Để Thủ đô phát triển xứng tầm
Sáng 12-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về 'Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội'. Bày tỏ sự đồng thuận, nhất trí cao, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, việc áp dụng cơ chế đặc thù với thành phố Hà Nội không chỉ đáp ứng những nhu cầu phát sinh trong thực tiễn mà còn giúp Thủ đô phát huy được tiềm năng, thế mạnh vốn có, phát triển xứng tầm với vị thế Thủ đô của cả nước.
Giảm “sức ép” cho Thủ đô
Theo Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn ở mức cao, hằng năm đều tăng gấp 1,3 - 1,5 lần so với trung bình cả nước; là động lực thúc đẩy sự phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách của cả nước.
Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa và tình trạng gia tăng dân số cơ học nhanh đã gây “sức ép” lớn đối với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển... Vì vậy, trong khi chờ tổng kết để sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012, Chính phủ trình Quốc hội ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù khác so với một số luật hiện hành để phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Hà Nội.
Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường bày tỏ sự thống nhất cao; cho rằng Nghị quyết được thông qua sẽ góp phần tăng nguồn lực, quyền chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển Thủ đô trong điều kiện mới.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phát biểu tại hội trường sáng 12-6.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đã bày tỏ đồng tình với đề xuất như Nghị quyết, bởi trong đó có 7 cơ chế Quốc hội đã thông qua cho thành phố Hồ Chí Minh trước đây, chỉ có 2 cơ chế khác biệt. “Hà Nội xin sử dụng kinh phí chi thường xuyên còn dư để đầu tư cho công trình cấp bách, nghĩa là dùng tiền tiết kiệm chi thường xuyên cho chi đầu tư. Đây là chính sách đang khuyến khích thì không lý do gì chúng ta không đồng tình. Hai là cơ chế sử dụng ngân sách thành phố để hỗ trợ địa phương khác trong điều kiện khó khăn - đây là tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, nên cũng không có gì khó khăn”, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.
Theo đại biểu, 7 cơ chế còn lại Quốc hội đã thông qua cho thành phố Hồ Chí Minh và đang áp dụng tốt, như: Xin được tự quyết điều chỉnh phí, lệ phí hoặc thêm phí mới chưa có trong Luật Phí và lệ phí thì có thể tạo ra dịch vụ tốt hơn ở một số khu vực. Với cơ chế cho phép Hà Nội được hưởng tiền thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn thuộc các doanh nghiệp mà thành phố quản lý, thực chất tại Luật Ngân sách cũng quy định nguồn thu về vốn từ các doanh nghiệp mà địa phương quản lý thì thuộc ngân sách địa phương… Vì vậy, việc thông qua Nghị quyết là phù hợp và góp phần thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý, khuyến khích để cổ phần hóa được giá trị nhiều hơn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) phát biểu tại hội trường sáng 12-6.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) đề xuất, việc xây dựng cơ chế, chính sách là quan trọng, song không nên dùng từ “đặc thù” trong dự thảo Nghị quyết. Chính sách cho địa phương nào thì nên ghi cụ thể cho địa phương đấy và việc bỏ cụm từ “đặc thù” thì cũng không gây ảnh hưởng gì đến nội dung Nghị quyết…
Cần giải pháp tổng thể để Thủ đô phát triển bền vững
Bày tỏ sự ủng hộ việc ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù với Hà Nội, các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất làm rõ những cơ chế đặc thù với Thủ đô.
Theo đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Đoàn Hải Dương), mục đích của việc trao các cơ chế, chính sách đặc thù này cho Hà Nội là nhằm tăng nguồn tiền cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến người dân trước các quyết định về cơ chế, chính sách có tác động trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp như thẩm quyền quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí…
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Đoàn Hà Tĩnh) cũng cho rằng, cơ chế đặc thù sẽ mở ra điều kiện để Hà Nội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cơ chế này không chỉ giúp phát huy thế mạnh của địa bàn, tạo sự chủ động cho địa phương mà còn là cách tiếp cận mới: "Thực sự nhiều tỉnh năng động người ta cũng muốn bung ra lắm, nhưng mà luật chúng ta cũng khép chặt. Khép chặt có cái đúng là để quản lý, nhưng phải tạo cơ hội để khơi dậy, phát huy được tiềm năng nguồn lực của mỗi địa phương", đại biểu phân tích.
Đại biểu Quốc hội Mai Hồng Hải (Đoàn Hải Phòng) phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Đại biểu Quốc hội Mai Hồng Hải (Đoàn Hải Phòng) cũng cho rằng, áp dụng cơ chế đặc thù sẽ tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển mạnh hơn thông qua việc: Thêm danh mục thuế, lệ phí ngoài Luật Phí và lệ phí đã có; tăng mức tỷ lệ thu phí, lệ phí ngoài quy định của luật; HĐND thành phố được quyền quyết định các loại phí, lệ phí và trần nợ công... Mục đích của việc trao các cơ chế, chính sách đặc thù này cho Hà Nội là nhằm tăng nguồn đầu tư, giúp Hà Nội phát triển xứng tầm với vị thế Thủ đô.
Tuy nhiên, theo đại biểu, một số cơ chế, chính sách trong Nghị quyết chưa phù hợp, chưa tương xứng, thậm chí chưa bằng so với cơ chế ban hành đối với thành phố Hồ Chí Minh. Đại biểu đề xuất, đầu tư cho Thủ đô Hà Nội cần mang tính toàn diện, cơ chế, chính sách thực sự tạo được đột phá đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số các đại biểu đồng tình với việc ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội để tạo động lực phát triển cho thành phố. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn chỉnh Nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/969898/de-thu-do-phat-trien-xung-tam