Để thể thao thành tích cao của Tiền Giang phát triển

Thời gian qua, công tác thể dục, thể thao nói chung và thể thao thành tích cao (TTTTC) nói riêng của Tiền Giang được quan tâm, đầu tư, nhưng hoạt động TTTTC ở một vài địa phương còn mang tính tự phát, kết quả đạt được chưa cao. Để TTTTC phát triển mạnh mẽ, UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án Phát triển TTTTC tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2022 - 2030.

ĐẠT NHIỀU THÀNH TÍCH

Thể thao Tiền Giang thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận tại các giải quốc tế, quốc gia và khu vực như: Tham gia tổng cộng 400 giải, giành được 1.141 huy chương các loại. Trong đó, có 266 Huy chương Vàng (HCV), 355 Huy chương Bạc (HCB), 520 Huy chương Đồng (HCĐ). Đặc biệt, năm 2018, Tiền Giang đoạt HCV Olympic trẻ môn cử tạ và năm 2019 đoạt 1 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ tại Giải Vô địch cử tạ thanh, thiếu niên và vô địch trẻ châu Á. So với giai đoạn trước đó, các giải có vận động viên (VĐV) Tiền Giang tham gia tăng 130%; số lượng huy chương tăng 180%. Số VĐV đạt đẳng cấp kiện tướng là 195 VĐV, cấp I là 336 VĐV.

Đoàn Thể thao Tiền Giang tham gia Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX tại tỉnh Quảng Ninh.

Đoàn Thể thao Tiền Giang tham gia Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX tại tỉnh Quảng Ninh.

Đặc biệt, TTTTC Tiền Giang đã đạt được nhiều Huy chương Vàng, Bạc, Đồng tại giải thể thao khu vực thế giới, châu Á, Ðông Nam Á và các kỳ đại hội thể thao toàn quốc. Thành tích VĐV đoạt huy chương và đẳng cấp năm sau cao hơn năm trước, đóng góp cho đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia hằng năm từ 20 đến 25 VĐV ở môn Cử tạ, Ðiền kinh, Taekwondo, Vovinam, Bóng bàn, Bơi, Boxing, Pencak Silat và Muay...

Công tác đào tạo lực lượng VĐV tài năng trẻ để bổ sung cho các đội tuyển của tỉnh được ngành Thể dục thể thao xác định là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao thành tích thể thao của tỉnh. Trong 10 năm qua, Tiền Giang đã đầu tư phát triển 12 môn TTTTC cho 3 tuyến năng khiếu, trẻ và đội tuyển, gồm các môn: Bóng bàn, Bóng đá, Điền kinh, Pencak Silat, Taekwondo, Thể hình, Vovinam, Cầu lông, Boxing, Cử tạ, Bơi lội và Rowing; tiến hành tập huấn và thi đấu cho trên 200 huấn luyện viên, 2.000 VĐV TTTTC.

VĐV Ngô Sơn Đỉnh đoạt 1 HCB và 1 HCĐ ở Giải Vô địch Cử tạ thế giới 2022. Ảnh: Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF).

VĐV Ngô Sơn Đỉnh đoạt 1 HCB và 1 HCĐ ở Giải Vô địch Cử tạ thế giới 2022. Ảnh: Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF).

Đồng thời, ngành Thể dục thể thao đã tuyển chọn, gửi các VĐV có tiềm năng, tố chất phát triển đến các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia I Hà Nội, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia II TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia III Đà Nẵng, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia IV Cần Thơ để tập luyện nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, điều kiện tập luyện chuyên nghiệp và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, khoa học hơn với các môn như: Bóng bàn, Điền kinh, Boxing, Cử tạ, Cầu lông, Taekwondo và Pencak Silat.

ĐỂ TTTTC TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN

TTTTC tuy đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng so với trước đây, đặc biệt là thành tích thể thao ở một số môn thể thao cơ bản (Điền kinh, Bóng bàn, Cử tạ) và các môn trong chương trình Olympic đã có sự tiến bộ rõ nét, song nhìn chung thành tích thể thao của Tiền Giang còn thấp. Lực lượng VĐV TTTTC còn mỏng, kinh phí đầu tư cho công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV còn dàn trải, dẫn tới việc đào tạo và tập huấn cọ xát nâng cao trình độ chuyên môn gặp nhiều khó khăn.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện cũ kỹ, xuống cấp, thiếu thốn, chưa có phòng hồi phục và chăm sóc sức khỏe cho VĐV, nên còn hạn chế trong việc tập luyện nâng cao thành tích và tổ chức các hoạt động thể thao. Công tác ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong công tác đào tạo, huấn luyện chưa được áp dụng vào công tác tuyển chọn, đầu tư cho tài năng thể thao, trình độ khoa học - công nghệ về thể dục thể thao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành so với tốc độ phát triển chung của tỉnh, nên thành tích thể thao của tỉnh còn rất khiêm tốn so với khu vực và toàn quốc.

Đội Pencak Silat Tiền Giang thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX.

Đội Pencak Silat Tiền Giang thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX.

Công tác quản lý nhà nước về thể dục thể thao một số địa phương chưa theo kịp yêu cầu đổi mới của tỉnh; đội ngũ cán bộ công chức, viên chức được đào tạo chuyên ngành Thể dục thể thao vẫn còn thiếu, đội ngũ huấn luyện viên, VĐV và trọng tài tuy có phát triển về chất và lượng nhưng chưa đồng đều, thiếu tính kế thừa. Công tác xã hội hóa lĩnh vực thể dục thể thao thực hiện còn chậm, một số cơ sở, công trình thể dục thể thao cần nguồn vốn đầu tư lớn, khó thu hút xã hội hóa.

Để TTTTC tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát triển trong thời gian tới, ngày 13-12-2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Phát triển TTTTC tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2022 - 2030. Mục tiêu của đề án là xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống đào tạo tài năng thể thao của tỉnh Tiền Giang theo 4 tuyến: Năng khiếu nghiệp dư cơ sở, năng khiếu tập trung, đội tuyển trẻ, đội tuyển tỉnh. Đồng thời, ngành Thể dục thể thao phát triển những môn thể thao mũi nhọn có thế mạnh của tỉnh, những môn nằm trong chương trình thi đấu tại các kỳ đại hội thể thao toàn quốc, SEA Games, Olympic…

Các cơ quan chuyên môn quy hoạch đào tạo lực lượng cán bộ quản lý, huấn luyện viên, VĐV, trọng tài, bác sĩ thể thao… chất lượng cao theo hướng chuyên nghiệp hóa; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao hiện đại. Đặc biệt, các cấp đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực để phát triển TTTTC và thể thao chuyên nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, đề án chú trọng việc mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo VĐV, huấn luyện viên, kỹ thuật viên cấp cao; phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục thể thao hiện đại.

Theo đó, đề án được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 2022 - 2025, ngành Thể dục thể thao tỉnh tiếp tục giữ vững và nâng cao thành tích, thứ hạng tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024; đạt tốp 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tốp 30 Đại hội Thể thao toàn quốc. Giai đoạn năm 2026 - 2030, ngành Thể dục thể thao tập trung cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026 và Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ XI năm 2028; phấn đấu nâng thứ hạng của Đoàn Thể thao Tiền Giang tham gia đại hội thể thao toàn quốc lên 20/63 đơn vị tham gia. Đặc biệt, Đội Bóng đá Tiền Giang thăng hạng Nhất quốc gia (khi đủ điều kiện).

CAO THẮNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/the-thao/202301/de-the-thao-thanh-tich-cao-cua-tien-giang-phat-trien-970110/