Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn 10 Hà Nội: Vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ Nguyễn Trãi
Cụm các trường trung học phổ thông Hà Nội vừa tổ chức kì thi Olympic chọn học sinh giỏi lớp 10, trong đó đề thi môn Ngữ văn ra theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực học sinh.
Theo đó, câu nghị luận văn học có nội dung như sau: "Về vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ Nguyễn Trãi trong "Quốc âm thi tập", có ý kiến cho rằng: 'Nhưng bên dưới dòng chảy của chữ nhàn lại ánh lên một nỗi lo nước thương đời không phút nào nguôi"'. (Trích "Thi pháp thơ Nôm của Nguyễn Trãi", Hoàng Thị Thu Thùy).
Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua bài thơ "Thuật hứng", (bài 24) và "Tự thán" (bài 4) trong "Quốc âm thi tập" của Nguyễn Trãi, anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trong "Quốc âm thi tập"
Thầy giáo Dương Khánh Toàn - giáo viên Ngữ văn tỉnh Vĩnh Phúc, hướng dẫn và gợi ý cách làm bài như sau:
Đặt vấn đề: Phần đầu bài văn, các em có thể đi từ những đặc trưng của thơ để đặt vấn đề cho có chất lí luận, như thường thấy ở bài học sinh giỏi.
Trong "Quốc âm thi tập" ta bắt gặp nhiều bài thơ Nguyễn Trãi ca tụng cảnh nhàn, vẻ đẹp thiên nhiên, ca tụng cuộc sống dân dã là ngàn vàng khó đổi. Nhưng đằng sau thú thanh nhàn và sâu hơn lạc thú là nỗi lòng day dứt vì nước vì dân. Chính vì vậy mà khi tìm hiểu vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trong "Quốc âm thi tập", nhà nghiên cứu Hoàng Thị Thu Thùy cho rằng: "Nhưng bên dưới dòng chảy của chữ nhàn lại ánh lên một nỗi lo nước thương đời không phút nào nguôi".
Bình luận ý kiến: Trước hết, ý kiến của nhà nghiên cứu Hoàng Thị Thu Thủy khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi trong "Quốc âm thi tập" là vẻ đẹp của một tâm hồn thanh cao, ca tụng lối sống thanh nhàn, coi thường công danh phú quý, tìm về với thiên nhiên để di dưỡng tâm hồn.
Tuy nhiên, ý kiến nhấn mạnh một cách đọc khác về thơ Nguyễn Trãi "Nhưng bên dưới dòng chảy của chữ nhàn lại ánh lên một nỗi lo nước thương đời không phút nào nguôi". Nghĩa là sâu thẳm trong tâm hồn nhà thơ, đằng sau những tâm trạng nhàn nhã bộc lộ ra câu chữ, vẫn là nỗi lòng yêu nước thương đời "Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông" (Thuật hứng - bài 5).
Thơ Nguyễn Trãi ca ngợi cuộc sống nhàn không biết bao nhiêu lần và đó là ca ngợi thật lòng. Ngay từ khi còn đang là quân sư của khởi nghĩa Lam Sơn, ông đã ao ước một mai công thành danh toại, trả rồi nợ núi sông sẽ lui về nơi non xanh nước biếc, làm bạn với gió trăng:
"Bao giờ nhà dựng đầu non
Pha trà nước suối gối hòn đá ngơi"
Nếu để được sống trọn vẹn niềm vui của cá nhân mình, Nguyễn Trãi mong muốn dựng một ngôi nhà nơi đầu núi, lấy nước suối pha trà, gối đầu lên hòn đá nghỉ ngơi, lấy ba ngàn núi xanh làm khách khứa, rùa, hạc làm cái con. Đọc "Quốc âm thi tập" ta bắt gặp hàng trăm bài thơ ngợi ca lối sống nhàn như thế.
"Ngàn dặm xem mây nhớ quê
Chẳng chờ gói ấn gượng xin về
Một bầu phong nguyệt nhàn tự tại
Hai chữ công danh biếng vã vê"
"Bẻ cái trúc hòng phân suối
Quét con am để chứa mây
Trì tham nguyệt hiện chăng buông cá
Rừng tiếc chim về ngại phát cây".
