Đề thi Ngữ văn: Không quá khó nhưng đủ thử thách
Các thí sinh đã ra khỏi phòng thi sáng 25-6, kết thúc môn thi đầu tiên của Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Nhận xét nhanh về đề thi Ngữ văn năm nay, các giáo viên cho rằng đa số thí sinh sẽ không bị bất ngờ vì đề thi không quá khó, không đánh đố, tuy nhiên cũng tạo ra thử thách đối với các em.
Nhận xét về đề thi Ngữ văn Kỳ thi THPT quốc gia 2019, cô giáo Nguyễn Thị Băng Tú, Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho rằng với đề năm nay, học sinh không ngỡ ngàng hay cảm thấy khó khăn về cấu trúc đề. Đề được ra theo đúng cấu trúc học sinh đã được tập dượt nhiều lần, đặc biệt qua kỳ khảo sát của Sở GD-ĐT.
Về nội dung, phần đọc hiểu theo tinh thần của Bộ GD-ĐT: mang tính đổi mới, đặt ra cho học sinh đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời những vấn đề vừa phù hợp với kiến thức, thiết thực với cuộc sống, đồng thời gợi mở cho học sinh tầm nhìn đối với tương lai. Thí dụ, như sứ mệnh của con người, khát vọng của con người, hành trình khám phá bản thân... Mỗi học sinh cần tự mình đặt ra câu hỏi và tự trả lời câu hỏi trong suốt hành trình của cuộc đời mình.
Đề Văn không chỉ giải quyết việc thi cử, mà còn đặt ra vấn đề nhân sinh đối với học sinh. “Đề rất thú vị” – cô giáo Nguyễn Thị Băng Tú nhận định.
Câu 4 của phần Đọc hiểu là câu hỏi về hành trình theo đuổi khát vọng của con người, con người sinh ta không chỉ có “mặn chát của giọt mồ hôi cay đắng” mà tiềm ẩn trong mỗi con người luôn là những khát khao, là hành trình theo đuổi khát vọng của bản thân.
Bài thơ “Trước biển” của Vũ Quần Phương trải qua hơn 30 năm nhưng mạch cảm xúc của tác giả, tư tưởng, ý nghĩa nhân sinh vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Với những học sinh có suy nghĩ sáng tạo, biết gắn việc học môn Văn với thực tế cuộc sống thông qua trải nghiệm của bản thân thì sẽ thấy câu hỏi của đề này không quá sức, khó khăn mà là thử thách thú vị.
Câu 1 của phần Làm văn tiếp tục bàn về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống. Như vậy, câu 4 phần Đọc hiểu và câu 1 phần Làm văn tuy không đồng nhất nhưng lại thống nhất, bởi sở dĩ con người khi có ý chí mạnh mẽ là do có khát vọng lớn. Bản chất của ý chí là từ khát vọng. Với trình tự ra đề như vậy, học sinh có thể biết kết nối kiến thức theo một mạch nhất quán.
Câu 2 của phần làm văn rất đậm chất văn, đây là đoạn tiêu biểu trong bài ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. Đây cũng là đoạn thể hiện rõ nét đặc điểm địa lý của con sông Hương và hơn hết bộc lộ phong cách riêng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường rõ nhất.
Đồng tình với nhận định trên, cô giáo Ngô Thị Bích Hương, Trường THPT chuyên Trần Phú (Hải Phòng) cho biết đề thi không quá khó, không đánh đố học sinh và có tính phân hóa rõ.
Về phần đọc hiểu khá hay, phần ngữ liệu thú vị, các câu hỏi thể hiện được các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng đều được thực hiện tốt, linh hoạt. Đặc biệt câu đọc hiểu có khả năng khơi gợi, có cảm xúc, không nặng thuyết lý, răn dạy. Câu nghị luận xã hội có tính định hướng, đi vào cụ thể, đòi hỏi khả năng “tương tác” tốt của học sinh với các vấn đề nhất định.
Với câu nghị luận văn học, học sinh không chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản mà còn phải thành thạo kỹ năng tạo lập văn bản, biết vận dụng, sáng tạo, khắc phục việc học thụ động, ghi nhớ máy móc, đồng thời học sinh cũng cần có tư duy tổng hợp khai quát để bài viết có chiều sâu.
“Trên thực tế vài năm trở lại đây các đề thi của Bộ không nặng về kiểm tra kiến thức mà đòi hỏi phát huy được tối đa năng lực học sinh. Đề thi năm nay về cơ bản đã đáp ứng được điều này” – cô nói.
