Đề thi Toán vào lớp 10 tại TP Hồ Chí Minh: Có tính thời sự, thiên về đánh giá năng lực

Nhiều thầy cô đánh giá, đề thi môn Toán Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP Hồ Chí Minh gồm 8 bài toán lớn, có tính ứng dụng thực tế cao, tiệm cận với xu hướng đánh giá năng lực.

Theo các thầy cô từ Hệ thống giáo dục HOCMAI, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Toán của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh năm học 2023-2024 giữ được tính ổn định về cấu trúc so với năm 2022-2023 đồng thời tăng nhẹ độ khó trong các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng.

Đề thi gồm 8 bài toán lớn, có tính ứng dụng thực tế cao, tiệm cận với xu hướng đánh giá năng lực. Mỗi bài gồm nhiều ý nhỏ với cấu trúc điểm ổn định và được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó.

Liên quan đến phạm vi kiến thức và độ khó, các thầy cô cho rằng so với đề thi năm 2022-2023, đề năm 2023-2024 có cấu trúc tương đồng và có sự gia tăng về độ khó.

Nội dung đề thi nằm trong chương trình THCS và không chứa kiến thức tinh giản của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hầu hết các câu hỏi trong đề thi đều là các dạng bài quen thuộc, tương tự các đề thi của những năm gần đây.

Riêng bài số 7 là bài tập đánh giá khả năng đọc hiểu, lập luận và tư duy logic của thí sinh và đây là xu hướng tất yếu nhằm đánh giá năng lực của học sinh.

“Bài 3: là dạng bài cho biểu thức biểu diễn mối quan hệ giữa các đại lượng, có yếu tố thực tiễn (mối liên hệ giữa chiều cao, cân nặng và giới tính).

Thí sinh cần đọc hiểu các dữ kiện trong đề bài để tìm được hướng làm bài. Dạng toán đề bài cho sẵn công cụ và công thức tính, thí sinh chỉ cần hiểu và áp dụng công thức để giải toán mà không cần phải ghi nhớ. Đây là một xu hướng ra đề hiện đại giảm bớt sự ghi nhớ về mặt công thức mà coi trọng kiểm tra tính tư duy và kĩ năng đọc hiểu. Và độ khó của câu hỏi này tương tự như năm 2020 - giai đoạn trước dịch Covid. Câu hỏi cũng không yêu cầu quá nhiều về kĩ năng đọc hiểu và phân tích đề bài” - các thầy cô bình luận.

Riêng bài 7 được đánh giá là bài toán nhằm đánh giá khả năng đọc hiểu và tư duy logic của thí sinh. Tuy đây là một dạng bài không mới (giải bài toán bằng cách lập hệ phương trình) với học sinh nhưng để giải quyết được bài toán này, đòi hỏi thí sinh phải có tư duy rõ ràng, mạch lạc và khả năng phân tích, lập luận tốt.

“Nhìn chung, cấu trúc đề thi năm 2023-2024 hướng đến đánh giá năng lực toàn diện của người học và có tính thời sự. Đề bài dài nhưng khá hợp lý. Đề thi đảm bảo về cấu trúc và độ khó của câu hỏi, phù hợp với thực tế học tập của học sinh và có độ phân hóa tốt” - các thầy cô dạy toán của Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định.

Sau đây là đề toán:

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-thi-toan-vao-lop-10-tai-tp-ho-chi-minh-co-tinh-thoi-su-thien-ve-danh-gia-nang-luc-post250668.html