Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn: Giữa lúc tăm tối, đôi mắt mới bắt đầu nhìn thấy
Đề thi khảo sát chọn học sinh giỏi Ngữ văn cấp tỉnh cụm trường trung học phổ thông Yên Thành (Nghệ An) năm học 2023-2024 gồm câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh bày tỏ suy nghĩ về lời phát biểu "Giữa lúc tăm tối, đôi mắt mới bắt đầu nhìn thấy" (Theodore Roethke).
Câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh làm sáng tỏ nhận định của tác giả Nguyễn Thanh Tâm: "Thơ không phải là nội tâm mà là nhịp điệu của nội tâm, không phải là cảm xúc mà là khoảnh khắc lóe sáng trên đỉnh cao cảm xúc. Thơ không bao giờ là chuyện ở ngoài kia, mà là chuyện ở trong này, nơi mọi thứ đã được thâu nhận đầy đủ vào buồng chứa tâm can". (Những ý nghĩ rời trong cơn mê, Tập san Viết và Đọc, Hà Nội, 2020)
Gợi ý đáp án câu nghị luận xã hội: Giữa lúc tăm tối, đôi mắt mới bắt đầu nhìn thấy
Giải thích: "Giữa lúc tăm tối" - đó là lúc cuộc sống gặp nhiều khó khăn, bất trắc, là những thử thách, trở ngại trong cuộc sống.
"Đôi mắt mới bắt đầu nhìn thấy" là lúc con người nhận ra chân lý và sự thật cuộc đời, chiêm nghiệm nghiệm được lẽ đời; ý thức được những khiếm khuyết và thế mạnh của mình, đánh giá lại các thước đo giá trị, quan điểm, lẽ sống và lối ứng xử của mình; xác định được hướng đi trong cuộc sống.
Ý kiến trên mang đến cho mỗi người bài học là khi đối đầu với khó khăn, thử thách, con người sẽ nhận diện, xác lập và củng cố quan điểm, thái độ sống tích cực của mình.
Luận bàn: Cuộc sống của mỗi người có khi thuận lợi song cũng có lúc gặp không ít khó khăn. Những lúc ấy, con người phải đối mặt với hoàn cảnh sống nghiệt ngã. Đó chính là lúc mỗi người cần trui rèn, tôi luyện bản lĩnh, trưởng thành và qua đó mà thể hiện nhân cách, giá trị của mình.
Giữa lúc "tăm tối", khi người ta "nhìn thấy" được đâu là "ánh sáng" đích thực thì tinh thần lạc quan, lòng dũng cảm, trí tuệ mẫn tiệp sẽ giúp họ vượt qua cảm giác sợ hãi, bế tắc và tìm thấy hướng đi cho mình. Người lạc quan sẽ luôn tìm thấy cơ hội trong từng khó khăn. Bởi, "Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy" (Nguyễn Khải).
Người vượt qua những thử thách nghiệt ngã là người truyền cảm hứng, tác động tích cực đến thái độ sống của những người xung quanh, giúp cho mọi người và cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Mở rộng: Tuy nhiên, không phải lúc nào trong "tăm tối" đôi mắt mỗi người cũng "nhìn thấy", cũng tỉnh ngộ, tinh thần mỗi người được vực dậy. Bởi vì có những người khi rơi vào hoàn cảnh éo le, bế tắc thường nảy sinh những suy nghĩ bi quan, tiêu cực, chính vì thế họ đã đầu hàng hoàn cảnh, buông xuôi, phó mặc số phận cho cuộc đời đẩy đưa.
Hoặc điều chúng ta "nhìn thấy" lúc "tăm tối" không phải chỉ toàn những điều tốt đẹp, đáng trân trọng mà trong đó không ít những nghịch lí, những cái tầm thường, điều xấu xa… Vì thế, cần phải có thái độ sống tích cực để vượt qua những trở lực đó nhằm hướng đến những điều tốt đẹp.
Phải nhận thức sâu sắc: "lúc tăm tối" như một yếu tố, điều kiện để chúng ta thể nghiệm trong cuộc sống, không nên nghĩ cuộc đời con người lúc nào cũng đối diện với hoàn cảnh khó khăn, trắc trở. Và nhiều khi con người nhận thức về chính mình, về cuộc đời trong những điều kiện thuận lợi, lúc thành công là lúc ta thêm trưởng thành, chín chắn hơn.
Bài học: Giữa những lúc khó khăn, không nên than vãn, bi quan và tuyệt vọng. Phải học cách đương đầu để giải quyết. Cần tôi rèn bản lĩnh, ý chí, niềm tin; nâng cao trí tuệ, thể lực, kĩ năng sống để sẵn sàng đối mặt và vượt qua những trở ngại ở chặng đường phía trước.
