Đề thi mở tạo ra bước đột phá nhằm thay đổi thói quen 'văn mẫu'
Một trong những lợi ích quan trọng nhất của đề thi mở môn Ngữ văn là sự phát triển tư duy lập luận và kỹ năng phản biện cho học sinh.
Trong nhiều năm, giáo dục phổ thông chịu sự ảnh hưởng nặng nề từ thói quen dùng “văn mẫu”, tập trung vào học thuộc lòng rồi ghi nhớ để chép lại.
Việc dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai theo định hướng phát huy phẩm chất, năng lực người học; khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu học thuộc lòng theo văn mẫu.
Với sự thay đổi đột phá trong chính sách ra đề thi mở của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, ngành giáo dục đang nỗ lực đổi mới phương pháp thi, kiểm tra nhằm phát triển tư duy phản biện và kỹ năng lập luận độc lập của học sinh.
Cách làm này không chỉ mang đến một cách tiếp cận mới trong đánh giá học sinh mà còn thúc đẩy phát triển tư duy phân tích, phản biện và suy nghĩ độc lập phù hợp với đòi hỏi của nguồn nhân lực chất lượng cao.
Việc ra đề thi mở sẽ đòi hỏi học sinh phải phát triển kỹ năng đọc hiểu sâu sắc. Bằng cách trình bày nội dung với các tình huống thực tế và câu hỏi mở, học sinh không còn chỉ đọc để hiểu bề mặt mà phải phân tích, diễn giải, và liên kết kiến thức vào thực tế.
Theo nghiên cứu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các kỹ năng đọc hiểu sâu có liên quan mật thiết đến khả năng giải quyết vấn đề, một kỹ năng cốt lõi trong xã hội hiện đại.
Kỳ vọng lớn với cách tiếp cận mở, các đề thi mới sẽ giúp học sinh nâng cao năng lực hiểu biết, cải thiện kỹ năng, nâng cao hiệu quả lao động trong tương lai.
Hơn nữa, kỹ năng viết cũng là một trong những yếu tố trọng tâm của chính sách ra đề mở, giúp học sinh phát triển khả năng diễn đạt ý tưởng rõ ràng và chính xác.
Trong môi trường giáo dục trước đây, học sinh thường bị giới hạn bởi những cấu trúc câu chữ cố định trong “văn mẫu”, làm giảm đi tính sáng tạo và độc lập.
Với các đề thi yêu cầu tư duy và cách diễn đạt riêng, học sinh sẽ có cơ hội phát triển kỹ năng viết theo cách riêng biệt, phục vụ cho nhu cầu công việc trong tương lai.
Kinh nghiệm cho hay khả năng trình bày ý tưởng một cách mạch lạc không chỉ quan trọng trong học thuật mà còn là yếu tố quan trọng trong việc phát triển sự nghiệp cá nhân.
Một trong những lợi ích quan trọng nhất của đề thi mở là sự phát triển tư duy lập luận và kỹ năng phản biện, những yếu tố mà hệ thống giáo dục Việt Nam đang hướng đến.
Đề thi mở không chỉ đơn giản là đưa ra những biện luận một chiều, đúng hoặc sai một cách áp đặt, định hướng sẵn mà yêu cầu học sinh phải đưa ra lý lẽ, lập luận, và giải thích rõ ràng cho quan điểm của mình.
Bên cạnh đó, ra đề thi mở còn mang lại một bước tiến lớn trong việc chống lại thói quen và tư duy sao chép “văn mẫu” tồn tại nhiều thập kỷ giáo dục phổ thông.
Chính sách này buộc học sinh phải thể hiện quan điểm và suy nghĩ cá nhân, từ đó tạo ra sự đa dạng trong cách tiếp cận vấn đề.
Không còn giới hạn bởi những bài “văn mẫu” rập khuôn, học sinh sẽ có cơ hội khám phá và phát triển phong cách riêng của mình trong việc viết và lập luận.
Cách thi với đề mở sẽ giúp thay đổi tư duy cố hữu về giáo dục trong xã hội. Việc loại bỏ “văn mẫu” qua việc ra đề thi không sử dụng những ngữ liệu trong sách giáo khoa có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến phương pháp dạy và học, khuyến khích giáo viên và học sinh tập trung vào việc phát triển tư duy thay vì “đoán tủ” chăm chăm đạt điểm cao nhờ thuộc lòng.
Các nhà trường không còn xem học sinh như những chiếc thùng rỗng để “nhồi nhét” kiến thức, mà thay vào đó coi các em là những chủ thể có khả năng phản biện, phân tích và sáng tạo đầy đam mê.
Với tính mở và đa dạng tư duy khi được xây dựng từ các cấp giáo dục phổ thông, sẽ góp phần hình thành một lực lượng lao động có khả năng tự học hỏi, thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, từ đó góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả trong công việc và phù hợp với đời sống xã hội hiện đại.
Mặc dù có nhiều lợi ích như đã phân tích, nhưng muốn làm được như vậy thì cần chuẩn bị kỹ lưỡng, bồi dưỡng giáo viên… tránh việc chính sách đề thi mở có thể gây ra sự lúng túng cho cả giáo viên và học sinh, làm giảm hiệu quả thực tế của mục tiêu phát triển tư duy và kỹ năng của học sinh.
Việc ra đề thi mở cho kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 là một bước tiến đột phá trong hệ thống giáo dục Việt Nam, không chỉ giúp phát triển kỹ năng đọc hiểu, viết, và tư duy lập luận mà còn góp phần hình thành một thế hệ học sinh với khả năng phản biện và tư duy độc lập cao.
Việc thúc đẩy sự sáng tạo và độc lập trong tư duy qua các đề thi mở sẽ giúp hệ thống giáo dục Việt Nam không chỉ theo kịp xu thế toàn cầu mà còn tạo nên những công dân có năng lực thực sự, sẵn sàng đối diện với những thách thức của hiện tại và tương lai.
Khi đó giáo dục góp phần kích thích động lực học tập của học sinh và giáo dục thực sự “thắp lên ngọn lửa mà không phải đổ đầy vào chiếc thùng rỗng”.