Đề thi Ngữ văn lớp 10 công lập Hà Nội: 'Em tin mình được 8 điểm'
Sau buổi thi môn Ngữ văn nhiều nụ cười đã xuất hiện trên khuôn mặt của thí sinh cũng như phụ huynh. Nhiều thí sinh khi được hỏi tự tin chấm cho mình điểm 8.
Ngày 8/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chính thức tổ chức kì thi tuyển sinh vào lớp 10 trên toàn thành phố.
Có mặt tại điểm thi Trường THCS Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm), theo ghi nhận của phóng viên, sau khi kết thúc buổi thi nhiều thí sinh đánh giá đề thi môn Ngữ văn không gây bất ngờ.
Thí sinh Nguyễn Thúy Anh cho rằng, "em không nghĩ sẽ ra văn bản là đoạn trích trong bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu. Đây là bài thơ hay, hầu như đều nằm trong chương trình ôn luyện nên các bạn cũng như em đều cảm thấy gần gũi, không gây bất ngờ. Em nghĩ mình được 8 điểm trong bài thi môn Ngữ văn".
Trong khi đó, thí sinh Hoàng Trung Hiếu tỏ ra vui mừng, em tự tin về bài thi của mình. Bài thơ Chính Hữu đã được cô giáo ôn luyện rất kỹ nên em thấy tự tin khi làm bài. Trong phòng thi, các bạn cũng giống em chăm chú làm bài. Chắc có lẽ bạn nào cũng làm tốt như em. Em nghĩ mình sẽ được 7 điểm môn Ngữ văn.
Trong khi đó, các thầy cô nhận xét rằng, đề thi môn Ngữ văn vẫn đảm bảo cấu trúc 2 phần. Phần 1, chiếm 6,5 điểm với 4 câu hỏi.
Phần 2: Phần này chiếm 3,5 điểm với 3 câu hỏi. Theo đó, việc đề thi tập trung kiểm tra kiến thức vào một đoạn văn bản “Đồng chí” của Chính Hữu.
Đề lấy 8 câu thơ cuối bài Đồng chí để đánh giá, kiểm tra kiến thức của các em. Mặc dù số lượng câu thơ lấy không quá nhiều nhưng vẫn có khả năng kiểm tra tổng hợp kiến thức của học sinh.
Câu số 1 kiểm tra kiến thức về thể thơ. Câu số 2 học sinh cần phải xác định được hình ảnh tương ứng tạo nên sự sóng đôi và nêu được tác dụng của hình ảnh sóng đôi đó.
Câu số 3 yêu cầu học sinh nêu được tác dụng của hình ảnh sóng đôi: sự gắn kết, gắn bó của những người lính. Câu cuối cùng là câu nghị luận văn học với yêu cầu viết đoạn văn quy nạp làm sáng tỏ hình ảnh người lính trong khổ thơ đã trích.
Phần thứ II, đề đưa ra cuộc hội thoại giữa người thanh niên và nhà triết gia. Cuộc hội thoại ngắn ngủi nhưng sẽ cho chúng ta bài học ý nghĩa về việc ứng xử trước những nhu cầu, mong muốn của người thân với chính mình. Nghe theo lời người thân hay lựa chọn những gì bản thân mình mong muốn?
Đây quả là một lựa chọn khó khăn mà bất cứ ai trong cuộc đời này cũng phải đối mặt. Nghị luận xã hội của Sở Hà Nội năm nay rất hay và ý nghĩa.
Đề thi tuyển sinh của Hà Nội năm học 2024 - 2025 là những kiến thức cơ bản nhưng vẫn phát huy được suy nghĩ, cảm nhận và năng lực của học sinh. Các câu hỏi rõ ràng, cấu trúc đề không thay đổi với mọi năm.
Bên cạnh các câu hỏi nhận biết đơn giản vẫn có các câu vận dụng cao, giúp phân loại học sinh tốt. Với đề thi này học sinh trung bình có thể làm được 6,5-7 điểm; các bạn học khá, giỏi đạt 8-9 không quá khó khăn. Nhìn chung đề vừa sức với học sinh.
Sau đây là một số hình ảnh sau buổi thi đầu tiên: