Đề tham khảo vừa sức, thiết thực và gần gũi
Nhận xét về đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn, cô giáo Lê Thị Lệ Thủy (Tổ trưởng tổ Ngữ Văn, trường THPT Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) cho biết, đề đảm bảo tính vừa sức, thiết thực, gần gũi và có tính phân loại.
Đề Ngữ văn thiết thực, gần gũi
Cô giáo Lệ Thủy đánh giá, đề tham khảo môn Ngữ Văn của Bộ GD&ĐT vừa công bố đã bám sát chương trình sau khi đã tinh giản và điều chỉnh. Đề đảm bảo tính vừa sức, tính phân loại và phát triển năng lực của học sinh.
Cấu trúc đề gồm hai phần đọc hiểu và làm văn, không thay đổi so với đề thi của năm học trước. Điều này học sinh đã được làm quen, nên sẽ không gây khó khăn cho các em.
Ở phần đọc hiểu, ngữ liệu dẫn ra hay, thiết thực, gần gũi. Các câu hỏi nhỏ đưa ra trong phần đọc hiểu ở các cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp. Học sinh trung bình có thể làm tốt ít nhất 2/3 yêu cầu câu hỏi.
Phần làm văn, câu nghị luận xã hội, đề ra ngắn gọn, rõ ràng, có tính gợi mở và phát triển năng lực của học sinh. Đề yêu cầu bàn luận về sự cần thiết phải tôn trọng quan điểm của người khác. Vấn đề đặt ra rất thiết thực, thú vị và bổ ích, đặc biệt là với học sinh khối 12 đang chuẩn bị hành trang cần thiết để bước vào đời.
Đề yêu cầu các em phải biết tự lập luận, bày tỏ quan điểm riêng bằng chính vốn sống, vốn hiểu biết xã hội của mình. Độ nông sâu cũng như sự sáng tạo, hấp dẫn của bài viết phụ thuộc vào trình độ hiểu biết cũng như năng lực tư duy, năng lực phân tích tổng hợp, năng lực ngôn ngữ của các em. Đề đã hướng tới hai mục tiêu giáo dục lối sống, nhân cách và phát triển năng lực cho học sinh.
Câu nghị luận văn học yêu cầu học sinh cảm nhận về khung cảnh thiên nhiên và hình ảnh người lính trong đoạn mở đầu của bài thơ Tây Tiến. Đề ra vừa sức, rõ ràng, bám sát chuẩn kiến thức-kĩ năng. Học sinh cũng đã được làm quen và luyện tập nhiều ở dạng đề này. Nếu học sinh nắm chắc kiến thức về tác phẩm và kỹ năng nghị luận văn học thì chắc chắn sẽ làm tốt câu hỏi này.
Cô Lệ Thủy nhận định, nếu đề thi chính thức bám sát đề tham khảo của Bộ GD&ĐT thì học sinh có thể hoàn toàn yên tâm bước vào kì thi Tốt nghiệp THPT sắp tới.
Đề Toán nhẹ nhàng, phù hợp
Nhận xét về đề thi tham khảo môn Toán, cô giáo Nguyễn Thị Phương Dung (Tổ trưởng tổ Toán, trường THPT Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) cho hay, cấu trúc đề tương tự với đề minh họa thi THPT quốc gia 2020 lần 1.
Nội dung kiến thức trong đề thi không đổi. Số lượng câu trong một số chủ đề có sự thay đổi nhẹ (số phức, mặt nón, trụ, cầu tăng 2 câu; hàm số lũy thừa, mũ, logarit tăng 1 câu; phương pháp tọa độ trong không gian, nguyên hàm, tích phân, ứng dụng giảm 2 câu; ứng dụng đạo hàm giảm 1 câu).
Tỉ lệ kiến thức, tập trung ở lớp 11 (5 câu), lớp 12 (45 câu). Trong đó kiến thức học kì 2 lớp 12 chiếm 3,2 điểm với 3,0 điểm ở mức nhận biết, thông hiểu; 0,2 điểm ở mức vận dụng thấp.
Cô Phương Dung nhận định, đề dễ hơn đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020 lần 1. Có nhiều câu hỏi và bài toán ngắn gọn dễ hiểu. Có 38 câu chiếm tỉ lệ 76% kiến thức ở mức độ nhận biết và thông hiểu, học sinh dễ dàng làm được. 7 câu tiếp theo mức độ vận dụng thấp, có phân hóa nhẹ. 5 câu cuối mức độ vận dụng cao, có tính phân hóa cao. Các kiến thức trong đề không nằm trong nội dung đã tinh giản của Bộ GD&ĐT và phù hợp với thi tốt nghiệp.