Đề tham khảo môn Tiếng Anh ổn định về độ khó và dạng câu hỏi
Cấu trúc đề tham khảo môn Tiếng Anh Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 giữ được tính ổn định cả về độ khó và các dạng câu hỏi.
Chủ yếu trong chương trình Tiếng Anh lớp 12
Nhận xét về đề tham khảo, các thầy cô tổ Tiếng Anh, Hệ thống giáo dục Hocmai cho rằng: Đề thi mang tính ổn định so với những năm gần đây với 50 câu hỏi trong thời gian làm bài 60 phút. Các đơn vị kiến thức được kiểm tra và độ khó tương tự với đề thi chính thức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Các đơn vị kiến thức được hỏi chủ yếu nằm trong chương trình Tiếng Anh lớp 12. Số lượng câu trong mỗi phần không thay đổi, không xuất hiện dạng câu hỏi mới, lạ, câu hỏi cực khó.
Về nội dung đề thi: Đề thi kiểm tra các kiến thức về ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, chức năng giao tiếp, kỹ năng viết, kỹ năng đọc. Cụ thể:
Ngữ âm gồm: Nguyên âm, phụ âm, trọng âm. Ngữ pháp gồm: Thì động từ, câu hỏi đuôi, câu bị động, câu so sánh, giới từ, mệnh đề trạng ngữ chỉ thời gian, rút gọn mệnh đề, động từ nguyên thể.
Chức năng giao tiếp: Tình huống giao tiếp hàng ngày. Từ vựng gồm: Cấu tạo từ, cụm từ cố định, thành ngữ, chọn từ phù hợp với ngữ cảnh, xác định nghĩa của từ trong ngữ cảnh.
Kỹ năng đọc: Câu hỏi tổng quát (xác định ý chính bài đọc); câu hỏi chi tiết (xác định các thông tin cụ thể hay các chi tiết có trong bài, xác định nghĩa của từ trong văn cảnh); câu hỏi suy luận (suy luận về thông tin không nêu trực tiếp trong bài đọc, suy luận kết quả/ hành động tiếp theo hay rút ra kết luận về bài đọc... thông qua việc phân tích ngữ liệu và giọng văn của tác giả trong bài).
Kỹ năng viết: Các lỗi sai về thì động từ, đại từ; cách sử dụng từ tránh gây nhầm lẫn; tìm câu đồng nghĩa; kết hợp câu.
Ma trận đề thi tham khảo năm 2023 môn Tiếng Anh như sau:
Độ phân hóa đề thi tập trung trong bài đọc hiểu
Về độ khó của đề thi: Khoảng 84% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Độ phân hóa đề thi vẫn tập trung vào các câu hỏi từ vựng và suy luận của bài đọc hiểu nhưng độ phân hóa không cao.
Số lượng câu ở mức độ vận dụng cao giảm, số câu ở mức độ vận dụng tăng so với đề thi chính thức năm 2022.
Các câu hỏi ngữ pháp, từ vựng, tìm lỗi sai… là các kiến thức quen thuộc, xuất hiện nhiều trong chương trình học THPT lớp 12. Tuy nhiên câu hỏi về thành ngữ vẫn là câu hỏi để lấy điểm cao (câu 14), yêu cầu học sinh cần có vốn từ phong phú.
Bài đọc hiểu với chủ đề về Technology (Công nghệ) như: Sự phổ biến của việc không sử dụng tiền mặt, Công nghệ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Các câu hỏi yêu cầu tư duy cao vẫn là câu hỏi về tiêu đề của đoạn văn (câu 39), câu hỏi suy luận (câu 50).
Mặc dù vậy, các câu hỏi này không phải là các câu hỏi yêu cầu tư duy suy luận quá khó. Học sinh có thể dựa vào thông tin trong bài đọc kết hợp sử dụng các phương pháp loại trừ vẫn có thể chọn được phương án có khả năng đúng.
Đánh giá chung: Cấu trúc đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 giữ được tính ổn định, không có sự thay đổi nhiều so với đề thi chính thức năm 2022 về độ khó và các dạng câu hỏi. Với đề thi này, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản và chăm chỉ luyện tập là có thể đạt điểm cao.
Bộ GD&ĐT vừa công bố Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6. Trong đó: Ngày 27/6/2023 là ngày làm thủ tục dự thi. Tổ chức coi thi vào 2 ngày 28, 29/6/2023. Ngày 30/6 là ngày thi dự phòng.
Để chuẩn bị tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ GD&ĐT đã dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung quy chế thi hiện hành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo tổ chức thi và đang xin ý kiến các chuyên gia và dư luận xã hội.
Theo đó, phương thức tổ chức thi và các quy định cơ bản như bài thi, ra đề thi, coi thi, chấm thi, cách tính điểm xét tốt nghiệp, phúc khảo...về cơ bản giữ nguyên như các năm 2021, 2022. Chỉ thực hiện điều chỉnh một số nội dung mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi, đáp ứng tốt hơn yêu cầu tổ chức Kỳ thi an ninh, an toàn.