"Tiếc xuân đốt đuốc mảng chơi đêm
Những lệ xuân qua tuổi tác thêm
Chỉ thấy ngoài hiên tơ liễu rủ
Một phen liễu rủ một phen mềm"
Nhưng lí tưởng của Nguyễn Trãi không phải là tìm niềm vui cho cá nhân mình. Mục đích sống của Nguyễn Trãi là hiến dâng cuộc đời mình cho nhân dân, đất nước. Ông là kết tinh vẻ đẹp của tâm hồn, nhân cách, khí phách Việt Nam trong suốt hàng ngàn năm lịch sử "Nguyễn Trãi không phải là một ông tiên. Nguyễn Trãi là người chân đạp đất Việt Nam, đầu đội trời Việt Nam, tâm hồn lộng gió thời đại." (Phạm Văn Đồng).
Cho nên thú vui thanh nhàn không phải là niềm tha thiết lớn nhất của ông. Trong một bài thơ chữ Hán, ông đã bộc bạch: "Chưa một bữa ăn nào mà nỡ không nhớ đến vua" (Hà tằng nhất phạm nhẫn vong quân). Trong lúc làm quan đắc ý hay khi bị rèm pha phải lui về ở ẩn, ông không lúc nào nguôi nỗi lo cho dân cho nước:
"Nhân gian mọi sự đều quên hết
Hai chữ quân thần chẳng khứng quên"
"Có một lòng âu việc nước
Đêm đêm thức nhẫn nẻo sơ chung"
"Bui có một lòng trung lẫn hiếu
Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen"
"Ở yên thì nhớ lòng xung đột
Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày"
"Dẽ có ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương"
Sáu câu thơ đầu của cả hai bài thơ "Thuật hứng" và "Tự thán" đều ngợi ca vẻ đẹp của cuộc sống nhàn.
Mở đầu bài "Thuật hứng" số 24 là tâm thế của Nguyễn Trãi khi lui về ở ẩn. Câu thứ nhất "Công danh đã được chỉn về nhàn" thể hiện niềm tự hào của một người đã làm tròn trọng trách với non sông đất nước, đã lập được công danh hiển hách góp phần đem lại hòa bình độc lập cho dân tộc và ấm no cho nhân dân. Câu thơ thứ hai: "Lành dữ âu chi thế ngợi khen" là quan niệm sống thanh cao: khi lí tưởng đã hoàn thành mới lui về hưởng thú thanh nhàn của riêng mình mà không cần quan tâm đến những lời khen chê của thế gian.
Hai câu tiếp theo tả thực cuộc sống thanh nhàn của nhà giữa chốn non thanh nước biếc: "Ao cạn vớt bèo cấy muống/ Trì thanh phát cỏ ương sen". Đó là cuộc sống giản dị của một lão nông "cày lấy ruộng mà ăn, đào lấy giếng mà uống" không phụ thuộc vào bổng lộc triều đình. Những công việc chân lấm tay bùn của nhà nông vào đến thơ Nguyễn Trãi bỗng trở nên thanh cao mang đầy vẻ nhàn nhã thong dong tự tại. Đây là lần đầu tiên chiếc ao của chốn dân dã quê mùa trôi vào văn học, nó thể hiện sự gần gũi của nhà thơ với cuộc sống của nhân dân.
Hai câu luận bộc lộ tình yêu thiên nhiên tha thiết của Ức Trai: "Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc/ Thuyền chở yên hà nặng vạy then". Tác giả ví tâm hồn mình như một cái kho thu về trăng gió nhiều đến nỗi đầy qua cả nóc; tâm hồn mình lại như con thuyền chỉ chở có khói sóng mà nặng oằn then. Thật là một tâm hồn bát ngát đến chừng nào.
Sáu câu thơ đầu trong bài "Tự thán" (bài 4) cũng ngợi ca thú nhàn như thế. Hai câu đề rào trước đón sau một chút, rằng giữa nhà thơ và non nước có lời hẹn ước, trước đây bận việc nước việc dân nên còn nợ lại, giờ đây mới có dịp hòa hợp mối lương duyên. Đó là sự trở về với bản tính tự nhiên của nhà thơ để di dưỡng tâm hồn.
Hai câu thực vẽ nên những sinh hoạt đậm chất tài hoa tài tử của nhà thơ khi về ở ẩn: Học theo Lý Bạch cất chén mời trăng sáng, học theo Tô Đông Pha mời bạn quý dạo chơi trên thuyền trong đêm trăng... Hai câu luận là triết lí sống thanh cao thoát tục, tránh xa bon chen danh lợi. Lòng không tham là tấm lòng quý giá nhất, người không phiền lụy thì cuộc sống khác nào chốn thần tiên.
Tuy nhiên, đọc đến hai câu kết của cả hai bài thơ ta mới giật mình nhận ra rằng sâu thẳm trong tâm hồn của ông không phút giây nào thực sự được thanh nhàn. Bởi chưng nước vẫn chưa yên, dân vẫn chưa vui.