Để tăng nguồn hiến tạng từ người chết não: Cần sửa luật!
Bà Phạm Thị Hảo (chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) cho rằng cần sửa đổi nhiều quy định giúp tăng nguồn tạng hiến từ người chết não.
Sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng loạt bài điều tra “Thâm nhập đường dây mua bán thận tại TP.HCM”, thư ký dự án soạn thảo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (sửa đổi) Phạm Thị Hảo, chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), đã có những chia sẻ liên quan vấn đề này.
Chuyên viên Vụ Pháp chế cho rằng việc sửa đổi nhiều quy định trong một bộ luật có hiệu lực cách đây đã 16 năm là điều cần thiết, góp phần giúp tăng nguồn tạng hiến từ người chết não. Ngày nào nguồn hiến này còn ít, trong khi có hàng chục ngàn người đang đợi chờ thì tình trạng mua bán tạng vẫn sẽ diễn ra, gây hệ lụy rất lớn cho xã hội.
Mua bán tạng gây hệ lụy rất lớn cho xã hội
Tính đến tháng 4-2023, tại Việt Nam (VN), người hiến sống là 8/1 triệu dân, người chết não là 0,1/1 triệu dân, tổng số người chết não hiến tạng từ năm 2010 là 139 người.
Nhiều năm qua, Bộ Y tế đã có nhiều công văn, văn bản về việc tăng số lượng người đăng ký hiến, hiến tặng mô, tạng sau khi chết não, chết tim.
Tháng 2-2023, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo khoa học về phòng, chống mua bán mô, tạng với sự tham gia của đại diện Bộ Công an. Cùng với đó là yêu cầu các đơn vị trực thuộc bộ kiểm tra, giám sát phòng, chống mua bán mô, tạng, nhất là tại các bệnh viện (BV).
“Nhưng khi cung - cầu chênh lệch quá lớn, giống như quy luật thị trường sẽ hình thành chợ đen mua bán. Theo nhiều nghiên cứu, khi người sống hiến một bộ phận cơ thể, sau 20 năm, khoảng 25% nhóm những người này có nguy cơ mắc bệnh suy mô tạng, gây hệ lụy rất lớn cho xã hội và trở thành gánh nặng của ngành y tế” - bà Hảo nhận định.
Tình trạng mua bán mô, tạng diễn ra từ rất lâu, “lợi nhuận” rất cao. Khi những đường dây mua bán bị phanh phui, ngoài những cá nhân, tổ chức trục lợi bị xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự, còn lộ ra một góc khác.
Đó là những gương mặt xanh xao, yếu ớt của người nghèo, vì nợ nần, túng quẫn nên “làm liều”, phải bán đi một phần cơ thể. Còn người mua, với quả thận được “hét giá” hàng tỉ đồng, người mua cần phải có điều kiện kinh tế nhất định.
“Cái sống, cái chết cũng được đặt lên bàn cân, được đong đếm bằng tiền. Vậy những người nghèo không thể mua sự sống sẽ tiếp tục chờ đợi hoặc sẽ không thể chờ” - bà Hảo phân tích.
Để tình trạng ghép tạng từ người cho chết não ở VN không còn thấp nhất trên thế giới, ngoài việc hoàn thiện các quy định pháp luật, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, chuẩn hóa quy trình, nội dung liên quan từ tất cả đơn vị ngành y và tổ chức xã hội, đặc biệt cần xây dựng được hệ thống điều phối hiến ghép.
Theo bà Hảo, tại các quốc gia phát triển, ngay khi có một người đăng ký hiến mô, tạng, các thông tin, chỉ số, tiêu chuẩn về người này đều được cập nhật trên hệ thống phần mềm. Sau đó, hệ thống sẽ xử lý, phân tích dữ liệu để cho ra kết quả người nhận phù hợp nhất. Quy trình này được thực hiện công khai, minh bạch, theo thứ tự bệnh nhân ưu tiên, góp phần ngăn ngừa tình trạng mua bán.
Trong khi đó, tại VN, khi có người đăng ký hiến sống, việc cập nhật thông tin trên hệ thống không theo quy chuẩn nào, do đó phần mềm không thực hiện được việc điều phối. Hiện Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã chủ động, có kế hoạch đầu tư, nâng cấp hệ thống, thiết lập mạng lưới nhưng vẫn chưa được chuẩn hóa.
“Đây cũng là một nội dung cần được đề xuất sửa đổi trong luật. Cần xây dựng được hệ thống phần mềm điều phối ghép tạng, kết nối đến tất cả cơ sở, kể cả là các BV không thực hiện ca ghép” - bà Hảo khẳng định.
Nhiều quy định không còn phù hợp
Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các hoạt động về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.
