Đề thi chuyên Địa lý hỏi nhiều về kinh tế, không đánh đố thí sinh
Nhiều thí sinh cho rằng, đề thi chuyên Địa lý của THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn có nhiều câu ứng dụng thực tế, không đánh đố thí sinh.
Chiều nay (13/7), các thí sinh dự thi lớp 10 THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn làm bài thi môn Địa lý, theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 150 phút.
Kết thúc buổi thi, nhiều thí sinh cho biết, đề thi khá vừa sức, có nhiều câu hỏi có thể vận dụng Atlat địa lý và kiến thức thực tế để trả lời.
Ngân Chi (THCS Lý Thái Tổ) mất khoảng gần 2h đồng hồ để hoàn thành bài thi. Chi cho biết, với đề thi chuyên Địa lý này, nếu có kỹ năng sử dụng Atlat tốt, thí sinh có thể làm được khoảng 60% bài thi.
"Đề thi có nhiều câu hỏi về vấn đề kinh tế, phát triển các ngành kinh tế của từng khu vực của Việt Nam. Để làm tốt đề thi này, tôi nghĩ rằng cần phải đọc nhiều các bài báo về kinh tế, từ đó có cách nhìn sâu, toàn diện và đưa ra được những thế mạnh và hạn chế của từng vùng kinh tế", Chi chia sẻ.
Dù đã hoàn thành bài thi chuyên, song Ngân Chi vẫn tỏ ra khá lo lắng về kết quả của bài thi. "Khác với các môn thi tự nhiên, các môn xã hội khó có thể dự đoán được điểm, nên tôi khá lo lắng".
Thí sinh Đào Phương Thảo cũng cho rằng, đề thi Địa lý THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn tương đối sát với những cấu trúc đã được học trên lớp. Kiến thức tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 9.
"Đề thi không có câu hỏi đánh đố, vừa sức với những thí sinh thi chuyên. Nhưng có một vài câu hỏi về khó khăn về điều kiện tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long và hướng giải quyết, hay câu hỏi về so sánh hướng chuyên môn hóa trong sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long đòi hỏi thí sinh phải vận dụng kiến thức và có những liên hệ mở rộng, theo dõi sát các diễn biến thời sự", Phương Thảo cho biết.
Thí sinh Nguyễn Thùy Linh cũng cho rằng đề có nhiều vấn đề thời sự. "Để chuẩn bị cho kỳ thi, tôi đã thường xuyên đọc báo và theo dõi tin tức. Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, tốc độ già hóa dân số nhanh, hay vấn đề hạn hán tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng được nói đến rất nhiều trong thời gian qua. Khi đọc đề thi, tôi nhận thấy các vấn đề này đều được đề cập. Ngoài ra, một số câu hỏi yêu cầu phân tích và so sánh, nếu có kiến thức mở rộng, thí sinh sẽ thuận lợi hơn rất nhiều".
Trao đổi về đề thi Địa lý của THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, cô Bùi Thị Lan Anh, giáo viên dạy Địa lý (THPT Việt Đức) cho rằng, đề thi khá hay, bám sát kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, có nhiều câu hỏi mang tính thời sự, có tính phân hóa để tìm học sinh cho các lớp chuyên.
Tuy nhiên, cô Lan Anh cũng cho rằng, đề thi khá dài với thời lượng 150 phút. "Cách ra đề khá an toàn, chưa có gì mới, nổi bật so với những năm trước"./.