Để sách giáo khoa không lãng phí
Nhiều nhà trường đã huy động, tận dụng sách giáo khoa cũ để phục vụ cho những năm học tiếp theo. Số sách trên được lưu trong thư viện nhằm hỗ trợ cho những học sinh không may làm hỏng và có hoàn cảnh khó khăn…
Tăng giá trị cho sách
Thầy Phạm Văn Tường - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Mậu Long, (Yên Minh, Hà Giang) trao đổi: Từ năm học 2021, khi có Nghị định 81 của Chính phủ, 100% học sinh vùng 3 được hỗ trợ đồ dùng học tập nên thiếu sách giáo khoa không còn là vấn đề đáng lo ngại khi bước vào năm học mới.
Tuy nhiên, để tận dụng nguồn sách giáo khoa cũ, đặc biệt với sách lớp 1, 2 mới theo Chương trình GDPT mới 2018 cho các năm học tiếp theo vẫn được nhà trường, giáo viên huy động phụ huynh, học sinh ủng hộ khi kết thúc năm học.
“15/6 là ngày kết thúc năm học, trường sẽ huy động lại sách giáo khoa cũ của 910 học sinh toàn trường. Ước lượng sẽ thu được 30% sách, trường tiếp tục phân loại, có thể sử dụng được các năm sau. Việc huy động sách giáo khoa cũ được trường đưa vào hoạt động kết thúc năm học. Làm tốt vấn đề này nguồn sách giáo khoa sẽ luôn được bảo đảm…”, thầy Tường trao đổi.
Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai) cũng nằm trên địa bàn xã vùng 3 nên 100% học sinh được hưởng chế độ hỗ trợ học phí và đồ dùng học tập theo Nghị định 81 Chính phủ (mỗi tháng 150 nghìn đồng/học sinh).
Thầy Nguyễn Tiến Công - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã chia sẻ về cách tận dụng sách giáo khoa cũ hiệu quả. Đó là ngay khi kết thúc năm học, trường vận động 100% học sinh, phụ huynh gửi lại sách giáo khoa ở trường. Sau đó, các cô giáo lựa chọn khoảng 60 - 70% sách giáo khoa có thể tận dụng lại cho học sinh lớp dưới trong năm học mới.
Với số sách tận dụng được, trường sẽ chia đều kinh phí phải mua số sách còn lại cho phụ huynh các khối, lớp. Như vậy tiết kiệm được đáng kể số tiền phụ huynh phải chi trả để mua sách giáo khoa mới vào đầu năm học. “Sách giáo khoa được lựa chọn năm trước không có sự thay đổi ở năm học sau, chất liệu tốt, học sinh biết giữ gìn… thì việc sử dụng lại hoàn toàn hợp lý, tránh lãng phí mà học sinh vẫn học tập tốt…”, thầy Công chia sẻ.
Số sách giáo khoa lớp 8, 9 và 124 bộ sách giáo khoa lớp 6 đã được Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Mù Cang Chải, Yên Bái) vận động học sinh, gia đình trao lại khi kết thúc năm học 2021 - 2022. Sau khi kiểm kê, phân loại sách giáo khoa cũ, trường thống kê số lượng sách phải mua năm học tới (trừ sách giáo khoa lớp 7 phải mua 100%).
Thầy Hà Trần Hồng - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, phụ huynh có con học năm học sau sẽ không mất tiền để mua sách giáo khoa mới. Bởi tổng số tiền mua sách được chia đều cho phụ huynh các lớp cùng khối trên số lượng sách giáo khoa mới. Phụ huynh vẫn có thể giữ lại một khoản kinh phí hỗ trợ học sinh (theo Nghị định 81) để mua sắm các đồ dùng học tập, trang phục… khác cho học sinh.
Có thể thấy, việc tận dụng sách giáo khoa cũ đối với các trường vùng cao, khó khăn đang được vận hành linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm tiết kiệm cho cha mẹ học sinh. Học sinh thuộc gia đình khó khăn về kinh tế vẫn được cấp đầy đủ sách giáo khoa, đồ dùng thiết bị dạy và học. Từ đó, các trường nâng cao chất lượng giáo dục.
