Để sản xuất ở vùng nông thôn, miền núi phát triển

Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (Chương trình nông thôn miền núi-NTMN) giai đoạn 2016-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã thay đổi diện mạo vùng NTMN, giúp đỡ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn cần khắc phục. Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với ông Chu Thúc Đạt, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN về vấn đề này.

Ông Chu Thúc Đạt.

Ông Chu Thúc Đạt.

Phóng viên (PV): Chương trình NTMN được Bộ KH&CN triển khai đã hoàn thành giai đoạn 2016-2020 với nhiều kết quả nổi bật. Ông có đánh giá như thế nào về những kết quả này?

Ông Chu Thúc Đạt: Chương trình nông thôn miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1747/QĐ-TTg năm 2015 do Bộ KH&CN thực hiện từ năm 2016 đến 2025. Sau 5 năm thực hiện, các mục tiêu trong chương trình đã cơ bản đạt được. Cụ thể, đã có khoảng 400 dự án được phê duyệt với kinh phí đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng; tiến hành triển khai và đưa được hơn 1.200 quy trình công nghệ, tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) để ứng dụng vào sản xuất ở các vùng miền NTMN, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của cả nước trên địa bàn 61 tỉnh, thành phố. Đào tạo được gần 4.000 kỹ thuật viên cơ sở huấn luyện, tập huấn cho hơn 80.000 lượt người dân tham gia. Qua đó, người dân và doanh nghiệp đã làm chủ được các công nghệ mới và mở rộng phát triển trong sản xuất thực tiễn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế phát triển ở vùng NTMN.

PV: Theo ông, trong 5 năm thực hiện chương trình NTMN còn gặp những khó khăn gì?

Ông Chu Thúc Đạt: Vùng NTMN là địa bàn xa xôi, khó khăn. Trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao; do đó, khả năng tiếp cận với công nghệ mới và tiến bộ khoa học kỹ thuật còn nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, điều kiện địa hình vùng NTMN khó khăn, chủ yếu ở các vùng sâu, vùng xa nên việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các vùng này gặp nhiều bất cập khiến cho việc tiếp cận của người dân với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới bị hạn chế. Chưa kể đến nguồn lực đầu tư cho khu vực NTMN còn hạn hẹp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà sản xuất, hợp tác xã chủ yếu quy mô nhỏ do thiếu vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ sở hạ tầng chưa phát triển.

Giới thiệu mô hình Dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển một số giống xoài mới tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La". Ảnh: HOÀNG HẢI

Giới thiệu mô hình Dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển một số giống xoài mới tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La". Ảnh: HOÀNG HẢI

PV: Vậy trong giai đoạn tới, 2021-2025, cần làm gì để khắc phục những khó khăn còn tồn tại và phát triển hơn nữa chương trình NTMN, thưa ông?

Ông Chu Thúc Đạt: Để khắc phục những khó khăn còn tồn tại trong thời gian qua, cần tăng cường tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho người dân làm chủ được quy trình công nghệ mới, tiếp cận được những tiến bộ KHCN mới để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất; trên cơ sở đó áp dụng ngày càng rộng rãi trong đời sống thực tại để mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Cùng với hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cũng cần huy động thêm nguồn vốn từ các doanh nghiệp để tập trung nguồn lực cho người dân để phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương. Việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới phù hợp với từng lĩnh vực, ngành hàng cũng sẽ giúp quy trình sản xuất các mặt hàng chủ lực của từng địa phương ngày càng phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, việc tập trung xây dựng các mô hình mang tính điển hình, áp dụng công nghệ thông minh, quy trình tự động hóa trong sản xuất sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, làm thay đổi cơ cấu sản xuất cũng như giải quyết được nhu cầu việc làm cho người lao động nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

PV: Đâu là vấn đề mấu chốt để phát huy được nguồn lực hỗ trợ của Chương trình NTMN cho phát triển sản xuất?

Ông Chu Thúc Đạt: Theo tôi, đối với các đề xuất dự án tham gia Chương trình NTMN, yêu cầu hàng đầu là phải bảo đảm tính khả thi, khả năng nhân rộng mô hình và sản phẩm ứng dụng cụ thể tại từng địa phương. Cụ thể, ngày 10-3-2021, Bộ KH&CN đã có Thông báo số 493/TB-BKHCN về đề xuất dự án thuộc Chương trình NTMN gửi 63 tỉnh, thành phố hướng dẫn người dân và doanh nghiệp đề xuất các dự án tiềm năng. Trên cơ sở đó, người dân và doanh nghiệp đề xuất các dự án của mình lên Sở KH&CN tại địa phương, Sở KH&CN sẽ có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thành hồ sơ gửi về Bộ KH&CN. Theo đó, các đề xuất dự án phải bám sát mục tiêu, nội dung của Chương trình NTMN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13-10-2015. Các doanh nghiệp muốn đẩy mạnh phát triển sản xuất và tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ từ chương trình NTMN, trước hết cần xác định nhu cầu phát triển các sản phẩm, nâng cao năng lực của chính doanh nghiệp (vốn, điều kiện vật chất-kỹ thuật, nguồn nhân lực...), lựa chọn đúng công nghệ thực sự có hiệu quả, đúng tổ chức hỗ trợ, tổ chức công nghệ có năng lực để triển khai hướng dẫn cho doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến về dự án của mình để người dân học tập và nhân rộng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

TRẦN DUNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/de-san-xuat-o-vung-nong-thon-mien-nui-phat-trien-655937