Đề thi Văn lớp 10 ở TPHCM bám sát thực tế, nhiều thí sinh tự tin đạt điểm cao
Kết thúc môn thi đầu tiên (Ngữ văn) trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sáng nay, nhiều giáo viên và học sinh ở TPHCM nhận xét đề không quá khó, phân hóa tốt và bám sát với thực tế.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tiền Phong, hầu hết các thí sinh đều cảm thấy nhẹ nhõm, khá thoải mái trong buổi thi đầu tiên do đề khá dễ.
Cấu trúc đề thi được chia làm 3 câu. Câu 1 yêu cầu về phần đọc - hiểu, câu 2 là đoạn văn khoảng 500 chữ về một đề tài nghị luận. Phức tạp nhất là câu cuối, được phân ra 2 đề cho thí sinh tự chọn. Trong đó, phần 1 là phân tích hai khổ thơ trong bài "Sang thu" của tác giả Hữu Thỉnh; phần 2 là một đề mở liên quan đến kiến thức, tư duy và trải nghiệm riêng của thí sinh.
Em N.N.N (học sinh trường Quốc tế Á Châu) cho biết: "Đề không thực sự quá khó đối với em. Vì đề 1 ra bài "Sang thu", em không học trúng tủ nên quyết định làm đề 2 là đề mở. Em tự tin mình có thể hoàn thành tốt, ít nhất cũng sẽ được 6-7 điểm".
Giáo viên Đ.T.O (40 tuổi, giáo viên ngữ văn Trường Quốc tế Quy Nhơn), nhận xét đề thi có tính phân loại, phân hóa tốt, yêu cầu học sinh có năng lực ngôn ngữ và diễn đạt. Độ khó vừa phải, học sinh với năng lực trung bình có thể kiếm điểm được, nếu đọc thật kỹ đề thi.
Ngoài ra, cấu trúc đề thi giống cấu trúc đề năm 2020-2021. Dự đoán về đáp án của đề, cô cho rằng, ở câu 1, trong văn bản 1, ông Henry Chabert đã viết về lịch sử phát triển của TPHCM (câu chủ đề nằm ở ngay đầu đoạn văn).
Phép liên kết được sử dụng trong hai câu đầu của văn bản 2 là phép đồng nghĩa (hữu hạn = có giới hạn) hoặc phép lặp (cuộc đời, thời gian).Tiếp đó, thông điệp của văn bản 1, trân trọng quá khứ (lịch sử phát triển lâu dài TP. HCM); thông điệp của văn bản 2 là trải nghiệm trong hiện tại (sống trọn vẹn từng phút giây, học thêm nhiều thứ để tạo dựng cuộc sống hạnh phúc).
Riêng câu số 2, đề yêu cầu bày tỏ rõ ràng quan điểm, quan tâm đến “việc học hỏi từ quá khứ” hay “trải nghiệm trong hiện tại” hơn. Đồng thời, lý giải một cách hợp lý vì sao em chọn điều đó.
“Đây là bài văn lớn nên thí sinh cần phải phân chia thời gian hợp lý mới có thể làm tốt. Phần nghị luận văn học rất nhân văn khi cho phép thí sinh chọn một trong hai, đề đóng hoặc đề mở. Nếu học sinh không học tốt hoặc không cảm nhận tốt bài "Sang thu" thì rất dễ không đánh giá đúng năng lực của em ấy, vì bên cạnh "Sang thu" còn đến tận 15 tác phẩm khác” , thầy C.M.Đ giáo viên ngữ văn một trường THPT ở quận 6 chia sẻ.
Về mối liên kết giữa đề nghị luận xã hội và đề mở nghị luận văn học khi đều đề cập đến vấn đề “thời gian”, nhiều giáo viên và thí sinh đánh giá đề ra rất sát với thực tế giới trẻ hiện nay. “Các bạn trẻ hiện đại đang có xu hướng sống nhanh, sống vội, sống gấp nên vô tình bỏ quên rất nhiều thứ. Và đề thi đã khuyến khích các em thêm trân trọng thời gian, từ đó góp phần thành công trong cuộc sống.