Còn với nhiều trường thành phố, nơi có điều kiện thì vấn đề tận dụng sách giáo khoa cũ không phải là nhu cầu cấp thiết, thậm chí các gia đình không có nhu cầu cho con dùng lại sách giáo khoa cũ. Song việc nâng cao giá trị sử dụng cho sách giáo khoa cũ vẫn được nhiều trường quan tâm, tạo ra những phong trào ý nghĩa từ sách giáo khoa cũ.
Cô Hoàng Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (Hai Bà Trưng, Hà Nội) trao đổi: Nhiều năm nay, kết thúc năm học nhà trường sẽ kêu gọi học sinh để lại sách giáo khoa cũ cho nhà trường. Tổ chức Đoàn, Đội và giáo viên sẽ phân loại chọn ra những cuốn sách còn tốt để tặng cho nhiều trường học vùng khó có nhu cầu về sách giáo khoa cũ.
Đối với sách giáo khoa mới (lớp 6) theo Chương trình GDPT 2018, trước khi trao tặng cũng được trường trao đổi rõ loại sách để “khớp” nhu cầu của trường nhận sách. Tránh tình trạng sự lựa chọn sách giáo khoa giữa các trường khác nhau, sách mang về bị bỏ phí. Đáng nói, qua phong trào tặng sách giáo khoa cũ, nhà trường đã giáo dục tốt hơn ý thức học sinh trong vấn đề gìn giữ sách, “tương thân tương ái” với khó khăn của xã hội và người xung quanh.
Không để dùng 1 lần
Theo thầy Nguyễn Tiến Công - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Hoàng Thu Phố (Lào Cai), toàn trường có 224 học sinh, hơn 40 em/lớp. Do đó, để tận dụng được tối đa sách giáo khoa cũ cho các năm học sau thì giáo dục ý thức giữ gìn, hướng dẫn sử dụng sách cho học sinh được nhà trường đặc biệt quan tâm. Không những thế, ngay từ khi giao nhận sách giáo khoa mới, trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp có trách nhiệm dập ghim và bọc lại sách cho học sinh để bảo quản thuận lợi...
Cô Bùi Thị Minh Khuyên - giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) chia sẻ: Mỗi năm trường có 2 đợt nhận lại sách giáo khoa cũ, đó là hết học kỳ I và kết thúc học kỳ II. Thực tế cho thấy, số sách giáo khoa hàng năm có thể tận dụng lại được chiếm từ 70 - 80%.
Để bảo quản sách tốt nhất, giáo viên các lớp không chỉ đóng lại gáy sách, bọc bìa mà còn yêu cầu học sinh để lại sách trên lớp không mang về nhà hoặc phòng bán trú. Với môn học cần ôn lại bài buổi tối, học sinh có thể mượn nhưng giáo viên sẽ yêu cầu và dặn dò kỹ việc bảo quản và có sổ giao nhận tránh thất thoát…
Thầy Hà Trần Hồng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc huy động sách giáo khoa cũ là hoạt động thường xuyên trong nhiều năm qua của trường. Nhưng nếu chỉ huy động mà không có sự bảo quản tốt thì cũng khó tận dụng. Chính vì vậy trường quán triệt giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn nhắc nhở học sinh nâng cao ý thức trong việc giữ gìn bảo quản, sách giáo khoa hàng ngày, hàng tuần. Các cô giáo hướng dẫn cho học sinh nâng cao hiệu quả bảo quản sách tại thư viện. Và bản thân giáo viên phải làm gương trong bảo quản sách với học sinh…
“Sách giáo khoa mới (theo Chương trình GDPT 2018) không có sự thay đổi hàng năm. Việc tận dụng sách giáo khoa cũ không chỉ nâng cao giá trị, tiết kiệm mà còn giáo dục học sinh về nền nếp, ý thức giữ gìn. Học sinh sẽ không phải dùng chung sách. Bên cạnh đó, sách giáo khoa cũ còn bổ sung vào nguồn sách lưu trữ cho thư viện nhà trường…”, thầy Hà Trần Hồng - Hiệu trưởng PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) khẳng định.
Hà Anh
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/de-sach-giao-khoa-khong-lang-phi-tHcnrhCng.html