Đề thi thử Ngữ văn: Bài học gì về lẽ sống qua 'Lời của bông lúa'

Đoạn trích trong tác phẩm 'Lời của bông lúa' của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được dùng làm ngữ liệu đọc hiểu cho đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn của cụm liên trường trung học phổ thông tỉnh Quảng Nam.

Gợi ý đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Thể thơ tự do.

Câu 2. Những tính từ miêu tả vẻ đẹp của bông lúa: vàng tươi, nặng trĩu, thơm.

Câu 3. Nội dung của những câu thơ: Những chiếc tổ rơm vàng thơm, ấm áp che chở, bao bọc, ủ ấm cho những chú bê con chào đời. Hình ảnh mộc mạc, gần gũi thể hiện cuộc đời đầy ý nghĩa của bông lúa: hiến dâng cả đời mình cho sự sống của muôn loài.

Câu 4. Học sinh rút ra bài học về lẽ sống phù hợp, gợi ý: Sống có ích, cống hiến cho cuộc đời. Phải biết khẳng định những giá trị riêng của bản thân.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Sự cần thiết phải sống có ích: Sống có ích là lối sống có ước mơ, hoài bão, biết vươn lên trong cuộc sống và chan hòa, yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh, có ý thức cống hiến cho cuộc đời.

Sống có ích là lối sống đẹp, luôn được mọi người yêu quý, tôn trọng. Là cách để khẳng định giá trị của bản thân, khiến cho cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa hơn.

Sống có ích góp phần đem lại nhiều giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển của xã hội...

Câu 2. Cảm nhận về nhân vật Mị trong đoạn trích. Từ đó nhận xét về tấm lòng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài.

Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận

Nhân vật Mị trong đoạn trích:

- Giới thiệu khái quát về hình tượng nhân vật Mị và bối cảnh xuất hiện của Mị trong đoạn trích.

Thái độ của Mị trước khi nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ bị trói: Thản nhiên, vô cảm

- Tình huống làm thay đổi cảm xúc, hành động của Mị: Dòng nước mắt của A Phủ khiến Mị nhớ lại quá khứ, đánh thức lòng thương đồng loại.

Nhận ra tội ác và bùng lên lòng căm phẫn đối với cha con nhà thống lý Pá Tra. Mị thương A Phủ, thấy bất bình trước việc A Phủ sẽ phải chết.

Lòng thương người, khát khao tự do đã chiến thắng nỗi sợ và thôi thúc Mị hành động cắt dây trói giải cứu A Phủ. Mị nhận ra cũng cần tự giải thoát chính mình và chạy theo A Phủ.

- Ý nghĩa của hành động cởi trói và vùng chạy theo A Phủ: thể hiện khát vọng sống mãnh liệt đã khiến Mị tìm ra con đường sống, con đường giải thoát cho chính mình.

- Nghệ thuật: Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật tinh tế. Lựa chọn chi tiết đắt giá: "dòng nước mắt của A Phủ" tưởng ngẫu nhiên nhưng hợp lý làm sống dậy cảm xúc trong tâm hồn Mị.

Giọng trần thuật của tác giả hòa vào những độc thoại nội tâm của nhân vật tạo nên ngôn ngữ nửa trực tiếp. Ngôn ngữ giản dị, giàu cảm xúc, mang đậm màu sắc miền núi.

Tấm lòng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài

- Lòng yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc đối với thân phận đau khổ của người lao động nghèo miền núi. Căm phẫn, sức tố cáo mạnh mẽ đối với thế lực thực chà đạp đối với con người.

- Trân trọng, đề cao khát vọng sống, sức sống tiềm tàng mãnh liệt của con người. Tìm ra con đường giải phóng cho nhân vật.

- Đánh giá chung: Đoạn trích miêu tả tâm trạng và hành động của Mị trong đêm mùa đông cởi trói cho A Phủ thấm đẫm tính nhân văn. "Vợ chồng A Phủ" tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của nhà văn Tô Hoài.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-thu-ngu-van-bai-hoc-gi-ve-le-song-qua-loi-cua-bong-lua-179240525220022623.htm