Đề thi tham khảo bài KHTN: Nắm chắc kiến thức SGK, thí sinh có thể đạt 6-7 điểm
Đề thi minh họa bài Khoa học tự nhiên phần lớn thuộc chương trình lớp 12 (chiếm 90% số câu hỏi trong đề thi), còn lại là phần kiến thức thuộc chương trình lớp 11.
Nhận định về đề thi tham khảo bài thi Khoa học tự nhiên - kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 do Bộ GD-ĐT vừa công bố, các giáo viên tổ Tự nhiên – Hệ thống giáo dục Hocmai cho rằng, bài thi tuân thủ đúng cấu trúc nội dung như Bộ GD-ĐT đã công bố; không xuất hiện các câu hỏi thuộc nội dung đã được tinh giản.
Các câu hỏi phần lớn thuộc chương trình lớp 12 (chiếm 90% số câu hỏi trong đề thi), còn lại là phần kiến thức thuộc chương trình lớp 11. Khoảng 70-75% số câu hỏi thuộc mức độ nhận biết và thông hiểu, 25%-30% số câu hỏi còn lại thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao.
Các câu hỏi được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó. Ở 10 câu cuối cùng của đề có sự xáo trộn ngẫu nhiên giữa câu hỏi Vận dụng và Vận dụng cao do phần mềm trộn đề. Điều này giúp hạn chế các thí sinh lựa chọn ngẫu nhiên đáp án cho 4 câu vận dụng cao mà trước đây thường nằm ở cuối cùng. Nhìn chung, với mức độ đề như hiện tại, chỉ cần ôn tập và nắm chắc kiến thức sách giáo khoa là có thể đạt được điểm 6-7 điểm.
Tuy nhiên, với sự lan tỏa ngày càng mạnh mẽ của các kỳ thi riêng, trong năm 2023, chỉ tiêu của nhiều trường ĐH dành cho phương thức sử dụng kết quả các kỳ thi riêng cũng được điều chỉnh tăng lên so với năm 2022, chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm đi.
Do đó, để sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT vào việc xét tuyển vào các trường ĐH, nhất là các trường ĐH top đầu, thí sinh cần nỗ lực học tập và chuẩn bị kĩ càng, nắm vững các kiến thức cơ bản, rèn luyện kỹ năng phân tích và tư duy giải quyết vấn đề, tìm tòi và mở rộng hiểu biết về các ứng dụng thực tế để đạt được kết quả thật cao trong kỳ thi.
Nhận xét cụ thể về từng bài thi thành phần, thầy Phạm Thanh Tùng, giáo viên môn Hóa tại Tuyensinh247.com cho biết, đề minh họa có độ khó tương đồng so với đề thi năm trước. Đề phù hợp với mức độ xét tốt nghiệp và có sự phân hóa nhẹ ở phổ điểm từ 8,5 trở lên. Phổ điểm phổ biến sẽ ở khoảng từ 6,5 – 7,0 điểm.
Kiến thức các câu chủ yếu nằm ở chương trình hóa học 12 và có một vài câu hỏi nằm ở chương trình hóa học 11, xuất hiện nội dung đọc – hiểu tương tự chương trình mới, không đòi hỏi quá cao về kiến thức mới. Các nội dung tinh giảm không xuất hiện.
Với môn Vật lý, thầy Phạm Quốc Toản, giáo viên Vật lý tại Hà Nội nhận định, nội dung và cấu trúc không có gì thay đổi so với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và năm 2022. Về thời gian làm bài, để giải trọn vẹn 40 câu thì vẫn mất khá nhiều thời gian. Đề tham khảo môn Lý khá dễ thở với học sinh có mục tiêu tốt nghiệp, dễ kiếm điểm 5, 6, phân loại tốt với học sinh dùng môn Vật lí để xét tuyển đại học. Với đề thi tham khảo này, phổ điểm chủ yếu sẽ từ 6 điểm nhưng điểm trên 9 và 10 vẫn không nhiều.
Nhận định về đề thi tham khảo môn Sinh, thầy Nguyễn Đức Hải, giáo viên Sinh học tại Hà Nội cho biết, cấu trúc đề minh họa năm nay không có nhiều thay đổi so với các năm trước, kiến thức nằm trong chương trình lớp 11 và 12, trong đó kiến thức lớp 11 có 4 câu (chiếm 10%); kiến thức lớp 12 là 36 câu (chiếm 90%)
Mức điểm dễ đạt được được với đề minh họa từ 7 – 8 điểm. Đề tham khảo cũng có bổ sung thêm các câu hỏi vận dụng cao lý thuyết cần tư duy liên hệ thực tế.
Với đề thi này, thầy Hải dự báo, phổ điểm chủ yếu sẽ khoảng 8 điểm, tương đương và có thể cao hơn so với năm 2022. Học sinh trung bình có thể đạt khoảng 7-8 điểm, học sinh khá được khoảng 8-9 điểm, học sinh giỏi hoàn toàn có thể đạt 9-10 điểm./.