Để sân chơi Đông Nam Á không còn gây nhiều tranh cãi…
Sự trỗi dậy của đội tuyển Việt Nam là dấu ấn lớn nhất trong bức tranh tổng thể của AFF Cup 2024 còn một số vấn đề tồn đọng mà người hâm mộ bóng đá Đông Nam Á mong mỏi các nhà làm giải ngày càng tốt hơn.
AFF Cup, giải đấu do Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á tổ chức, từ khi ra đời năm 1996 với tên gọi Tiger Cup, trải qua nhiều thay đổi và đến năm 2024 mới chính thức được FIFA công nhận là giải đấu thuộc nhóm A - cấp độ cao nhất trong hệ thống giải đấu của FIFA.
Nâng tầm AFF Cup
Vấn đề của AFF Cup lần thứ 15 là hiện chỉ được xếp ở cấp độ 5 - vị trí thấp nhất trong hệ thống tính điểm của FIFA. Lý do là cuộc chơi lớn Đông Nam Á không nằm trong FIFA Days, tức không diễn ra vào các khung thời gian chính thức được FIFA công nhận.
AFF Cup là giải đấu danh giá nhất của bóng đá Đông Nam Á, được coi là sân chơi vô địch khu vực. Tuy nhiên, để nâng tầm AFF Cup, không có cách nào khác ngoài việc Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) cần sắp xếp lại lịch thi đấu để giải đấu này tổ chức trong dịp FIFA Days. Giải pháp tốt nhất là chuyển AFF Cup sang mùa hè, khi không trùng với lịch thi đấu của các CLB.
Trong trường hợp AFF Cup diễn ra vào mùa hè, sân chơi này không chỉ được FIFA công nhận mà còn có thể thay đổi vị trí tính điểm trong hệ thống giải đấu của FIFA. Điều này cho phép các đội tuyển quốc gia tham dự với lực lượng mạnh nhất, từ đó nâng cao chất lượng, uy tín và thương hiệu của giải đấu so với hiện tại.
Việc đấu trường AFF Cup lọt vào FIFA Days là một cơ hội lớn để những màn trình diễn của cầu thủ Đông Nam Á tự giới thiệu mình ra thế giới và khẳng định vị thế trong hệ thống bóng đá toàn cầu. Sự thay đổi này cũng mở ra cơ hội lớn để AFF Cup có thể tiến xa hơn, góp phần nâng cao tầm vóc và giá trị của bóng đá Đông Nam Á trên bản đồ thế giới.
Những hạn chế cần thay đổi ở sân chơi Đông Nam Á
Lịch thi đấu dày đặc tại AFF Cup 2024 là hạn chế đầu tiên mà rất nhiều HLV đã lên tiếng về sự bất hợp lý, đặc biệt sau năm 2018, khi số đội tăng lên 10 đồng nghĩa với việc các trận đấu cũng tăng theo. Nếu đội bóng nào lọt đến trận chung kết, họ phải thi đấu tổng cộng 8 trận trong 30 ngày, tức trung bình hơn 3 ngày/1 trận, chưa tính thời gian di chuyển là rất mệt mỏi.
Cũng chính vì thế, có nhiều đội tuyển quốc gia không sử dụng những cầu thủ giỏi nhất, một phần do cuộc chơi không nằm ở cấp độ A trong hệ thống thi đấu chính thức của FIFA khiến các CLB có quyền không nhả quân. Thái Lan, Indonesia, Malaysia không có đội hình mạnh nhất, chưa kể các cầu thủ làm nhiệm vụ trên đội tuyển lại vội vã trở về khoác áo CLB ngay trong lúc diễn ra AFF Cup 2024.
Video trợ lý trọng tài (VAR) ở cuộc chơi Đông Nam Á mùa này cũng gây nhiều tranh cãi và rất phí phạm thời gian, như trận chung kết lượt về trên sân Rajamangala mất 15 phút bù giờ, còn thực tế hơn 20 phút. Nguyên nhân chính là trung tâm điều hành VAR đặt ở Malaysia, nên khi gửi tín hiệu trở lại các trường quay khác nhau đã gây ra những sự chậm trễ đáng kể.
Liên lạc bị trì hoãn khiến sự hưng phấn của cầu thủ sẽ giảm đi, đồng thời làm tăng thời gian làm họ mệt mỏi hơn, chưa kể một số quyết định sai lầm hoặc bị VAR bỏ qua tạo ra những ức chế cho cầu thủ lẫn người xem.
Một điều nữa khiến giải đấu của Đông Nam Á làm giảm sự thú vị và gây khó khăn cho người trong cuộc khi một số đội bóng sử dụng cỏ nhân tạo để thi đấu.
Ở giải đấu này có Philippines đá trên sân Rizal Memorial với mặt cỏ nhân tạo không tốt, vừa gây khó cho cầu thủ xử lý bóng lại dễ làm họ gặp chấn thương. Đội tuyển Singapore ở trận bán kết lượt đi cũng chuyển đến sân cỏ nhân tạo Jalan Besar vì sân vận động quốc gia bận rộn với buổi hòa nhạc đã đặt trước. Những trận đấu trên sân cỏ nhân tạo khác xa với sân cỏ tự nhiên và nếu muốn các tiêu chuẩn ở Đông Nam Á đạt chuẩn trên phạm vi quốc tế, AFF cần có quy định để các đội tuyển sử dụng sân cỏ thật.
Ấn tượng đội tuyển Việt Nam
Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã rất nỗ lực để khôi phục lại niềm tin cho người hâm mộ sau thời gian không thành công từ thời HLV Troussier và sau đó phải thay bằng ông thầy người Hàn Quốc Kim Sang-sik. Ngồi ghế nóng chưa lâu, ông Kim đã giúp các học trò vươn lên đỉnh cao Đông Nam Á, sau hai mùa gần nhất Thái Lan vô địch AFF Cup.
Đội tuyển Việt Nam bất bại ở AFF Cup 2024, thắng 7 và hòa 1 trận, nhờ sự hòa hợp về chiến thuật của HLV Kim Sang-sik với các cầu thủ. Duy Mạnh và đồng đội chơi phòng thủ rất chặt chẽ, trong khi hàng công dứt điểm sắc bén hơn, với sự tỏa sáng của Nguyễn Xuân Son (giành cú đúp danh hiệu Vua phá lưới (7 bàn thắng) và Cầu thủ xuất sắc nhất. Bóng đá Việt Nam một lần nữa trở lại ngôi số một Đông Nam Á sau 6 năm xa cách, cùng hai lần đăng quang mùa 2008, 2018.
Nguồn PLO: https://plo.vn/de-san-choi-dong-nam-a-khong-con-gay-nhieu-tranh-cai-post829130.html