Để sự sống được nối dài - Bài 1: Hiến tạng - hồi sinh sự sống
Việc cô bé 7 tuổi Nguyễn Hải An hay Thiếu tá Lê Hải Ninh và những con người thầm lặng khác đã tự nguyện hiến tặng một phần cơ thể sau khi qua đời để thêm nhiều cuộc đời khác lại được hồi sinh, đã trở thành câu chuyện đẹp, thấm đẫm tính nhân văn cao cả.
Người Việt Nam bao đời vẫn muốn "chết toàn thây", không chấp nhận bản thân mình chết đi với cơ thể không còn vẹn nguyên. Song, trong những năm gần đây đã xuất hiện những con người đã dũng cảm vượt qua quan niệm ấy và trước khi nhắm mắt xuôi tay họ kịp để lại cho đời món quà quý giá: món quà của sự sống.
Tâm nguyện cuối cùng
Những ngày cuối năm, dù phố phường tấp nập người mua sắm Tết thì căn nhà nhỏ của anh Nguyễn Đặng Tuấn nằm trong hẻm 30A Lưu Hữu Phước (Phường 15, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn đóng cửa im lìm. Kể từ ngày chị Nguyễn Thị Mai Thy (vợ anh Tuấn) ra đi vì ung thư buồng trứng, căn nhà quạnh quẽ hẳn bởi thiếu vắng bàn tay người phụ nữ.
Tiếp đoàn tri ân của Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy) và Ngân hàng Mắt Thành phố Hồ Chí Minh, anh Tuấn nghẹn ngào kể lại giây phút cuối đời của người vợ: "Lúc hay tin mình mắc bệnh, Thy đã đăng ký hiến tạng nhưng do căn bệnh quái ác đã phá hết nội tạng nên các bác sỹ chỉ nhận được hai giác mạc. Trước giờ phút lâm chung, khi được nhắc đến việc hiến tạng, dù chỉ còn chút hơi tàn nhưng Thy đã cố ngồi dậy, gật đầu rồi mới chịu nhắm mắt xuôi tay".
Trước nguyện vọng cuối cùng của chị Mai Thy, gia đình đã ngay lập tức gọi điện cho Bệnh viện Chợ Rẫy và Ngân hàng Mắt Thành phố Hồ Chí Minh để các bác sỹ đến lấy giác mạc.
Ông Phan Đệ, Chánh Văn phòng Ngân hàng Mắt Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, giác mạc của chị Mai Thy đã được ghép cho hai người đàn ông, một người ở Hà Tĩnh và một người ở Đồng Nai. "Hai giác mạc của chị Thy đã được ghép thành công cho hai trụ cột chính của hai gia đình khác. Nhờ chị Thy mà hy vọng đã được thắp lên trong các gia đình nhỏ này", ông Đệ xúc động nói.
Với nghĩa cử cao đẹp này, chị Nguyễn Thị Mai Thy đã được Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân. Nhận tấm bảng ghi danh vợ mình, anh Nguyễn Đặng Tuấn rưng rưng: "Tôi sẽ cất giữ thật kỹ kỷ vật này để khi lớn lên các con tôi sẽ nhìn thấy và tự hào về người mẹ của chúng. Lúc còn sống vợ tôi không có điều kiện giúp đỡ người khác nhưng đến lúc ra đi em đã kịp để lại món quà quý giá cho người khác và cho cả gia đình tôi".
Chia tay gia đình anh Nguyễn Đặng Tuấn, chuyến xe tri ân đưa chúng tôi đến với gia đình anh Trần Bá Trình, trú tại Ấp 3 (xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai).
Thắp nén nhang tri ân chị Nguyễn Thị Thảo (vợ anh Trình), người đã mất vì ung thư trực tràng vào tháng 6/2019, Thạc sỹ Lê Minh Hiển, Phó trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy), cho biết, trước khi chết, chị Thảo có nguyện vọng hiến toàn bộ tạng của mình cho người khác.
"Trước khi nhắm mắt một ngày, như có linh tính, Thảo dặn tôi rằng nếu em có mệnh hệ gì thì nhất định phải gọi cho bệnh viện đến lấy tạng. Ngày hôm sau Thảo đi, chúng tôi đã làm đúng như nguyện vọng của em", anh Trần Bá Trình chia sẻ.
Chị Cao Thị Hồng Ánh, hàng xóm của chị Thảo, kể lại, những ngày cuối đời, dù phải sống trong đớn đau bệnh tật nhưng chị Thảo vẫn đau đáu với nguyện vọng hiến tạng. Thậm chí, có đôi lúc đau đớn quá, chị muốn uống nhiều thuốc an thần để đi vào giấc ngủ vĩnh viễn nhưng sợ bệnh viện không lấy được tạng nên chị Thảo đành cắn răng chiến đấu với bệnh tật.
