Đề tham khảo môn Ngữ văn: Thay đổi cách hỏi giúp đánh giá năng lực HS tốt hơn

Từ sự thay đổi cách hỏi cho thấy đề thi Ngữ văn không kiểm tra kiến thức lý thuyết cần ghi nhớ mà kiểm tra, đánh giá kỹ năng của người học.

Năm học này là năm đầu tiên thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Không ít phụ huynh, học sinh và thầy cô lo lắng về đề thi, trong đó có môn Ngữ văn.

Tháng 12/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi minh họa tốt nghiệp từ năm 2025. Đề thi tham khảo của Bộ công bố với phần kiến thức chủ yếu ở lớp 10 do vào thời điểm công bố đề thi tham khảo, mới triển khai chương trình học kỳ một của lớp 11.

Ngày 18/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại tiếp tục công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 khi chương trình lớp 12 đang triển khai đến giữa học kỳ một, nên đề minh họa bao quát kiến thức, kỹ năng hơn.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đề đảm bảo theo định dạng, cấu trúc, ma trận đề thi từ năm 2025

Đề thi kiểm tra hai phần năng lực: năng lực đọc hiểu và năng lực viết. Phần năng lực đọc hiểu cho ngữ liệu là văn bản văn học (thơ) hoàn toàn mới, không lấy lại trong sách giáo khoa; phần viết kiểm tra năng lực viết đoạn văn (nghị luận văn học) khoảng 200 chữ, nội dung gợi ra từ văn bản đọc hiểu và năng lực viết bài văn (nghị luận xã hội) với dung lượng khoảng 600 chữ.

Cấu trúc, ma trận đề thi theo định hướng đề thi từ năm 2025:

Đối chiếu, so sánh với đề thi minh họa năm 2023, định dạng, cấu trúc đề minh họa lần này nhìn chung không có thay đổi, tuy dung lượng chữ trong đề thi ít hơn, chỉ trình bày trong một mặt giấy tạo tâm lý nhẹ nhàng, thoải mái cho thí sinh:

Phần đọc hiểu xuất hiện câu hỏi "lạ"

Giống như đề minh họa năm 2023, phần đọc hiểu gồm 5 câu hỏi thuộc 3 cấp độ: nhận biết - thông hiểu - vận dụng; trong đó, 2 câu đầu thuộc mức độ nhận biết, có dạng câu hỏi lạ.

Câu hỏi 1 yêu cầu“Chỉ ra dấu hiệu để xác định thể thơ của đoạn trích” khác với trước đây thường hỏi:“Xác định thể thơ trong đoạn trích”. Với câu hỏi này, thí sinh phải trả lời được 2 ý (thơ tự do và căn cứ vào số chữ trong mỗi dòng thơ để xác định thể thơ), còn với câu hỏi quen thuộc trước đây chỉ trả lời 1 ý (thơ tự do).

Câu hỏi 2 yêu cầu“Chỉ ra hình ảnh được sử dụng để so sánh với cây liễu xưa trong đoạn trích” khác với câu hỏi quen thuộc là “Chỉ ra những tính từ miêu tả vẻ đẹp của tuổi trẻ trong đoạn trích” (đề thi 2022), hoặc “Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong đoạn thơ” (đề thi 2022).

Ở đây, tìm và chỉ ra hình ảnh dùng để so sánh với cây liễu. Câu hỏi dễ khiến thí sinh không trả lời đúng trọng tâm nếu không đọc kỹ đề bài. Những dạng câu hỏi trước đây hay gặp như: tìm từ ngữ, hình ảnh miêu tả đối tượng được đề cập đến trong văn bản, hoặc chỉ ra biện pháp tu từ so sánh/ nêu tác dụng của biệp pháp tu từ so sánh.

Câu hỏi 3, 4 thuộc mức độ thông hiểu: Cách hỏi và nội dung hỏi quen thuộc liên quan đến đặc điểm thể loại thơ như: hình thức lời tâm sự của nhân vật trữ tình, sự vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình.

