Đề thi THPT quốc gia trải từ lớp 10 đến 12: Đánh đố học sinh?
Đề thi THPT Quốc gia 2019 dự kiến sẽ bao gồm kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12. Để khắc phục tình trạng đề quá khó và quá dễ năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến cho học sinh làm thử và giáo viên phản biện số lượng lớn hơn.
Đề khắc phục tình trạng quá khó, quá dễ
Ông Phạm Như Nghệ, Vụ phó vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, sẽ có một số điều chỉnh trong phương án thi THPT quốc gia 2019 về phần mềm chấm thi, cách quản lý bài thi, điểm thi để đảm bảo sự chính xác, khách quan cho kết quả thi của thí sinh. Cụ thể, về chấm thi, đặc biệt là bài trắc nghiệm sẽ không giao cho các địa phương chủ trì như trước đây mà chuyển cho các trường ĐH. Trong đó, có thể sẽ dồn vào một số điểm để chấm chứ không chấm riêng biệt tại 63 tỉnh thành như những năm trước.
Cũng theo ông Nghệ, trước đây, việc coi thi được giao cho các Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với cán bộ, giảng viên của các trường ĐH T.Ư và địa phương. Năm 2019, việc coi thi dự kiến được thay đổi theo hướng trường ĐH, CĐ địa phương sẽ không được coi thi tại địa phương đó nữa mà sẽ phải đi đến địa phương khác. Như vậy sẽ đảm bảo yếu tố khách quan hơn.
Đặc biệt, vấn đề đề thi đến thời điểm này rất được học sinh, giáo viên quan tâm. Bởi sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ GD&ĐT khẳng định, đề thi năm vừa rồi quá khó và sẽ có thay đổi để phù hợp trong năm tới. Tuy nhiên, thay đổi như thế nào thì vẫn chưa được biết. Ông Nghệ thông tin, quá trình ra đề Bộ luôn hướng đến việc đạt hai mục tiêu là lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và đồng thời là căn cứ để xét tuyển ĐH. Ngoài ra, khi làm đề một yếu tố nữa cũng được quan tâm là các câu hỏi trong bài không quá đánh đố học sinh. Tuy nhiên, để làm được điều này không dễ do đó năm 2017, đề thi được cho là quá dễ và năm 2018 lại quá khó. Dù Bộ GD&ĐT đã lựa chọn cẩn trọng đội ngũ làm đề gồm: giáo viên, giảng viên giỏi từ các trường THPT, ĐH.
Vì vậy, kỳ thi THPT quốc gia 2019, để khắc phục tình trạng khó, dễ của hai năm trước, năm nay Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ cho học sinh làm thử trên diện rộng, số lượng lớn và giáo viên sẽ phản biện để đảm bảo đề chính thức đạt mục tiêu vừa xét tốt nghiệp THPT vừa đủ phân hóa để các trường có căn cứ xét tuyển ĐH. Phạm vi kiến thức trong đề thi THPT quốc gia 2019 sẽ bao gồm cả lớp 10, lớp 11 và lớp 12 trong đó tập trung chủ yếu kiến thức lớp 12.
Học sinh, giáo viên lo lắng
Nguyễn Quỳnh Trang, học sinh Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) cho biết, từ đầu năm học lớp 12 đã rất lo lắng vì không biết đề thi năm nay sẽ thay đổi theo hướng nào. Trên lớp, thầy cô vẫn nhắc nhở vừa học kiến thức lớp 12 vừa phải ôn tập cả kiến thức lớp 10 và 11. Trang chia sẻ: “Kiến thức 3 năm rất dàn trải, do đó học sinh sẽ rất vất vả khi vừa học vừa ôn. Nếu đề thi phân hóa sâu như năm trước mà chỉ học trong chương trình sách giáo khoa rất khó đạt điểm cao nên đa số học sinh trong lớp đều phải đi học thêm các môn”, Trang nói.
Em Trịnh Hữu Bách, học sinh Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) cho biết từ đầu năm học lớp 12, ngoài học trên lớp, em đã đi học thêm các môn Toán, Vật lý, Hóa học để củng cố thêm kiến thức. Trên lớp, ngoài học theo chương trình, mỗi tuần giáo viên đều cho thêm một đề trong đó có cả kiến thức lớp 10 và 11 để học sinh tự làm. Còn ở trung tâm luyện thi, giáo viên chủ yếu cho giải các dạng đề tương tự như kỳ thi năm trước. Nói về kỳ thi năm nay, Bách chia sẻ, kiến thức trong đề thi từ lớp 10 đến lớp 12 thì sẽ rất rộng nhưng em tin nếu đề ra rộng thì sẽ không sâu bằng năm trước. Do đó, phương pháp học của em là củng cố kiến thức bằng cách luyện đề, chỗ nào không hiểu thì học lại lý thuyết.
Trước đó, chia sẻ với Tiền phong, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, khi chưa được thông báo chính thức về nội dung đề thi thì giáo viên vẫn cài cắm kiến thức lớp 10, 11 vào để ôn tập cho học sinh. Tuy nhiên, tâm lý học sinh và giáo viên vẫn rất lo lắng, băn khoăn không biết sự thay đổi trong đề thi năm nay như thế nào?
Thầy Tùng cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi lớn, có ảnh hưởng tới hàng triệu học sinh nên nếu có bất kỳ sự thay đổi nào Bộ GD&ĐT nên công bố sớm để học sinh, giáo viên có kế hoạch dạy học phù hợp. Đặc biệt, học sinh và giáo viên rất mong chờ Bộ công bố đề minh họa để giáo viên, học sinh hình dung được độ khó dễ của đề.
Trong khi đó, TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, thời điểm này rất khó để bộ có thể thử nghiệm và chuẩn hóa đề thi. Bởi đề muốn thử nghiệm phải được thực hiện chủ yếu trên học sinh lớp 12, trong khi học sinh năm nay chưa hoàn thành chương trình. Theo TS Vinh, khâu làm đề rất quan trọng, đáng lẽ ra Bộ GD&ĐT phải có kế hoạch dài hơi, đề phải được thử nghiệm trên học sinh từ 2-3 năm trước thì ngân hàng câu hỏi mới đảm bảo yếu tố chuẩn hóa.