Đề thi minh họa thi THPT quốc gia được công bố, thí sinh vẫn lo lắng vì nghỉ học kéo dài
Bộ GD-ĐT khẳng định đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2020 vừa được công bố đã bám sát yêu cầu tinh giản, tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh kéo dài, thí sinh vẫn lo lắng ảnh hưởng lớn đến học và ôn thi học kỳ II năm học này.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên học kỳ II của học sinh bị ảnh hưởng rất lớn. Trước lo lắng của cả triệu học sinh lớp 12, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã yêu cầu sớm công bố đề minh họa các môn thi THPT quốc gia 2020.
Theo đó, chiều 3/4, Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi minh họa gồm tất cả các môn thi THPT quốc gia: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Sinh học, Hóa học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân và các môn ngoại ngữ (Anh, Nga, Anh, Pháp, Trung, Đức).
Ông Mai Văn Trinh khẳng định, đề thi tham khảo này sẽ giúp cho học sinh, giáo viên, nhà trường có định hướng học tập, ôn tập chủ động, để học sinh chuẩn bị được tâm thế tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia tới đây.
Ông Trinh cho biết, nội dung đã được tinh giản không đưa vào đề thi minh họa, những nội dung không tinh giản ở học kỳ I sẽ được đưa vào đề thi như bình thường.
Mặc dù vậy, nhiều giáo viên cho rằng dù đã được tinh giản chương trình, nhưng do điều kiện học tập từng nơi, từng địa phương không giống nhau nên việc ra đề thi cần xem xét ở mức độ phù hợp không gây lo lắng cho thí sinh trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT cần tính thêm một số phương án thay thế thi THPT quốc gia nếu tình hình nghỉ học vì Covid-19 vẫn kéo dài, ảnh hưởng đến kế hoạch năm học.
Trước đó, Hiệu trưởng trường phổ thông Marie Curie Nguyễn Xuân Khang đã đề xuất Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét và quyết định chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp KHTN và KHXH.
Ông Khang nhấn mạnh, mặc dù Bộ GD-ĐT đã hai lần điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học và thời gian tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2020. Các trường đã phải dạy và học online hoặc qua truyền hình... Tuy nhiên, không phải địa phương, nhà trường, giáo viên, học sinh… nào cũng có đủ điều kiện để dạy và học từ xa có hiệu quả.
Theo đó, việc giảm bớt một số môn thi trong các kỳ thi để giảm áp lực cho giáo viên, học sinh cuối cấp, giúp người dân thêm yên tâm chống dịch Covid-19.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.Hà Nội nhấn mạnh Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ GD-ĐT nghiên cứu, đề xuất phương án đối với thi THPT quốc gia phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay. Vì vậy, Bộ cũng nên đưa ra nhiều phương án, tổ chức thi như bình thường hoặc trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các địa phương tổ chức.