Câu hỏi 5 thuộc mức độ vận dụng: Từ ước mơ, tâm trạng của nhân vật trong văn bản; trình bày suy nghĩ của người viết về ước mơ, tâm trạng của mình. Câu hỏi đặt ra yêu cầu thí sinh “trình bày từ 5 đến 7 dòng”, không yêu cầu viết đoạn văn nên không yêu cầu cao như viết đoạn văn khoảng 200 chữ.

Từ sự thay đổi cách hỏi cho thấy đề thi không kiểm tra kiến thức lý thuyết cần ghi nhớ mà kiểm tra, đánh giá kỹ năng của người học. Tuy nhiên, để trả lời được các câu hỏi trên, thí sinh phải vận dụng kiến thức về thể loại thơ và đặc điểm của thơ, biện pháp tu từ so sánh và đặc điểm của biện pháp so sánh, nhân vật trữ tình và tình cảm, cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình,… kết hợp với kỹ năng xử lý câu hỏi, trình bày đáp án.

Phần viết nhẹ hơn so với đề minh họa năm 2023

Câu hỏi 1 khá quen với những đề thi trước đây: “Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích hình ảnh Hà Nội qua cảm nhận của nhân vật trữ tình anh trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu”, nhưng khác với đề minh họa năm 2023: “Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của nhân vật thần thoại trong đoạn trích “Thần Mưa”.

Câu hỏi yêu cầu viết đoạn văn nghị luận văn học như đề minh họa 2023 nhưng đã có sự thay đổi: từ làm rõ đặc điểm của thể loại (đặc điểm của nhân vật thần thoại) sang phân tích nội dung (hình ảnh Hà Nội qua cảm nhận của nhân vật trữ tình). Thay đổi này làm giảm áp lực tâm lý cho thí sinh, bởi yêu cầu viết đoạn văn phân tích giá trị nội dung hoặc nghệ thuật của văn bản văn học, thí sinh đã học và làm quen nhiều năm từ cấp trung học cơ sở đến cấp trung học phổ thông; còn yêu cầu làm rõ đặc điểm của thể loại, thí sinh mới làm quen và thực hành ở cấp trung học phổ thông.

Câu này, so với đề minh họa năm 2023, không cho ngữ liệu mới mà sử dụng lại ngữ liệu phần đọc hiểu, tạo thuận lợi cho thí sinh nhiều hơn. Thí sinh tổng hợp nội dung trả lời các câu hỏi 3, 4, 5 ở phần đọc hiểu và vận dụng kỹ năng viết đoạn văn để hoàn thành.

Câu hỏi 2 yêu cầu viết bài văn (nghị luận xã hội) 600 chữ không làm khó thí sinh; chủ đề trí tuệ nhân tạo quen thuộc, mang tính thời sự, thí sinh đã tìm hiểu nhiều văn bản nghị luận và văn bản thông tin trong sách giáo khoa liên quan chủ đề này. Tuy nhiên, mục đích của văn bản nghị luận là thuyết phục người đọc đồng tình với quan điểm của người viết qua hệ thống luận điểm, lý lẽ, bằng chứng,.., kết hợp các thao tác lập luận, các phương thức biểu đạt,… mới tạo nên bài viết ấn tượng. Tuy câu hỏi thuộc mức độ vận dụng cao, có tính phân hóa nhưng kiểu bài nghị luận xã hội được thí sinh rèn luyện từ cấp trung học cơ sở (theo chương trình cũ) và rèn luyện từng bước từ lớp 10 đến lớp 12 nên không đến nỗi làm khó thí sinh.

Có thể thấy, đề thi minh họa bám sát định hướng và mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, đây chỉ là đề tham khảo. Đề thi chính thức có thể thay đổi nội dung kiến thức trong câu hỏi, cách hỏi cho phù hợp với đặc điểm từng thể loại, từng ngữ liệu văn bản. Học sinh phải nắm vững tri thức ngữ văn, tri thức kiểu bài; biết vận dụng tri thức để giải quyết vấn đề; đồng thời có năng lực đọc hiểu, viết sẽ làm bài tốt.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Trần Văn Tâm - Giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/de-tham-khao-mon-ngu-van-thay-doi-cach-hoi-giup-danh-gia-nang-luc-hs-tot-hon-post246377.gd