Đề thi văn 'lối sống phông bạt': Nên hạn chế dùng tiếng lóng trong giáo dục chính thống
Nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng và bạn đọc xoay quanh đề thi văn 'lối sống phông bạt' của giới trẻ hiện nay.
Mới đây, PLO thông tin “Đề Văn lớp 10 gây chú ý khi đề cập đến lối sống phông bạt” về nội dung mạng xã hội đang lan truyền đề kiểm tra môn Ngữ Văn giữa học kỳ 1 của 1 lớp 10 tại trường THPT Mạc Đỉnh Chi, quận 6, TP.HCM với nội dung "Hãy viết bài văn nghị luận bàn về Lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay" khiến cư dân mạng và bạn đọc đang bàn luận rất sôi nổi với nhiều ý kiến trái chiều.
Tài khoản FB Hoa Hong bình luận: “Có thể đây là vấn đề đã được thảo luận giữa giáo viên và học sinh hoặc giữa nhà trường với học sinh trong buổi sinh hoạt đầu tuần. Tôi thấy chẳng có gì nghiêm trọng cả, tuy nhiên tôi đồng ý hạn chế dùng tiếng lóng trong giáo dục chính thống, nhất là môn Ngữ Văn”.
Tài khoản FB Thiện Lý bình luận: "Đề thi văn 'lối sống phông bạt' của giới trẻ của giáo viên đã thoát ra được kiểu đề thi văn mẫu, giúp các em học sinh mở rộng tư duy, tưởng tượng. Theo tôi, giáo viên nên biết nắm bắt xu hướng và ngôn ngữ của GenZ để có phương thức giáo dục phù hợp hơn, chúng ta cần dung hòa để phát triển".
Bạn đọc Thuận bình luận: "Là một giáo viên dạy Văn về hưu, tôi cũng rất thích trong xã hội hiện nay cần có những đề văn đi sát thực tế xã hội, để các em học sinh phần nào hiểu được lối sống này. Nhưng giáo viên cũng nên giải thích từ phông bạt ra đề thi để cho các em hiểu".
"Rất hay mang tính thời sự"; "Này dẫn chứng phải 2 trang rưỡi mới hết ý"; "Đề này tôi viết đến hết giờ"; "Khái niệm ý nghĩa thì mấy dòng, chứ dẫn chứng 3 mặt giấy không đủ"; "Nhắm mắt cũng viết được 3 trang",...
Ngoài việc nhiều cư dân mạng ủng hộ, thích thú với đề thi văn "lối sống phông bạt" thì có nhiều ý kiến trái chiều phản đối.
Tài khoản FB TH bình luận: “Phải chăng nên dùng từ phổ thông, làm văn viết ai lại đi dùng từ văn nói. Từ trong lối hành văn viết cũng nhiều và có nghĩa tương tự như từ văn nói. Nếu dùng từ vùng miền có lẽ nên chú giải thêm cho các em học sinh hiểu. Tôi đây còn phải lên google tìm hiểu, nói chi là mấy em học sinh lớp 10. Làm như vậy đâu còn sự trong sáng tiếng Việt”.
Bạn đọc HuynhHuy bình luận: “Tôi cũng có đọc báo, nhưng vẫn không hiểu khái niệm từ phông bạt cụ thể là như thế nào. Nếu học sinh đó ít tham gia mạng xã hội, không đu trend thì sao làm bài được. Trong khi nhiều nhà trường đang hạn chế việc sử dụng điện thoại của các em học sinh. Tôi nghĩ, đề cần nêu định nghĩa, khái niệm ở mức đầy đủ nhất để học sinh có cùng một hiểu biết, rồi mới liên tưởng, làm bài được”.
“Đáng ra, đề kiểm tra này nên chú thích đầy đủ để tất cả các em học sinh đều có khái niệm chính xác, và làm bài đúng hướng. Làm văn nghị luận xã hội thì học sinh phải tự giải thích đề bài, có thang điểm riêng cho phần giải thích. Tại sao đề tài này nhận được nhiều ý kiến trái chiều, vấn đề ở chỗ đây là từ lóng, do đó chắc chắn có nhiều học sinh không hiểu nên không thể làm bài. Chưa kể, từ phông bạt là văn nói, là tiếng lóng, không có trong từ điển Tiếng Việt, thì việc đưa vào đề kiểm tra, thi cử, là việc cần phải xem xét thật cẩn trọng. Đề tài này sẽ phù hợp hơn với hình thức thuyết trình" - Tài khoản FB ChiChi nêu quan điểm.
Bạn đọc Thanh Tuấn: "Theo tôi được biết, nếu đúng chuẩn trong trình bày tiếng Việt thì từ "phông bạt" phải để trong cặp dấu ngoặc kép vì trong từ điển chính thống tiếng Việt không có từ này. Nếu những em học sinh không biết từ phông bạt, không làm được bài thì bị điểm 0 à. Nên sửa lại là "hiện tượng phông bạt trong biểu hiện của một bộ phận giới trẻ hiện nay" thì chính xác và khách quan hơn là "lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay". Không phải bạn trẻ nào cũng sống như thế".
Phông bạt là gì?
Phông bạt là cụm từ ám chỉ việc làm quá, phô trương, tô vẽ lên những gì không có thật hoặc chỉ tồn tại một phần nhỏ trong thực tế. Phông bạt ám chỉ một lối sống lộng lẫy bề ngoài nhưng thiếu chân thật bên trong.