Để quảng cáo góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa

Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 800 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, một lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa được thành phố ưu tiên phát triển. Tuy nhiên lâu nay, nhiều người thường thiếu thiện cảm với các hoạt động quảng cáo, nhất là không ít quảng cáo ngoài trời sai quy định, gây phản cảm… Bởi vậy, thành phố Hà Nội đang nỗ lực để vừa thúc đẩy hoạt động quảng cáo, vừa ngăn chặn, xử lý những sai phạm.

Một quảng cáo ngoài trời trên đường phố Hà Nội.

Một quảng cáo ngoài trời trên đường phố Hà Nội.

Hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn sôi nổi, nhất là các hoạt động quảng cáo ngoài trời. Tất cả cửa ngõ ra vào thành phố, các tuyến phố lớn, các trục đường trung tâm luôn dày đặc đủ loại biển quảng cáo. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 800 doanh nghiệp hoạt động quảng cáo với nhiều hình thức đa dạng khác nhau. Thành phố có gần 50 màn hình led quảng cáo đặt ở những vị trí đắc địa; 275 bảng quảng cáo bằng bảng hộp đèn; hàng nghìn giá treo banner quảng cáo…

Tuy nhiên lâu nay, người dân Thủ đô thường thiếu thiện cảm với hoạt động quảng cáo bởi các hoạt động quảng cáo ngoài trời thường xảy ra nhiều vi phạm, nhất là vi phạm về nội dung, kích cỡ so với đăng ký; tại nhiều nút giao thông, các biển quảng cáo được lắp đặt bừa bãi, với nhiều kích cỡ khác nhau, kết hợp với các biển hiệu của các tổ chức, cá nhân khiến bộ mặt đô thị nhốn nháo, thiếu mỹ quan.

Mặc dù vậy, lĩnh vực quảng cáo được xác định là một trong 12 lĩnh vực trọng tâm trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa mà Chính phủ đã ban hành. Với thành phố Hà Nội, Thành ủy Hà Nội cũng ban hành Nghị quyết số 09 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô đến năm 2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045”, trong đó, quảng cáo là một lĩnh vực quan trọng. Do đó, thành phố phải “cân đối” giữa thúc đẩy hoạt động quảng cáo, đồng thời ngăn chặn, xử lý những sai phạm để quảng cáo phát huy hiệu quả kinh tế cao nhất. Đối với công tác quản lý, từ năm 2016, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố.

Tiếp đó, năm 2018, Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2050. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để quản lý và phát triển hoạt động quảng cáo. Song đến nay, một số quy định đã lạc hậu với thực tế phát triển. Chẳng hạn như hiện đã có nhiều phương tiện quảng cáo mới nằm ngoài “tầm với” của quy định như: Quảng cáo sử dụng đèn laze; đèn điện tử trang trí tòa nhà kết hợp quảng cáo; máy chiếu hình ảnh lên tường, mặt đường, mặt nước, trên không; quảng cáo bằng vật thể bay… Thực tế này vừa đặt ra vấn đề trong quản lý, vừa đòi hỏi cần hỗ trợ doanh nghiệp quảng cáo có thể bắt kịp xu thế phát triển.

Tại hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước và đại diện Hiệp hội Quảng cáo, các doanh nghiệp quảng cáo trên địa bàn Hà Nội, với chủ đề “Quảng cáo với công nghiệp văn hóa” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa tổ chức, Cục trưởng Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Ninh Thị Thu Hương khẳng định, trong thời gian qua cũng như sắp tới, xu hướng chung của hoạt động quảng cáo sẽ chuyển dịch sang các phương tiện quảng cáo hiện đại hơn chứ không chỉ là các hoạt động quảng cáo ngoài trời như hiện nay.

Muốn đầu tư cho quảng cáo hiện đại thì không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ điều kiện kinh tế. Do đó, bà Ninh Thị Thu Hương đề nghị thành phố Hà Nội tập hợp những kiến nghị của doanh nghiệp để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có phương hướng giải quyết kịp thời, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo.

Về phía các doanh nghiệp quảng cáo, đại diện Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội cũng đề xuất một số ý kiến về tăng hiệu quả quảng cáo, xây dựng các mô hình hoạt động quảng cáo để định vị được thương hiệu và sự đóng góp của quảng cáo Thủ đô trong tăng trưởng GRDP của thành phố và góp phần tạo cảnh quan đô thị văn minh hiện đại; đề xuất cơ chế tháo gỡ khó khăn trong hoạt động quảng cáo; cải tiến rút gọn quy trình thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp…

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định, thông qua việc đối thoại, Sở Văn hóa và Thể thao mong muốn chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn với các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện quảng cáo; xác định rõ những nhiệm vụ quản lý nhà nước của các cấp, ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, nhất là quảng cáo ngoài trời. Từ đó, tăng cường công tác phối hợp, tạo hành lang pháp lý tốt nhất, cùng những điều kiện nhằm thúc đẩy hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội gắn với phát triển công nghiệp văn hóa.

Việt Hưng

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/de-quang-cao-gop-phan-thuc-day-cong-nghiep-van-hoa-post729510.html