Để 'Tết trồng cây' thêm nhiều ý nghĩa

Thực hiện công tác trồng cây, phủ xanh đất trống là việc làm thiết thực vì mục tiêu phát triển bền vững. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người dân cả nước lại nô nức tổ chức phong trào

Thực hiện công tác trồng cây, phủ xanh đất trống là việc làm thiết thực vì mục tiêu phát triển bền vững. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người dân cả nước lại nô nức tổ chức phong trào “Tết trồng cây” nhằm tăng cường công tác bảo vệ, phát triển cây xanh và kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Tỉnh Đoàn trồng cây xanh hưởng ứng "Tết trồng cây" Xuân Tân Sửu 2021. Ảnh: Văn Huỳnh

Ô nhiễm ngày càng nặng

Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhà cao tầng mọc lên nhiều nhưng thiếu hụt diện tích cây xanh khiến không gian sống ngày càng thu hẹp, môi trường bị ô nhiễm đến mức báo động. Cùng với đó, dưới tác động biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra ngày càng phức tạp đã gây ảnh hưởng mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, môi trường, đe dọa sự phát triển bền vững. Ngoài ra, quá trình công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, đô thị tập trung… được xây dựng ngày càng nhiều, dân số tăng nhanh cũng khiến môi trường đô thị ngày càng ô nhiễm.

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí liên tục được cảnh báo ở ngưỡng xấu đến rất xấu, ảnh hưởng nặng nề đời sống người dân đô thị. Có thể nói, đây là vấn đề gây lo ngại ở hầu hết các thành phố lớn tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Trung tâm quan trắc môi trường Việt Nam nhiều lần đưa ra cảnh báo nồng độ bụi mịn PM2.5 và PM1.0 trung bình trong không khí ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang vượt mức tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Trên trang web aqicn.org chuyên về thông báo chất lượng không khí (AQI) thường xuyên đưa ra cảnh báo chất lượng không khí, trong đó nhiều địa phương tại Việt Nam liên tục ở mức vàng (không tốt) đến tím (rất có hại cho sức khỏe). Điều đáng nói là xu hướng này thường duy trì ở ngưỡng cao, gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người. Đặc biệt, bụi mịn PM1.0, PM2.5 gây tác hại khôn lường cho sức khỏe. Trong đó, bụi PM2.5 chứa nhiều kim loại nặng có khả năng gây ung thư, hoặc tác động đến DNA và gây ra đột biến gen rất khó lường.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố trong năm 2020, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ trung bình diện tích cây xanh trên đầu người khoảng 2m2. Mật độ này không đạt quy chuẩn của đô thị (khoảng 7-9m2) và bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng không khí tại các thành phố lớn thấp, khí hậu thường xuyên nóng bức, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Báo cáo ước tính, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10m2 cây xanh hoặc 25m2 thảm cỏ để bảo đảm không khí trong lành cho cuộc sống. Tuy nhiên, quỹ đất dành cho cây xanh tại các quận trung tâm ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đô thị lớn trên cả nước rất hạn chế, phân bố không đều.

Tăng cường hệ thống cây xanh

Một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường không khí là do bụi, khí thải từ phương tiện giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp; diện tích cây xanh, mặt nước ở đô thị thấp… Vì vậy, việc tăng cường hệ thống cây xanh tại các đô thị lớn trên cả nước là hết sức cần thiết nhằm hạn chế hiệu ứng nhà kính, khí thải độc hại và góp phần giảm tình trạng ô nhiễm đang căng thẳng như hiện nay.

Theo Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện trình Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được ít nhất một tỷ cây xanh. Trong đó, có 690 triệu cây xanh trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn; 310 triệu cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó biến đổi khí hậu. Trong năm 2021, cả nước sẽ trồng khoảng 182 triệu cây xanh, trong đó, cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so năm 2020 (năm 2020 trồng được khoảng 80 triệu cây phân tán). Từ năm 2022-2025 mỗi năm trồng 204,5 triệu cây xanh, trong đó, cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so năm 2020… Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, phong trào trồng cây và bảo vệ cây, trồng rừng và bảo vệ rừng đã được các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, đoàn thể và người dân trên địa bàn Thủ đô tích cực hưởng ứng. Trong đợt ra quân đầu xuân từ ngày 17 đến 23-2, toàn thành phố trồng từ 100 nghìn đến 120 nghìn cây xanh các loại.

Việc trồng và phát triển cây xanh bảo vệ môi trường có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Nhìn rộng ra, có thể thấy việc trồng cây, gây rừng không chỉ bó hẹp trong phạm vi nhỏ lẻ mà đó còn là công cuộc bảo vệ môi trường, ứng phó ô nhiễm và trở thành một trong những chính sách quan trọng hàng đầu của Chính phủ. Vì vậy, để “Tết trồng cây” tạo được niềm vui cho mọi người, không những phải tổ chức trồng thêm nhiều cây, nhân lên nhiều cánh rừng mầu xanh mà còn cần cùng nhau nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh bằng việc chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây trồng thật tốt. Ngoài ra, Nhà nước cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép, cũng như phòng, chống cháy rừng hiệu quả. Có như vậy, “Tết trồng cây” sẽ thật sự có ý nghĩa đối với toàn xã hội./.

Nguồn: Báo Thời nay

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202102/de-tet-trong-cay-them-nhieu-y-nghia-2542671/