Để sân khấu thành nhu cầu của khán giả

Những năm qua, hoạt động sân khấu nước ta gặp nhiều khó khăn. Làm thế nào để tạo dựng được lượng khán giả bền vững đang là vấn đề cấp thiết khiến nhiều người yêu sân khấu trăn trở.

Ê-kíp vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” giao lưu với khán giả. (Ảnh: N.ĐINH)

Đứng trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin cùng những phương tiện giải trí hiện đại, sân khấu khó tránh khỏi lao đao trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giành thị phần khán giả. Tuy nhiên, vẫn có một số ít đơn vị nghệ thuật vươn lên mạnh mẽ thông qua các tác phẩm sân khấu chất lượng.

Tiêu biểu gần đây phải kể tới “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản 2024-vở kịch của nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp và đạo diễn người Nhật Sugiyama đã làm nên nhiều đêm diễn cháy vé tại Hà Nội. Dựa trên kịch bản nổi tiếng của cố tác giả Lưu Quang Vũ, ê-kíp sáng tạo đã có những phá cách thú vị từ âm nhạc, trang phục tới nhân vật… để tạo nên một vở diễn mới mẻ, hiện đại, có sự hòa quyện của tinh thần Á Đông và ngôn ngữ sân khấu kinh điển phương Tây.

Vừa qua, những vở diễn như “Bóng rối” của Nhà hát Kịch Việt Nam hay “Người lạ hoàn hảo” của Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã gây ấn tượng bằng nhiều suất diễn chật kín khán giả. Đặc biệt, không thể không nói đến Sân khấu Lệ Ngọc với các vở như “Thị Nở-Chí Phèo”,“Làm vua”, “Cây tre trăm đốt”, “Lá đơn thứ 72”… đã làm nên hiện tượng sân khấu bằng hàng chục, thậm chí hàng trăm suất diễn liên tục… Điều này cho thấy, không phải khán giả đang quay lưng với sân khấu như người ta thường nói, mà là sân khấu nói chung chưa tìm được đường đến với trái tim khán giả.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chừng nào sáng tạo của nghệ sĩ chưa tìm được quỹ đạo chung với thị hiếu thẩm mỹ của công chúng hiện đại, thì chừng đó tình trạng khủng hoảng khán giả của sân khấu sẽ còn tiếp diễn.

Có một thực tế không thể phủ nhận, đó là nhiều năm qua, sân khấu luôn khan hiếm kịch bản đề tài hiện đại. Nói như Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Nguyễn Đăng Chương là: Qua gần 40 năm đổi mới, đất nước thay da đổi thịt từng ngày nhưng tác giả sân khấu dường như vẫn né tránh, đứng bên ngoài thực tiễn sinh động, trong khi người xem hôm nay cần sân khấu đưa ra những thông điệp định hướng mang tính dự báo, phản ánh chân thực những phát sinh trong con người, xã hội để lý giải và góp phần làm cuộc sống tốt đẹp hơn…

Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến sân khấu đìu hiu những năm qua. Vì lẽ đó, muốn kéo khán giả đến với sân khấu, nhất là những khán giả trẻ luôn nhạy bén trước các vấn đề, sự kiện nóng bỏng của cuộc sống đương đại, không cách gì khác, những người làm sân khấu trước tiên phải dám dấn thân khai phá hiện thực.

Theo nhiều nhà hoạt động sân khấu đề cập, khán giả có quyền lựa chọn loại hình nghệ thuật mà mình yêu thích, đồng nghĩa với việc, muốn tồn tại, người làm sân khấu phải giữ đúng loại hình nghệ thuật của mình, và muốn phát triển phải thích ứng nhu cầu của thời đại. Tồn tại và phát triển luôn là mục tiêu, cũng là phương hướng của sân khấu nói chung.

Để khán giả chủ động tìm đến với sân khấu, phải trao cho họ cơ hội được tiếp cận, từ đó thêm hiểu và yêu sân khấu. Muốn thế, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề đào tạo, định hướng thẩm mỹ cho khán giả ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, vì đây chính là đội ngũ công chúng tương lai của sân khấu, cũng là nguồn lực mang trong mình sứ mệnh tiếp nối, gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu nước nhà.

Cũng từ quan điểm này, việc đưa công tác giảng dạy, giáo dục sân khấu vào học đường càng sớm sẽ càng tạo điều kiện và nguồn lực thuận lợi cho sự phát triển của nghệ thuật sân khấu. Đó là lý do mà một số đơn vị nhà hát ở Hà Nội đã và đang triển khai đề án sân khấu kịch học đường, tập trung giới thiệu, biểu diễn các vở được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông để các em học sinh vừa được cảm nhận sâu sắc, sinh động hơn về những câu chuyện, nhân vật lịch sử, văn học, vừa được truyền tình yêu dành cho sân khấu.

Bên cạnh chủ động đầu tư, tìm kiếm kịch bản hấp dẫn, đội ngũ sáng tạo như biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo, thiết kế mỹ thuật, âm thanh ánh sáng của các nhà hát cũng cần học hỏi không ngừng để cập nhật những yếu tố mới, hiện đại của thế giới, từ đó ứng dụng hài hòa vào các vở diễn nhằm tăng tính hấp dẫn.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh truyền thông tổng lực trước các đợt diễn qua các nền tảng số, tổ chức hội nghị khách hàng, tiếp cận, tiếp thị và thông báo trực tiếp cho khách hàng qua hệ thống telesale, email với lịch biểu diễn từng mùa phù hợp từng đối tượng… Đã có các đơn vị nhà hát như Nhà hát Tuổi trẻ còn chú trọng xây dựng mô hình “Sân khấu hóa các tác phẩm văn học” dành riêng cho thanh thiếu niên, nhi đồng.

Đan xen trong các buổi thưởng thức nghệ thuật là chương trình giao lưu thú vị với các chuyên gia khách mời là giáo sư, tiến sĩ, nhà chuyên môn, những người có ảnh hưởng… về nội dung vở diễn, phương pháp phân tích nhân vật, liên hệ thực tiễn…

Sự cộng hưởng giữa diễn xuất của diễn viên, chia sẻ của khách mời và cảm xúc của các em học sinh trong vai trò vừa là khán giả, vừa là đối tượng tương tác sẽ giúp nâng cao hiệu quả giáo dục sáng tạo, phát triển năng lực tư duy, đồng thời còn thu hút thêm các khán giả trẻ đến với nhà hát, góp phần tạo dựng được lượng khán giả bền vững cho sân khấu.

BÁO NHÂN DÂN

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/de-san-khau-thanh-nhu-cau-cua-khan-gia-75143.html