Về vấn đề chi phí, bà Phạm Thị Hảo cho biết giá một ca ghép tạng ở các BV hiện nay có “muôn hình vạn trạng”, không thống nhất. Điều 33 quy định về chế độ BHYT và viện phí đối với người được ghép mô, bộ phận cơ thể người “nhưng rất chung chung” và chỉ hướng đến người được ghép.
Còn quy định về chi phí hướng đến người hiến chưa được đề cập, dẫn đến các vấn đề phát sinh chưa được thống nhất xử lý. Có thể kể đến như: người hiến sống muốn hiến tạng cần thực hiện rất nhiều xét nghiệm, kiểm tra để có các thông số sinh học, đánh giá sức khỏe, mức độ tương thích… nhưng chưa có quy định rõ về việc đơn vị nào hay ai chi trả những khoản chi phí này.
“Tuy nhiên, luật đã bộc lộ một số bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, gây vướng mắc trong quá trình thực hiện” - bà Hảo nhận định.
Bộ Y tế đã tiến hành rà soát, nghiên cứu để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết. Trong đó có bốn nhóm nội dung đáng lưu ý.
Liên quan đến độ tuổi hiến tạng, luật chưa có phân định rõ ràng về độ tuổi của người hiến, cũng như quy định giữa những người hiến cùng huyết thống hoặc người hiến vô danh.
Đơn cử như quy định “Cấm trẻ em dưới 18 tuổi hiến tạng” tại Điều 15 không cho phép trẻ em chết não hiến tạng, dù nhiều trẻ và phụ huynh có mong muốn hiến. Điều này đã khống chế nguồn tạng hiến tặng từ người cho là trẻ em bị chết não, khiến cơ hội để trẻ em được ghép tạng là vô cùng thấp.
Về quan hệ huyết thống giữa người hiến và người nhận, chỉ có duy nhất Điều 34 quy định về trường hợp người nước ngoài và người VN định cư ở nước ngoài thực hiện ca ghép tại VN, trong đó người hiến là người VN có cùng dòng máu về trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời.
“Vậy quy định về việc hiến và nhận giữa những người VN cùng huyết thống thì sao?” - bà Hảo đặt câu hỏi.
Đối với những nội dung liên quan đến xác định chết não, luật đã có quy định liên quan đến hội đồng xác định chết não và thời gian chẩn đoán chết não.
Tuy nhiên, theo bà Hảo, thành phần chuyên gia giám định chết não bao gồm bộ phận giám định pháp y được nhiều chuyên gia đánh giá là không phù hợp. Cạnh đó, thiếu chuyên gia về chẩn đoán hình ảnh, chưa có quy định về việc cơ sở y tế như thế nào cần thành lập các nhóm chuyên gia hoặc hội đồng xác định chết não.
Hiện chỉ có một số BV trong 24 đơn vị đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép tạng là có hội đồng này, chứ chưa nói đến các BV không thực hiện ca ghép nhưng vẫn điều trị cho rất nhiều bệnh nhân có nguy cơ, dấu hiệu chết não.
Ngoài ra, một số vấn đề chuyên môn liên quan đến tiêu chuẩn xác định chết não về lâm sàng, cận lâm sàng, chuyên sâu... cũng được đề xuất sửa đổi, nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở trong việc thành lập, thực hiện các hoạt động liên quan.
Về thông tin, truyền thông, Điều 9 quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thông tin về mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và ý nghĩa của việc hiến, ghép mô, tạng... Tuy nhiên, không quy định cụ thể về nội dung thông tin, truyền thông như thế nào, nguồn lực phục vụ ra sao…
Bộ Y tế vào cuộc vụ mua bán thận ở TP.HCM
Sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng loạt bài điều tra về đường dây mua bán thận ở TP.HCM, công an đã vào cuộc, bắt giữ nhiều người và đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.
Mới đây, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (KCB) thuộc Bộ Y tế cũng ban hành công văn khẩn về việc tăng cường kiểm soát hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Cục yêu cầu giám đốc các cơ sở KCB có triển khai hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các khoa, phòng, đơn vị, nhân viên trong cơ sở nâng cao ý thức trách nhiệm và thực hiện nghiêm các quy định hiện hành của pháp luật.
Cục còn yêu cầu giám đốc các cơ sở KCB rà soát, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời hoạt động tại cơ sở và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật nếu có vi phạm.
Cục Quản lý KCB đề nghị giám đốc các BV, giám đốc Sở Y tế, thủ trưởng y tế các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đối với các cơ sở KCB thuộc phạm vi quản lý để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời nếu có sai phạm…
Nguồn PLO: https://plo.vn/de-tang-nguon-hien-tang-tu-nguoi-chet-nao-can-sua-luat-post756783.html