Đề thi Toán lớp 10 của TPHCM: Thiếu phản biện, chỉ 'hợp với trình độ giáo viên'?

Để tránh sai sót trong khâu ra đề thi, những người thực hiện phải có kiến thức chuyên môn sâu rộng và bản lĩnh sư phạm vững vàng. Đồng thời, việc phản biện đóng vai trò quan trọng.

Trước việc đề thi Toán vào lớp 10 tại TPHCM lại gây xôn xao trong thời gian qua, ở góc độ sư phạm, tôi cho rằng người ra đề kiểm tra hay đề thi phải thông hiểu cấu trúc chương trình, thực tế học tập của học sinh. Họ đồng thời phải nắm vững các tiêu chí đánh giá để có được một đề phù hợp.

Cùng với những yếu tố này, việc phản biện đề cũng đóng vai trò quan trọng.

Có hai loại phản biện: Phản biện chủ quan và phản biện khách quan.

Phản biện chủ quan chính là phản biện từ người ra đề. Sau khi có nội dung đề, người ra đề cần dành thời gian nhiều hơn để xem lại. Các tiêu chí sau đây cần được quan tâm: Định lượng kiến thức và thời gian làm bài có phù hợp với trình độ người học hay chưa? Hướng dẫn chấm và thang điểm có chính xác không? Nếu thấy cần thiết, phải sửa các từ ngữ, nội dung để đảm bảo tính khoa học và chính xác.

Thí sinh thi lớp 10 năm 2024 tại TPHCM trao đổi sau buổi thi môn Toán. Ảnh: Nguyễn Huế

Thí sinh thi lớp 10 năm 2024 tại TPHCM trao đổi sau buổi thi môn Toán. Ảnh: Nguyễn Huế

Với phản biện khách quan, người phản biện độc lập với suy nghĩ của người ra đề và đóng vai trò vừa là người ra đề vừa là thí sinh. Các tiêu chí đưa ra cũng giống như phản biện chủ quan, tuy nhiên ở mức độ sâu và rộng hơn để phù hợp với mục tiêu, chuẩn chương trình và đối tượng học sinh. Những câu hỏi “tại sao?”, “thế nào?” nên được đặt ra với người ra đề.

Khi người ra đề và người phản biện có cùng kết luận với những vấn đề được đặt ra thì đề thi xem như hoàn thiện.

Trở lại với đề thi môn Toán vào lớp 10 tại TPHCM. Theo tôi, vẻ đẹp nội tại của Toán học phải được tiếp cận với những minh họa cực kì dễ hiểu, những ví dụ “nhảy ra khỏi trang sách”, với sự lôi cuốn hấp dẫn… Chúng ta đừng nên dừng ở mức độ chỉ biết đến Toán học như là một bộ môn hữu dụng cho cuộc sống, như đề Toán của TPHCM đã thể hiện.

Tôi nhớ lại bài toán cổ mà ngày xưa, khi đi học, tôi biết những cách giải khác nhau nhưng cuối cùng cũng ra một đáp số duy nhất: "Vừa gà vừa chó/ Bó lại cho tròn/ Ba mươi sáu con/ Một trăm chân chẵn/ Hỏi có mấy gà, mấy chó?". Khi học số học, học sinh giải theo cách đặt giả thuyết tạm. Khi học đến đại số ở chương trình lớp 9, học sinh có thể sử dụng cách giải phương trình. Dù giải theo cách nào, cuối cùng cũng tính được là 14 con chó và 22 con gà.

Như vậy, cũng là một chủ đề dạy học nhưng lượng kiến thức được quy định khác nhau tùy theo tâm sinh lý lứa tuổi, bậc học. Điều quan trọng với người ra đề là làm thế nào để thí sinh hiểu được định lượng kiến thức ấy và vận dụng vào việc làm bài.

Với đề thi gây tranh cãi vừa qua, việc thiết lập ma trận và bảng đặc tả trước khi làm đề thi có được chú trọng hay chưa? Nội dung kiến thức và mức độ nhận thức - nhận biết, thông hiểu và vận dụng có được những người ra đề cân đối để tính đến mặt bằng chung của thí sinh? Hay là chỉ tập trung vào những cơ sở giáo dục theo cảm nhận chủ quan của những giáo viên ra đề?

Ở một góc độ khác, rất đáng quan tâm, là những người tham gia công tác ra đề đã từng đứng lớp thực tế chưa, hay chỉ dành hết thời gian cho công việc văn phòng? Để rồi, có một đề thi mà dân trong nghề gọi vui là "thích hợp với trình độ giáo viên"?

Thầy giáo Lê Tấn Thời (Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, tỉnh An Giang)

Kỳ thi lớp 10 tại TPHCM đã khép lại nhưng những tranh cãi quanh đề thi Toán vẫn chưa dứt. Mời quý độc giả đóng góp ý kiến về vấn đề này. Bài viết vui lòng gửi về địa chỉ email: tphcm@vietnamnet.vn.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/de-thi-toan-lop-10-cua-tphcm-thieu-phan-bien-chi-hop-voi-trinh-do-giao-vien-2291738.html