Thế hệ trẻ phải biết dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm bằng những hành động cụ thể để trong đời lúc gặp khó khăn, tăm tối không nản lòng, gục ngã.
Câu nghị luận văn học: Thơ là nhịp điệu của nội tâm
Giải thích: "Thơ không phải là nội tâm mà là nhịp điệu của nội tâm, không phải là cảm xúc mà là khoảnh khắc lóe sáng trên đỉnh cao cảm xúc": nhấn mạnh thơ là những trạng thái cảm xúc mãnh liệt nhất của tâm hồn, thơ chỉ sinh ra khi đạt đến độ chín của cảm xúc. Cảm xúc trong thơ không bằng phẳng, nhợt nhạt, dễ dãi mà đó là "đỉnh cao", là cao trào của cảm xúc, là "khoảnh khắc lóe sáng trên đỉnh cao cảm xúc".
"Thơ không bao giờ là chuyện ở ngoài kia, mà là chuyện ở trong này, nơi mọi thứ đã được thâu nhận đầy đủ vào buồng chứa tâm can": nhấn mạnh hiện thực được phản ánh trong thơ là hiện thực được chắt lọc từ tâm hồn. Bài thơ nào cũng chứa đựng bên trong một chiều sâu suy tưởng, ẩn chứa những thông điệp về con người và cuộc đời. Nhưng trước hết, thơ phải bắt nguồn từ những rung động bên trong của người nghệ sĩ.
Ý kiến của Thanh Tâm đã đề cập đến bản chất của thơ: Thơ là sự bộc lộ tiếng nói của cảm xúc đã được ý thức cao độ, được chắt lọc qua cảm xúc thẩm mĩ và tư tưởng của nhà thơ.
Bàn luận: Thơ là nhịp điệu của nội tâm, là khoảnh khắc lóe sáng trên đỉnh cao cảm xúc: Thơ là tiếng nói của cảm xúc và những tình cảm mãnh liệt được thể hiện qua sự rung động của người nghệ sĩ trước hiện thực. Thơ được khơi dậy từ những hứng thú tinh thần, thế giới nội tâm bên trong của nhà thơ.
Biểu hiện của đỉnh cao cảm xúc trong thơ: Trạng thái thăng hoa trong cảm xúc của người nghệ sĩ thể hiện ở khao khát sống, tình yêu đời, yêu người, niềm vui, nỗi buồn trước cuộc đời. Mỗi người nghệ sĩ đến với văn chương bằng những sáng tạo nghệ thuật độc đáo, tiếng nói cảm xúc mang dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ. Học sinh lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu và toàn diện để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
Thơ không phải là chuyện ở ngoài kia, thơ là chuyện ở trong này, nơi mọi thứ đã được thâu nhận đầy đủ vào buồng chứa tâm can: Thơ ca bắt nguồn từ hiện thực đời sống nhưng đó không phải là hiện thực được sao chép bên ngoài mà là sự sáng tạo thông qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Nhà thơ thể hiện đời sống bằng những rung động mãnh liệt nhất "thơ thực chất là một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong".
Thơ là tiếng nói của tư tưởng, tư tưởng trong thơ sâu sắc, lớn lao gắn với những triết lí nhân sinh được nhà thơ gửi gắm nơi tác phẩm. Học sinh lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu và toàn diện để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
Đánh giá, mở rộng: Đây là ý kiến đúng đắn, sâu sắc bắt nguồn từ đặc trưng của thơ. Ý kiến đã nêu những yêu cầu cơ bản đối với tác phẩm thơ nói riêng và tác phẩm văn chương nói chung.
Ý kiến trên nhấn mạnh đặc trưng của thơ là tiếng nói tình cảm, cảm xúc. Tình cảm đó phải mãnh liệt và đã được ý thức nhưng chưa đề cập đến đặc trưng về hình thức của thơ. Một bài thơ hay, đặc sắc, muốn có chỗ đứng trên thi đàn và trong lòng bạn đọc, phải có sự kết hợp hài hòa cả hai yếu tố: cảm xúc, nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Nội dung và nghệ thuật như hình với bóng, không thể có cái này mà thiếu cái kia.
Bài học: Đối với nhà thơ phải nhận thức rõ thơ là sự thăng hoa trong cảm xúc, tình cảm trong thơ cần sâu sắc, mãnh liệt. Nhà thơ phải là người giàu tình cảm, sống sâu với cuộc đời. Đối với bạn đọc: cần có tình yêu với thơ ca và sự đồng điệu với người nghệ sĩ.