Để tài chính vi mô trở thành 'đòn bẩy' trong công tác giảm nghèo
Trong những năm qua, tài chính vi mô trơ thành công cụ hữu hiệu góp phần giảm nghèo bền vững, tạo cho người nghèo biết cách 'làm ăn', tiết kiệm và trang bị những kiến thức tài chính cần thiết cũng như cách thức làm ăn hiệu quả. Tuy nhiên, hoạt động này phát triển chưa đúng với tiềm năng, nguyên nhân có nhiều, một trong số những nguyên nhân đó là rào cản về khung khổ pháp lý. Do đó, Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy mô hình này phát triển mạnh mẽ...
Kết quả trong phát triển tài chính vi mô
Trong những năm qua, hoạt động TCVM tại Việt Nam được biết đến là một bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống tài chính và là một trong những công cụ xóa đói, giảm nghèo hữu hiệu. Khách hàng chủ yếu của TCVM là nhóm dân số có thu nhập thấp, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ. Thực tiễn cho thấy, với điều kiện vay vốn đơn giản, không cần tài sản thế chấp, cấp và nhận vốn ngay tại nơi người dân sinh sống, TCVM được xem như một "đòn bẩy" hữu hiệu nhằm tăng cường sự tự tin của phụ nữ, thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, thoát nghèo, từ đó khẳng định vai trò và vị thế trong gia đình và xã hội.
Việt Nam hiện có hơn khoảng 100 tổ chức cung cấp dịch vụ TCVM được chia thành 3 nhóm: (i) Các tổ chức chính thức; (ii) Các tổ chức bán chính thức; (iii) Các tổ chức phi chính thức. Trong đó, các tổ chức chính thức gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Tín dụng nhân dân, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Các tổ chức bán chính thức bao gồm các tổ chức phi Chính phủ trong nước và quốc tế, các chương trình của các tổ chức xã hội như: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam...
Với vai trò là một công cụ đắc lực, TCVM đã giúp Chính phủ đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Theo đó, tỷ lệ đói nghèo tại Việt Nam đã giảm từ 58% năm 1993 xuống chỉ còn khoảng 6,72% vào cuối năm 2017. Hoạt động TCVM được đánh giá là có ý nghĩa xã hội sâu sắc và ngày càng lớn mạnh, giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận và làm quen với các sản phẩm tài chính. Tỷ lệ nợ xấu ở khu vực TCVM là khá thấp (dưới 1%), đã giúp các tổ chức cung cấp TCVM phân tán rủi ro hiệu quả hơn.
Mặc dù, đã có những bước tiến nhất định, nhưng thực tiễn hoạt động TCVM tại Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như: Hoạt động TCVM còn khá manh mún, sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng, các chỉ số bền vững hoạt động và tài chính của các tổ chức TCVM chưa cao...
Giải pháp tháo gỡ vướng mắc
Để TCVM phát huy vai trò là một trong những công cụ xóa đói, giảm nghèo hữu hiệu, thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Sớm ban hành 03 quy định gồm: Mức vốn pháp định đối với tổ chức TCVM; Quy định về mạng lưới của tổ chức TCVM; Quy định về triển khai bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ hai, nghiên cứu, xem xét, sửa đổi một số điểm trong thông tư số 03/2018/TT-NHNN, như: Miễn lệ phí cấp phép kinh doanh. Đồng thời, nới rộng số lượng thành viên góp vốn và mở rộng đối tượng góp vốn có yếu tố nước ngoài vào các TCTCVM, tạo điều kiện để TCVM phát triển mạnh và vững vững.
Thứ ba, sửa đổi một số điểm trong Thông tư số 33/2015/TT-NHN theo hướng: Giảm tỷ lệ an toàn vốn xuống mức ngang bằng các TCTD khác hoặc thấp hơn; Giảm tỷ lệ khả năng chi trả. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các TCTCVM duy trì khả năng chi trả ở mức 20%. Khả năng chi trả là tỷ lệ giữa vốn tiền mặt, tiền gửi Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi tại các TCTD khác và tổng số dư tiền gửi tự nguyện. Đây là tỷ lệ khá cao so với các TCTD khác, làm tăng chi phí, giảm quy mô sử dụng vốn để cho vay. Giả sử tiền gửi tự nguyện là 10 tỷ đồng, tổ chức TCVM phải dự trữ sơ cấp 10 tỷ đồng × 0,2 = 2 tỷ đồng. Nếu khách hàng có nhu cầu vay 10 triệu đồng, thì tổ chức TCVM sẽ mất đi một lượng khách hàng là 200 khách. Vì vậy, có thể xem xét điều chỉnh tỷ lệ này xuống mức 10% hoặc thấp hơn.
Thứ tư, xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng thanh toán điện tử tạo điều kiện để phụ nữ dễ dàng tiếp cận tài chính. Theo đó, cần cải thiện cơ sở hạ tầng hệ thống thanh toán để bắt kịp với tốc độ phát triển kinh tế quốc gia; sử dụng hiệu quả hơn công nghệ, đổi mới và tăng trưởng mạng lưới tiếp cận bán lẻ. Đồng thời, tạo ra những đổi mới mở rộng như thị trường số hóa và hình thành quan hệ đối tác hiệu quả.
Thứ năm, các tổ chức TCVM cần đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ. Đối với dịch vụ cho vay, cần phát triển các sản phẩm phù hợp cho vay nhỏ lẻ như cho vay trả góp, lưu vụ với mức lãi suất có tích lũy. Đối với các dịch vụ thanh toán, bảo hiểm, chuyển tiền… cần phát triển theo nhu cầu và năng lực của tổ chức TCVM. Trong tương lai, cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm tài chính phái sinh để phòng ngừa rủi ro và tăng hiệu quả hoạt động.