Cô giáoNguyễn Thị Hương Thủy, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằngvới những học sinh có lực học trung bình, có thể giải quyết được đề bài ở mức độ 50- 60%. Còn với học sinh giỏi, có năng lực, biết suy tư, trăn trở, có thể phát huy được sở trường của mình khi cảm nhận được nội dung sâu xa của đề.
Cả hai phần đọc hiểu và làm văn đều là những vấn đề quen thuộc đã được trình bày bởi những con người ở thế hệ trước (Vũ Quần Phương, Hoàng Phủ Ngọc Tường... những người ở thế hệ nguyện “hóa thân cho dáng hình xứ sở”); những học sinh thuộc thế hệ ngày hôm nay khi làm bài có thể đối thoại được với thế hệ đi trước, thế hệ cha anh, để vừa thể hiện được sự suy tư khi kế thừa thành quả, vừa thể hiện được sự tiếp nối của thế hệ trẻ hôm nay.
Đề không nặng về tái hiện kiến thức. Việc trích dẫn cụ thể một ngữ liệu trong câu hỏi nghị luận văn học giúp học sinh có thể nhanh chóng áp dụng những kỹ năng đã được trang bị để xử lý đề và dành nhiều thời gian để tư duy, để liên hệ, để thể hiện được những ý tưởng và những sáng tạo của riêng mình trong bài làm. Vì vậy, đề cũng bảo đảm yêu cầu về phân loại học sinh, những bài được điểm cao không chỉ bảo đảm đủ ý, mà còn phải thể hiện được năng lực tư duy, năng lực ngôn ngữ, năng lực liên hệ thực tế.
* Sau khi hoàn tất môn thi Ngữ văn sáng 25-6, nhiều thí sinh tại TP Hồ Chí Minh đánh giá đề không quá khó, vừa sức và có thể trên điểm trung bình để tốt nghiệp THPT.
Với khuôn mặt tươi cười rạng rỡ, thí sinh Trương Mạnh Tiến, thi tại điểm thi Trường THPT Marie Curie, quận 3, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Đề thi Ngữ văn khá dễ, nằm trong phần ôn thi của em. Em cầm chắc hơn 7 điểm”.
Cùng nhận định, em Đặng Thu Trang, thí sinh thi tại điểm thi trên cũng cho biết: “Em thấy đề thi vừa sức. Trước khi thi em cảm thấy áp lực, nhưng vào phòng thi khi đọc đề em lấy lại sự tự tin và làm bài khá tốt”.
Các giáo viên môn văn ở Trường THPT tại TP Hồ Chí Minh nhận định, đề thi văn năm nay bám sát chương trình lớp 12, dễ hơn đề văn năm ngoái. Đồng thời, có độ phân hóa học sinh. Học sinh muốn đạt điểm cao phải có kỹ năng tư duy và suy luận tốt.
* Ngày 25-6, theo Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng, có 20 trong tổng số 8.623 thí sinh vắng mặt thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2019. Kết thúc buổi sáng thi 120 phút môn Ngữ văn, không có thí sinh vi phạm quy chế thi. Thời tiết trong ngày thi đầu tiên rất thuận lợi, có nơi trời mưa rào vào buổi trưa nên nhiệt độ ngoài trời khá mát mẻ. Buổi chiều, các thí sinh bước vào thi môn Toán với thời gian 90 phút, bắt đầu từ 14 giờ 30 phút.
Để tạo thuận lợi cho các thí sinh, tỉnh Sóc Trăng đã bố trí 369 phòng thi tại 20 trường THPT trên địa bàn tỉnh. Năm nay thí sinh tự do, thí sinh học trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ thi chung với thí sinh THPT. Để tránh gian lận thi cử như năm 2018, việc coi thi, niêm phong, bảo quản bài thi được giám sát chặt chẽ.
Ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp chặt chẽ với Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Bạc Liêu chuẩn bị các nội dung cần thiết cho việc tổ chức tốt cụm thi THPT quốc gia; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, lựa chọn cán bộ quản lý, giáo viên tham gia công tác thi, tập huấn nghiệp vụ thi nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ khi tham gia coi thi và chấm thi THPT quốc gia năm 2019.
* Ngày 25-6, cùng với cả nước, hơn 10.300 thí sinh của tỉnh Vĩnh Long bước vào ngày thi đầu tiên. Năm nay, tỉnh Vĩnh Long tổ chức 23 điểm thi với 437 phòng thi ở các điểm trong tỉnh.
Sáng 25-6, đồng chí Trần Văn Rón, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cùng lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long đến thăm Hội đồng thi Trường THPT Lưu Văn Liệt, phường 1, TP Vĩnh Long. Bí thư Tỉnh ủy đã thăm hỏi tình hình tổ chức, chỗ ăn, nghỉ cho thí sinh, cán bộ coi thi... Đến thời điểm này, hoạt động của kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Đồng thời, đồng chí Trần Văn Rón cũng nhắc nhở các điểm thi tập trung đề phòng những tình huống bất ngờ có thể xảy ra, nhằm bảo đảm cho kỳ thi công bằng.
Với quyết tâm không để bất kỳ thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không được tham gia kỳ thi, nhiều trường học trong tỉnh Vĩnh Long đã vận động phụ huynh học sinh, cựu học sinh, doanh nghiệp hỗ trợ cơm trưa cho học sinh trong suốt quá trình ôn tập và kinh phí đi thi cho mỗi em có hoàn cảnh khó khăn từ 100.000 - 200.000 đồng. Sở GD-ĐT Vĩnh Long vận động mạnh thường quân tại TP Hồ Chí Minh và TP Vĩnh Long cung cấp 2.400 suất cơm trưa cho học sinh dự thi tại huyện Tam Bình và Trà Ôn.
Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn Vĩnh Long và Trường Đại học xây dựng Miền Tây cũng cung cấp 2.000 suất cơm và nước uống miễn phí cho thí sinh dự thi tại TP Vĩnh Long và huyện Long Hồ. Đồng thời, trợ giúp 100 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi em 100.000 đồng để làm chi phí đi lại, ăn uống; thành lập 23 đội thanh niên tình nguyện tại 23 điểm thi để hỗ trợ, đưa rước thí sinh dự thi.
* Theo nguồn tin của phóng viên Nhân Dân điện tử, vào khoảng 9 giờ sáng nay (25-6), tại điểm thi số 22, THPT Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ do ông Nguyễn Anh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tử Đà, huyện Phù Ninh, Phú Thọ làm trưởng điểm thi, đã xảy ra tình trạng làm lộ đề thi môn Ngữ văn.
Vào thời điểm trên tại điểm thi này, thí sinh Trần Đình Xuân (sinh năm 1998, số báo danh 15008797, phòng thi số 0377 là thí sinh tự do) mang điện thoại vào phòng thi chụp ảnh đề thi gửi ra ngoài cho bạn.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện Thanh Sơn và tỉnh Phú Thọ đã điều tra làm rõ các chứng cứ và các đối tượng liên quan.
Cũng trong buổi sáng nay, lãnh đạo Sở GD và ĐT Phú Thọ đã làm việc trực tiếp với điểm thi Trường THPT Thanh Sơn và yêu cầu đình chỉ thi đối với thí sinh Trần Đình Xuân; đình chỉ nhiệm vụ coi thi đối với hai cán bộ coi thi tại phòng thi xảy ra vi phạm nói trên.
Sáng 25-6, cùng với thí sinh cả nước, hơn 13 nghìn thí sinh tỉnh Phú Thọ đã làm thủ tục dự thi tại các Hội đồng thi THPT quốc gia 2019; buổi sáng các thí sinh thi môn Ngữ văn, buổi chiều thi môn Toán.
* Sáng 25-6, hơn 18 nghìn thí sinh của tỉnh Nam Định đã dự thi môn Ngữ văn - môn đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Phần lớn các em hoàn thành bài thi của mình với tâm lý thoải mái, tự tin do đề ra vừa sức. Các điểm thi trên địa bàn tỉnh Nam Định bảo đảm an toàn, trật tự, nghiêm túc, đúng quy chế.
Theo ghi nhận của phóng viên, đa số các thí sinh tự đến các điểm thi, có rất ít phụ huynh đi cùng nên khu vực chung quanh các điểm thi trên địa bàn tỉnh Nam Định khá vắng vẻ. Trong buổi thi môn Văn, các thí sinh Nam Định đến điểm thi từ khá sớm và thoải mái, tự tin bước vào phòng thi.
Hầu hết các thí sinh cố gắng làm bài đến khi hết giờ mới nộp bài thi. Các thầy cô giáo và thí sinh cho rằng, đề thi Ngữ văn THPT quốc gia 2019 là một đề thi hay, có tính phân hóa cao, vừa bảo đảm các yêu cầu về xét tốt nghiệp vừa đáp ứng yêu cầu làm cơ sở tuyển sinh đại học, cao đẳng. Cấu trúc đề thi năm nay cơ bản giữ nguyên như năm trước, bám sát đề minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó.