Để sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả
Từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ bắt đầu giao dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) cho từng địa phương nhằm đảm bảo nguồn kinh phí được sử dụng một cách công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo tính khách quan. Đây cũng được xem là biện pháp góp phần tháo gỡ vướng mắc trong bối cảnh hầu hết các tỉnh bị bội chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT do điều chỉnh giá dịch vụ y tế và mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.
Tuy nhiên, qua gần 3 năm thực hiện, có thể thấy mục tiêu này chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Bởi thực tế, sau khi được giao dự toán, hầu hết các cơ sở y tế đều trong tình trạng chi vượt dự toán và loay hoay tìm giải pháp tháo gỡ. Thậm chí, có cơ sở y tế năm sau chồng nợ vượt dự toán năm trước, việc giải quyết khá khó khăn do không chứng minh được những khoản chi gia tăng trong công tác khám, chữa bệnh BHYT dẫn đến vượt chi khá nhiều so với mức được giao. Đã và đang xảy ra tình trạng không ít cơ sở y tế phải hoạt động cầm chừng, không dám triển khai những kỹ thuật điều trị mới, hiện đại; hạn chế kê toa thuốc đắt tiền cho bệnh nhân; giảm tối đa các khoản chi phúc lợi cho cán bộ, nhân viên trong bệnh viện vì chi đã vượt quá mức cho phép.
Trong khi các cơ sở y tế “than” khó thì cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) lại cho rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan xuất phát từ thực tế trong công tác khám, chữa bệnh như số lượng bệnh nhân gia tăng, triển khai nhiều kỹ thuật cao cho điều trị... thì vẫn còn những nguyên nhân chủ quan khiến nguồn quỹ BHYT nhanh hết. Có thể kể đến như: việc lạm dụng các kỹ thuật xét nghiệm không cần thiết, kê đơn thuốc giá cao, chỉ định thuốc không đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Ở một số cơ sở y tế tư nhân còn xảy ra tình trạng “câu lưu” bệnh nhân nhằm tăng số giờ khám, chữa bệnh bằng BHYT hay dễ dãi trong việc cấp giấy nghỉ bệnh cho bệnh nhân để có nguồn thu. Còn hiện tượng bệnh nhân đi khám, chữa bệnh dày đặc trong một thời gian ngắn nhằm lấy thuốc BHYT mà vẫn chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Tình trạng lạm dụng, trục lợi khám, chữa bệnh BHYT là có nhưng còn thiếu những giải pháp căn cơ để tháo gỡ hiệu quả.
Tại Đồng Nai, trong 11 tháng của năm 2020, các cơ sở y tế của tỉnh đã sử dụng hết 96% dự toán được Chính phủ giao và dự báo sẽ khó “cầm cự” được đến hết năm do đây là thời điểm bệnh nhân khám, chữa bệnh tăng cao. Các cơ sở y tế đang rất lo lắng tiếp tục rơi vào tình trạng nợ dự toán nếu như những khoản nợ 2 năm trước chưa được giải quyết và việc giao dự toán năm 2021 tiếp tục không đủ chi. Cơ quan BHXH thì cho biết, sẽ tăng cường công tác thanh tra các cơ sở y tế có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi để kịp thời chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Trong khi chờ một quan điểm thống nhất giữa 2 ngành Y tế và BHXH về quy trình thẩm định và thanh toán khám, chữa bệnh BHYT để có mức giao dự toán phù hợp, rất cần những giải pháp căn cơ hơn nữa nhằm quản lý và sử dụng nguồn quỹ này một cách hiệu quả, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT.