Để sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu 'phủ sóng' thị trường
Nhiều năm nay, Quảng Ngãi có nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) được công nhận tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực, giúp sản phẩm đứng vững trên thị trường. Bên cạnh đó thì vẫn còn một số sản phẩm sau khi được công nhận tiêu biểu vẫn khó phát triển, do chưa được quan tâm giới thiệu, quảng bá đúng mức.
Nhiều sản phẩm tiêu biểu
Từ năm 2016 đến nay, Quảng Ngãi đã 3 lần tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, qua đó đã có hàng chục lượt sản phẩm được công nhận tiêu biểu các cấp. Cụ thể, năm 2016 có 23 sản phẩm được công nhận tiêu biểu cấp tỉnh, 11 sản phẩm được công nhận khu vực miền Trung - Tây Nguyên; năm 2017, có 4 sản phẩm công nhận tiêu biểu cấp quốc gia; năm 2018, có 24 sản phẩm được công nhận tiêu biểu cấp tỉnh, 5 sản phẩm được công nhận tiêu biểu cấp khu vực; năm 2019, có 2 sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia.
Doanh nghiệp Quảng Ngãi quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu với người tiêu dùng tỉnh Nghệ An.
Riêng năm 2020, Quảng Ngãi có 22 sản phẩm tham gia bình chọn và có 14 sản phẩm được công nhận tiêu biểu cấp tỉnh. Các sản phẩm được công nhận tiêu biểu chủ yếu là những sản phẩm khá quen thuộc với người tiêu dùng trong tỉnh, như nước mắm, mạch nha, bánh tráng, quế, bánh kẹo, bột ngũ cốc, phân bón, gạch không nung, ngói, đồ gỗ mỹ nghệ, cửa nhôm kính...
Sau khi được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu, Sở Công thương đã hỗ trợ phát triển sản phẩm thông qua việc thực hiện 7 đề án tổ chức hội chợ, triển lãm. Năm 2016, khi lần đầu tiên tổ chức hoạt động bình chọn, Quảng Ngãi đã tổ chức hội chợ quy mô lớn, thu hút nhiều sản phẩm khác trong tỉnh tham gia. Qua đó, thu hút đông đảo người tiêu dùng đến tham quan, tìm hiểu, mua sắm.
Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại trao đổi, giới thiệu, mua bán, hợp tác tiêu thụ sản phẩm thông qua hội nghị kết nối cung cầu, mời các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về tìm hiểu, ký kết thỏa thuận hợp tác, đưa hàng vào siêu thị. Điển hình là các hội chợ cấp khu vực và quốc gia như: Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc lần thứ 16 tại TP.Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc 2019 tại TP.Thượng Hải (Trung Quốc)...
Thiếu bền vững
Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm này chỉ tập trung vào các chương trình liên quan đến xúc tiến thương mại quốc gia, đưa hàng Việt về nông thôn, phiên chợ hàng Việt, ngày hội công nhân. Vì thế, việc quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm chủ yếu là theo "phong trào", chưa có sự bền vững và khi sự kiện kết thúc thì những kết nối dài hơn không thực hiện được.
Mặc dù từ năm 2016 - 2020, Quảng Ngãi đã tổ chức 41 hội chợ, 53 phiên chợ và chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, hải đảo, miền núi, nhưng chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở quảng bá, giới thiệu, chưa kết nối được với người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm tiêu biểu chỉ tham gia vài lần đã dừng, vì xét thấy các hoạt động xúc tiến này chưa thực sự hiệu quả.
Trong 5 năm qua, chỉ có duy nhất 1 đơn vị là Tập đoàn Central Group (hệ thống Siêu thị Go!) đã ký kết hợp tác, đưa một số nông sản, hàng hóa, trong đó có sản phẩm CNNT tiêu biểu vào siêu thị, song số lượng tiêu thụ không nhiều. Trong số sản phẩm CNNT tiêu biểu, có một số sản phẩm được chọn từ Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Nguyễn Đức Huy, người tiêu dùng mong muốn được sử dụng sản phẩm CNNT quen thuộc, đảm bảo an toàn, nhưng sự kết nối sản phẩm với thị trường vẫn chưa mạnh mẽ. Nguyên nhân do nguồn kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến thương mại còn khá khiêm tốn, khiến hoạt động xúc tiến luôn trong vòng luẩn quẩn, trùng lắp.
Về phía chủ cơ sở, đa phần thiếu kiến thức, hạn chế về tài chính, nên khả năng tự giới thiệu, quảng bá sản phẩm chưa tương xứng với yêu cầu phát triển thị trường. Vì thế, để hoạt động xúc tiến thương mại thực sự đủ mạnh, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu rộng khắp trong và ngoài tỉnh thì cần nhiều giải pháp tổng thể hơn.