Để ra 'biển lớn', doanh nghiệp cũng cần đổi mới tư duy

Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Nhà sáng lập, Chủ tịch WeLead, Thành viên sáng lập Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN trong cuộc trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Nhà sáng lập, Chủ tịch WeLead, Thành viên sáng lập Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Nhà sáng lập, Chủ tịch WeLead, Thành viên sáng lập Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN

PV: Trong xu hướng nền kinh tế xanh, các doanh nghiệp cần phải dồn tâm sức, trí lực để đi tìm lời giải cho bài toán chất lượng xanh (CLX). Đây cũng là yêu cầu cần và đủ để các DN vươn ra biển lớn. Bà có tán thành quan điểm này?

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Trong xu hướng nền kinh tế xanh, việc tập trung vào “CLX”, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu tất yếu để DN tồn tại và phát triển bền vững.

Tôi ủng hộ quan điểm này vì nhiều lý do, trong đó có việc khi các DN muốn vươn ra thị trường toàn cầu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh khắt khe từ đối tác và quy định quốc tế. Các tiêu chuẩn này bao gồm chuỗi cung ứng bền vững, giảm khí thải carbon, trung hòa carbon, sử dụng năng lượng tái tạo và tối ưu hóa tài nguyên.

Đầu tư vào CLX không chỉ giúp DN giảm chi phí (như năng lượng, nguyên liệu), mà còn tạo ra cơ hội tăng trưởng dài hạn thông qua việc xây dựng hình ảnh thương hiệu bền vững và có trách nhiệm.

Các Chính phủ và tổ chức trên thế giới ngày càng khuyến khích DN hướng tới nền kinh tế xanh thông qua các ưu đãi về thuế, vốn vay và chính sách hỗ trợ kỹ thuật. Đây là cơ hội lớn mà các DN nên tận dụng.

Tuy nhiên, để đạt được “CLX”, DN cần sự đầu tư nghiêm túc về nguồn lực, công nghệ, cũng như thay đổi tư duy quản trị. Đây không phải là hành động trước mắt, nhất thời, mà đòi hỏi sự cam kết và chiến lược lâu dài.

DN nào biết nắm bắt xu hướng, tìm thấy cơ hội trong thách thức, thì sẽ không chỉ vươn ra biển lớn mà còn tự tin cạnh tranh bình đẳng với các DN quốc tế, làm chủ và dẫn dắt một số chuỗi cung ứng xanh toàn cầu, góp phần bảo vệ hành tinh và xây dựng một nền kinh tế toàn cầu bền vững hơn.

PV: Theo bà, làm thế nào để xây dựng được một đội ngũ DN lớn, có vai trò dẫn dắt như tinh thần Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới?

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Để đạt được các mục tiêu quan trọng trong Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, bên cạnh các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước, theo tôi, các DN Việt Nam cần nêu cao tinh thần và thay đổi tư duy.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: “Chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng về khí chất và bản lĩnh con người Việt Nam, trong đó có doanh nhân Việt Nam, họ sẽ làm nên những kỳ tích mới trên mặt trận kinh tế” - Nhà sáng lập, Chủ tịch WeLead nhấn mạnh.

Trước hết, DN cần nâng cao tinh thần “phụng sự dân tộc, hưng thịnh quốc gia”: Doanh nhân cần xác định vai trò là lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế, góp phần xây dựng đất nước hùng cường; Kết hợp giữa lợi ích DN và lợi ích quốc gia, ưu tiên phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Thứ hai, cần thay đổi tư duy về quản trị và phát triển DN: Chuyển đổi từ tư duy kinh doanh truyền thống sang quản trị hiện đại, dựa trên công nghệ và dữ liệu; Tích hợp các yếu tố chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh để tăng tính hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Thứ ba, cần đề cao văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân: Xây dựng văn hóa DN minh bạch, chuyên nghiệp và tôn trọng pháp luật; Phát triển giá trị cốt lõi gắn liền với trách nhiệm xã hội và đạo đức trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần tăng cường đổi mới sáng tạo: Chấp nhận rủi ro và đổi mới mô hình kinh doanh để phù hợp với xu hướng toàn cầu; Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), không ngừng tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đồng thời, cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Đào tạo và phát triển kỹ năng cho nhân viên, đặc biệt là các kỹ năng liên quan đến công nghệ và hội nhập quốc tế; Xây dựng đội ngũ nhân sự có năng lực, ý chí và tinh thần đổi mới.

Các DN cũng cần tăng cường liên kết trong nước và quốc tế và tận dụng các chính sách ưu đãi từ Chính phủ như các chính sách hỗ trợ về thuế, vốn vay, đào tạo nhân lực và công nghệ.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Đoan Trang (thực hiện)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/de-ra-bien-lon-doanh-nghiep-cung-can-doi-moi-tu-duy-post537151.html