"Thảo dặn tôi, lúc em mất, nếu gia đình không nhớ thì tôi có trách nhiệm gọi bệnh viện xuống lấy tạng cho kịp. Cơ thể Thảo gầy sọp nhưng riêng đôi mắt vẫn còn rất sáng, Thảo luôn tự hào về đôi mắt sáng của mình", chị Ánh cho biết.
Sau khi chị Thảo qua đời, các bác sỹ đã đến nhà lấy được hai giác mạc và ghép cho hai người bị mù.
Hồi sinh sự sống
Trên đây là hai trường hợp trong hàng trăm ca hiến tạng cứu người được các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Theo thống kê của Đơn vị điều phối ghép tạng, tính đến tháng 12/2019, Bệnh viện Chợ Rẫy đã ghép thận thành công cho 862 trường hợp. Trong đó, nhận thận từ người cho sống là 811 trường hợp, có 51 ca ghép nhận từ người cho chết não hoặc ngừng tim. Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 34 người hiến tạng chết não, 13 người hiến tạng ngừng tim. Từ mỗi một trường hợp chết não, ngừng tim hiến tạng, ít nhất có từ 2-6 cuộc đời được cứu sống.
Tạng của những người chết não, ngừng tim hiến tặng đang hồi sinh mạnh mẽ trong những cuộc đời mới. Năm 2015, chị Hồ Liễu Hương (trú tại tỉnh Bình Thuận) phát hiện bị suy tim. Kể từ đó, chị ra vào bệnh viện như cơm bữa. Dù đã phải đặt máy tạo nhịp tim nhưng sức khỏe của chị Hương mỗi ngày một yếu dần. Tháng 4/2018, niềm vui đến với chị khi Bệnh viện Chợ Rẫy thông báo chị sẽ được ghép tim từ một người chết. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên gần như toàn bộ chi phí ghép tim của chị Hương được các nhà hảo tâm hỗ trợ. Gần ba tháng sau, chị Hương xuất viện về nhà với trái tim khỏe mạnh.
Đã gần hai cái Tết trôi qua kể từ ngày được ghép tim,căn nhà nhỏ của chị Hương vì thế cũng trở nên ấm cúng hơn. "Sức khỏe của vợ tôi đã tốt hơn, có thể bán buôn lặt vặt để kiếm đồng ra đồng vào, không còn phải thường xuyên vào bệnh viện cấp cứu như trước", anh Lê Quốc Dũng, chồng chị Hương, tâm sự.
Theo anh Dũng, nếu không có món quà vô cùng quý báu từ người hiến tạng, nếu không có các bác sỹ tận tụy, không có sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, có lẽ vợ anh chỉ còn chút hơi tàn và gia đình anh rơi vào trạng thái cùng cực.
Chàng thanh niên Trịnh Đình Đạt (trú tại tỉnh Long An) đến tận bây giờ vẫn chưa hết bàng hoàng khi những tưởng tương lai đã sập cửa trước mặt. 27 tuổi, Đạt rơi vào tình trạng bi quan, chán nản khi bị phát hiện mắc bệnh suy tim giai đoạn cuối. Thế nhưng, giấc mơ cổ tích đã xuất hiện trong đời thực. Tháng 5/2017, tức sau một năm sau khi bị phát hiện mắc bệnh, Đạt nhận được món quá quà quý giá là trái tim của một cô gái chết não vì tai nạn giao thông.
Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, Đạt ngỡ ngàng khi cảm nhận thấy một trái tim khác - hoàn toàn khỏe mạnh, đập trong lồng ngực mình. Sau khi sức khỏe bình phục, Đạt tìm được một công việc để nuôi sống mình và quay trở lại cuộc sống đời thường. Đạt có thể tập lại môn lại thể thao mà mình yêu thích và theo đuổi những niềm đam mê khác.
"Đến bây giờ tôi vẫn chưa biết người hiến trái tim cho mình là ai nhưng cứ đến ngày phẫu thuật ghép tim năm đó, tôi và gia đình đều làm mâm cơm cúng để tỏ lòng biết ơn người đã cho tôi cuộc sống mới", Đạt chia sẻ.
Đạt cũng chia sẻ về ý định lập quỹ riêng nho nhỏ từ khoản thu nhập hàng tháng của mình để giúp những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch có hoàn cảnh khó khăn như một cách trả ơn cuộc đời.