từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán tài sản công, đấu giá các loại tài nguyên, mua sắm tài sản công… Mục đích của đấu giá thì đã rõ là nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tiền ngân sách một cách hiệu quả. Tuy nhiên, từ đây cũng phát sinh nhiều vấn đề dễ gây thất thoát tiền của ngân sách. Ví dụ như khi mua sắm tài sản công, bằng những cách nào đó người ta nâng giá gây ra thất thoát. Các vụ án mua sắm thiết bị, vật tư y tế bị phanh phui thời gian gần đây cho thấy điều này. Hay như đấu giá quyền sử dụng đất, có hiện tượng “ghìm” giá để giá không nâng cao, cũng là một cách gây thất thoát… Theo chúng tôi, luật cần hướng đến bịt các lỗ hổng sau đây: Thứ nhất là làm sao để ngăn chặn hiện tượng mà chúng ta hay gọi là “quân xanh, quân đỏ”. Nghĩa là cũng ba đơn vị tham gia đấu giá chẳng hạn, nhưng thực tế đó là sự liên kết để cho một đơn vị trúng thầu với cái giá có lợi nhất cho họ. Họ được lợi thì cũng đồng nghĩa với tiền ngân sách bị thiệt ở một mức độ nào đó. Hành vi này chẳng những gây thất thoát cho ngân sách mà còn có thể ảnh hưởng đến thị trường và môi trường cạnh tranh.
Thứ hai là ngăn chặn các “công ty sân sau”. Các “công ty sân sau” được hiểu là có sự nâng đỡ của quyền lực chính trị nào đó. Bằng cách nào đó họ gây áp lực để cho đơn vị này trúng thầu còn đơn vị khác thì không trúng. Ở đây chúng ta thấy môi trường kinh doanh đã bị méo mó chứ không phải là cạnh tranh sòng phẳng. Thấy rõ nhất là các công trình xây dựng từ vốn ngân sách nhà nước. Quyền lực chính trị thì không phải ai cũng giữ mãi được, nên chúng ta hiểu qua từng giai đoạn sẽ có những “công ty sân sau” khác nhau, vậy là sức tồn tại, phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng có thể bị ảnh hưởng. Đã là doanh nghiệp, đáng lý ra là chăm chú nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thì lại bỏ công sức để xây dựng các mối quan hệ với sức mạnh chính trị. Môi trường cạnh tranh trong kinh doanh sẽ bị méo mó là vì vậy.
Thứ ba là xây dựng cơ chế minh bạch về tài chính. Bỏ cọc hay không bỏ cọc không quan trọng, nhưng khi đã tham gia đấu giá là anh phải cho biết năng lực tài chính. Chẳng hạn như các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Đã tham gia đấu giá thì phải chứng minh về năng lực tài chính, năng lực thi công. Những đơn vị không đủ những năng lực này trong thực tế mà trúng thầu, có khi công trình sẽ rất ì ạch. Nó ảnh hưởng ngay đến hiệu quả sử dụng đồng vốn ngân sách.
Nguồn vốn đầu tư cho phát triển, đầu tư mua sắm tài sản công ngày càng nhiều hơn, chúng ta quản lý chặt chẽ được bao nhiêu thì hiệu quả sử dụng đồng vốn của ngân sách được nâng cao bấy nhiêu. Đấu giá tài sản chỉ là một khâu trong công tác quản lý. Đã đấu giá công khai, minh bạch, “ngon lành” rồi chưa phải là xong trong công tác quản lý tiền của ngân sách, mà cần phải làm tốt nhiều khâu tiếp theo nữa trong công tác quản lý. Chẳng hạn như kiểm tra, giám sát. Đấu giá một sản phẩm đòi hỏi chất lượng như thế này thì anh phải làm đúng chất lượng như vậy. Trong xây dựng, một thuật ngữ chúng ta hay nghe nói đến là “ rút ruột công trình”, tức là chất lượng công trình bị ảnh hưởng.