Đê Tả Cà Lồ (Sóc Sơn) bị lấn chiếm, phủ đầy rác (bài 4): Cán bộ kể chuyện bắt 'rác tặc' như phim trinh thám, lòng sông, hành lang đê rác vẫn chất chồng

Theo lãnh đạo UBND xã Xuân Thu (Sóc Sơn), cấp huyện đã có những đề xuất, giải pháp để xử lý tình trạng lấn chiếm đất và rác thải nhưng thẩm quyền của xã chỉ có thể xử lý những hành vi vi phạm có mức xử phạt vi phạm hành chính dưới 5 triệu đồng.

Liên quan đến tình trạng đê Tả Cà Lồ (thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn) bị lấn chiếm, xâm phạm hành lang đê điều để xây dựng nhà ở, nhà xưởng và làm nơi tập kết phế liệu, rác thải, trong buổi thông tin về vấn đề này với Đoàn làm việc của Báo Sức khỏe và Đời sống mới đây, đại diện lãnh đạo UBND xã Xuân Thu đã thừa nhận năng lực quản lý sau giải tỏa của cấp xã là "hơi yếu".

Theo ông Hoàng Văn Luận – Chủ tịch UBND xã Xuân Thu, tình trạng nói trên đã diễn ra từ những năm 2005. Rác thải tập kết nơi đây có 2 loại, ngoài rác thải sinh hoạt, có rác thải khác là các mặt hàng phế liệu nhựa, phế liệu giấy, phế liệu kim loại… Những rác thải này được người dân thu gom về các nhà mái tôn nằm trên vùng đất mặt nước chuyên dùng (ký hiệu: MNC – theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2022 huyện Sóc Sơn) để phân loại, xử lý.

Cận cảnh nhà xưởng tồn tại trên vùng đất cấm xây dựng- đất mặt nước chuyên dùng (ký hiệu: MNC – theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2022 huyện Sóc Sơn) và phía sau nhà xưởng này là một điểm chứa rác lớn.

Cận cảnh nhà xưởng tồn tại trên vùng đất cấm xây dựng- đất mặt nước chuyên dùng (ký hiệu: MNC – theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2022 huyện Sóc Sơn) và phía sau nhà xưởng này là một điểm chứa rác lớn.

"Đây là rác thải có hiệu quả kinh tế, nên khi tập kết, phân loại, người dân lại chuyển đi nơi khác tiêu thụ để thu tiền về. Với rác thải sinh hoạt, người dân cũng có ý thức đựng vào các bao tải để công ty môi trường thu gom, vận chuyển", ông Luận cho hay.

Về rác thải sinh hoạt, ông Luận cho hay, xã Xuân Thu đã giao việc cho lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát địa bàn này từ sáng sớm và cả nửa đêm để tìm ra các trường hợp cố ý ném rác thải ra môi trường. Trong tháng qua, lực lượng chức năng địa phương đã bắt quả tang 2 trường hợp có hành vi đốt rác thải, gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân.

Đại diện lãnh đạo UBND xã Xuân Thu cho biết: "Để bắt được quả tang tại trận, chúng tôi tổ thức kiểm tra, theo dõi nhưng khi thấy chúng tôi đi, họ mới cầm túi rác ra ném rất nhanh rồi khẩn trương ra về nên rất khó bắt quả tang. Thậm chí, các đối tượng có hành vi xả rác bữa bãi còn theo dõi ngược lực lượng chức năng bằng camera, có những đối tượng ngang nhiên dùng xăng tẩm vào rác và phóng hỏa, có những ngày, chính quyền xã tổ chức dập đám cháy trong đêm".

Vùng đất đầm (đất mặt nước chuyên dùng - MNC) nằm cạnh hành lang đê Tả Cà Lồ, ở thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn với những nhà ở, nhà xưởng mái tôn, bên trong những công trình này là nơi chứa, phân loại rác.

Vùng đất đầm (đất mặt nước chuyên dùng - MNC) nằm cạnh hành lang đê Tả Cà Lồ, ở thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn với những nhà ở, nhà xưởng mái tôn, bên trong những công trình này là nơi chứa, phân loại rác.

Cũng theo ông Luận, thời gian qua, huyện Sóc Sơn đã đề xuất các giải pháp để xử lý những tồn tại như Báo đã nêu, tuy nhiên, thẩm quyền của cấp xã chỉ có thể xử phạt những trường hợp vi phạm với mức dưới 5 triệu đồng. Do đó, "giới hạn" này khiến thực tình trạng tồn tại nhiều năm.

Tuy nhiên, về giải pháp giải quyết vấn nạn rác của cấp xã, ông Luận cho biết, thứ nhất, hàng năm, xã đều đề xuất những biện pháp, giải pháp giải quyết vấn đề rác thải tại đây nhưng rất khó khăn. Các đối tượng xả rác bừa bãi ngày càng tinh vi hơn.

Một điểm tập kết rác thải sinh hoạt nằm trên đê Tả Cà Lồ, ngay cạnh khu dân cư thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu.

Một điểm tập kết rác thải sinh hoạt nằm trên đê Tả Cà Lồ, ngay cạnh khu dân cư thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu.

Thứ hai, huyện Sóc Sơn đề xuất đưa ra các giải pháp xử lý nhưng xã chỉ có thể xử phạt những trường hợp vi phạm dưới 5 triệu đồng. Do đó, UBND xã cũng đề xuất giải pháp khi thu gom như thế nào, nên tiêu hủy hay thu gom rác như thế nào để cải thiện môi trường tốt hơn.

Thứ ba, khó khăn thêm nữa là chưa thống nhất được mức giá thu gom với đơn vị thu gom rác trên địa bàn.

Thứ tư, tần suất thu gom rác thải của đơn vị môi trường là 3 ngày 1 lần. Xã cũng đề xuất tăng tần suất thu gom rác 2 ngày/lần, nhằm cải thiện môi trường khu vực tốt hơn.

(còn nữa...)

Trước đó, Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) đã tiếp nhận phản ánh, thông tin về tình trạng rác thải và đất hành lang đê, đất lòng sông Cà Lồ bị lấn chiếm để xây dựng nhà xưởng, nhà ở, tập kết rác. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, người dân sinh sống tại khu vực xã Xuân Thủy rất bức xúc.

Theo đó, tình trạng nói trên đang diễn ra tại đoạn đê Tả Cà Lồ, thuộc địa phận thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Cận cảnh khu vực đê Tả Cà Lồ bị lấn chiếm, bao phủ bởi rác, người dân Sóc Sơn bức xúc vì chỉ cần dòng lũ, hàng trăm tấn rác thải sẵn sàng trôi về hạ lưu.

Nhóm Phóng viên

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/de-ta-ca-lo-soc-son-bi-lan-chiem-phu-day-rac-bai-4-can-bo-ke-san-rac-tac-nhu-chuyen-trinh-tham-long-song-hanh-lang-de-rac-van-chat-chong-172240809150635207.htm