Đề thi có tính phân loại, đảm bảo công tác tuyển sinh của các trường đại học
PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết trường đã tham khảo ý kiến của các giảng viên trong các lĩnh vực Toán, Lý, Hóa, Sinh về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Kỳ thi năm nay, các môn học đều có mức độ đề dễ hơn so với 2 năm gần đây. Điều này hoàn toàn phù hợp với bối cảnh phòng chống dịch Covid 19, thí sinh yên tâm làm bài để đạt kết quả xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, mỗi đề đều có 5-10 câu cuối có tính phân loại, phù hợp để các trường Đại học tuyển sinh.
Về môn Toán, đề thi năm nay bám sát đúng yêu cầu của việc xét tốt nghiệp với số câu ở mức độ cơ bản chiếm 70%. Mức độ sắp xếp từ dễ đến khó tạo điều kiện cho thí sinh khi làm bài. Các câu từ 1 đến 35 là những câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Các câu 36-45 học sinh khá có thể làm được. Riêng 10 câu cuối dùng để phân loại học sinh. Những câu này đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng phân tích tổng hợp và có tư duy cao. So với đề thi năm trước mức độ khó giảm đi. Đề thi này cơ bản có cấu trúc giống với đề tham khảo gần nhất của Bộ GD&ĐT.
Trong bài thi tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên, đề Lý có 30 câu ở mức độ thông hiểu nhận biết. Với mức đề này đa số các học sinh sẽ làm được bài. Từ câu 31- câu 40 đề không xếp theo thứ tự câu dễ/khó ở mức vận dụng và vận dụng cao nên khiến thí sinh nghĩ là số câu khó năm nay nhiều. Thực ra, mức độ vận dụng có 6 câu và 4 câu vận dụng cao có tính phân loại học sinh giỏi. Với mức đề thi nay, sẽ có nhiều em rơi vào phổ điểm từ 5 đến 8. Tuy nhiên, mức điểm từ 8-9 giảm dần và mức độ trên 9 ít. Đề có tính phân loại cao phù hợp áp dụng là đề thi tuyển sinh đại học. So với đề minh họa, đề có độ khó cao hơn ở cả vùng vận dụng và vận dụng cao.
Đề môn Hóa học, có 22 câu ở mức độ thông hiểu nhận biết, nên đa số học dễ dàng đạt 50% điểm số. 18 câu tiếp theo là bắt đầu để phân loại ở mức vận dụng và vận dụng cao, kiến thức đồng đều cả vô cơ, hữu cơ, nằm trong nội dung trong chương trình lớp 12. Tuy nhiên, các câu này đều ở mức độ đều không quá khó nên khả năng học sinh sẽ làm đúng được khoảng trên dưới 50 % trong số 18 câu này. Nhìn chung điểm số môn Hóa sẽ dễ đạt từ mức 7.5 đến 8.
Đề môn Sinh học, có 60% câu hỏi ở dạng lí thuyết và 40% số câu ở dạng bài tập, trong đó khoảng 50% các câu hỏi là mức độ cơ bản, nhận biết, 20% các câu ở mức độ thông hiểu với độ khó thấp, vận dụng dễ nữa dẫn tới số câu hỏi dễ vào khoảng 70% đây chính là “miền đất” dùng để xét tốt nghiệp. Việc đạt 5 điểm đối với thí sinh chỉ học sách giáo khoa không hề khó. Nếu học tập nghiêm túc và cẩn thận có thể đạt 6, - 7,0 điểm cho phần này. Có 20% các câu hỏi ở mức độ vận dụng và 10% ở mức độ vận dụng cao.
Mức độ khó của câu hỏi không hẳn đột biến so với dạng câu hỏi các năm trước, song câu hỏi khá dài đòi hỏi thí sinh mất nhiều thời gian mới giải quyết được các câu hỏi vận dụng cao. Khoảng điểm ở những câu hỏi này dùng để xét tuyển đại học và phổ điểm có thể dải từ 7 đến 10 thuận lợi cho quá trình xét tuyển đại học.
Các trường đại học tốp trên cũng có cơ hội chọn được các thí sinh xuất sắc với điểm 9+, với các thí sinh điểm 8+ đến 9 có thể đỗ vào các trường tốp thấp hơn. Đề thi quen thuộc với học sinh, có nhiều câu vận dụng vào thực tế, tuy mức độ khó không vượt trội nhưng lại dài hơn khiến cho sự phân hóa tốt hơn so với đề tham khảo mà Bộ đã công bố.
Như vậy, nội dung thi môn Toán và môn tổ hợp Khoa học tự nhiên là phù hợp với bối cảnh dịch bệnh năm nay, giúp ổn định tâm lý học sinh và phụ huynh. Đề thi từng môn vẫn có tính phân loại, đảm bảo công tác tuyển sinh của các trường đại học. Cá nhân tôi nghĩ rằng đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT thành công.