Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn: Để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn
Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh suy nghĩ về câu nói: 'Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn' (Luis Sepulveda).
Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình vừa tổ chức kì thi chọn học sinh giỏi lớp 12 năm học 2023-2024, trong đó có môn Ngữ văn. Đáng chú ý, nội dung đề thi học sinh giỏi - câu nghị luận xã hội nhận được nhiều sự yêu thích của học sinh và giáo viên.
Nghị luận xã hội: "Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn" (Luis Sepulveda).
Câu nói trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về hành trình yêu thương ai đó khác mình của mỗi người trong cuộc sống? (Trình bày bằng một bài văn nghị luận khoảng 600 chữ).
Hành trình khó khăn để yêu thương ai đó khác mình
Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Suy nghĩ về hành trình yêu thương ai đó khác mình của mỗi người trong cuộc sống.
Triển khai vấn đề cần nghị luận: Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; mọi kiến giải phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật; đảm bảo các yêu cầu sau:
Giải thích: "Chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình" là dễ dàng có thể dành tình cảm (quan tâm, thương yêu, chia sẻ kể cả bao dung, thừa nhận…) người có những đặc điểm tương đồng với bản thân (hoàn cảnh, tính cách, sở thích…)
"Yêu thương ai đó khác mình thực sự khó khăn" nghĩa là những người khác biết ta thường rất khó để ta có thể dành tình cảm tốt đẹp cho họ.
Câu nói "Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn" gợi ra hành trình yêu thương ai đó khác mình của mỗi người trong cuộc sống: Đó là một hành trình không hề dễ dàng, nhưng rất cần thiết và đòi hỏi mỗi người phải có nhiều yếu tố để thực hiện được.
Bàn luận: "Hành trình yêu thương ai đó khác mình là hành trình không dễ dàng": Cái tôi cá nhân (sự đố kỵ, áp lực từ sự hơn thua…). Tư tưởng định kiến của xã hội về sự khác biệt. Hành trình cần những phẩm chất và kỹ năng (vị tha, bao dung, tâm hồn rộng mở kể cả sự dũng cảm, bản lĩnh…) nhưng không phải ai cũng có được những điều đó và sẵn sàng thể hiện chúng.
Hành trình yêu thương ai đó khác mình rất cần thiết trong cuộc sống: Với người biết yêu thương ai đó khác mình: có được lối sống đẹp, rèn giũa được nhiều đức tính quý báu; có thêm cơ hội được học hỏi từ những khác biệt tốt đẹp của người khác…
Với "ai đó khác mình" ta có thêm sự tự tin vào điểm riêng của bản thân; thêm động lực để tỏa sáng…
Với xã hội: Các mối quan hệ tốt đẹp được tạo dựng; cuộc sống phong phú sắc màu; xóa bỏ phân biệt, hận thù để xây dựng một xã hội nhân văn, phát triển…
Để có thể yêu thương ai đó khác mình, hành trình này cần: Với mỗi người cần có tâm hồn đẹp để sẵn sàng trao yêu thương; cần có tư tưởng tiến bộ để đón nhận sự khác biệt; cần kỹ năng trao đi để người khác thấy được tôn trọng và ấm lòng…
Với xã hội cần loại bỏ những định kiến lạc hậu về sự khác biệt; cần phê phán những lối sống phân biệt kỳ thị sự khác biệt.