Để thương hiệu trái cây D'ran phát huy giá trị

Thị trấn D'ran (Đơn Dương) là địa phương có điều kiện phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái, trong đó có nhiều loại đã được xây dựng nhãn hiệu như hồng D'ran, dứa Cayenne... Những mùa cây trái ngọt sẽ đi xa hơn nếu tiếp tục là mối quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, cùng với đó là sự nhanh nhạy của doanh nghiệp và người dân, để tên 'đặc sản trái cây D'ran' có chỗ đứng ổn định trên thị trường cạnh tranh đang có nhiều sự lựa chọn hiện nay.

Nông sản đặc sản D’ran được thị trường đón nhận

Nông sản đặc sản D’ran được thị trường đón nhận

Những người làm nông nghiệp ở D’ran có một niềm tự hào rằng: Bất cứ loại trái cây gì bén rễ trên mảnh đất này đều trở thành đặc sản. Thế nhưng trên thực tế, khi sản lượng những loại trái cây như hồng, dứa cayene, chuối… tăng cao khi vào mùa, giá cả lại bấp bênh khiến mối lo đầu ra ổn định cho sản phẩm luôn thường trực đối với người nông dân.

Qua đó, D’ran đang từng bước xây dựng lộ trình kêu gọi đầu tư các doanh nghiệp chế biến, xây dựng sản phẩm OCOP để từng bước nâng cao giá trị, Công ty TNHH Nông sản Đa Nhim là một ví dụ điển hình. Anh Lê Quốc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Đa Nhim cho biết, hiện nông dân ở D’ran hối hả bước vào cuối vụ thu hoạch hồng chín. Sau nhiều năm quay lưng lại với cây hồng vì giá cả sụt giảm thì bây giờ nhờ vào các công nghệ chế biến như treo, sấy điện, than… đã tạo thành sản phẩm đặc trưng, giá trị của cây hồng không ngừng được nâng lên.

Không chỉ có cây hồng ở D’ran đang “sống lại” mà nhờ vào công nghệ sấy, những sản phẩm như dứa Cayenne, chuối sấy… thật sự đem lại giá trị cao. Quy trình chế biến này đòi hỏi công nghệ, thiết bị phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sản phẩm giữ được độ tươi ngon sau chế biến.

Qua đó, sản phẩm Hồng sấy dẻo của công ty đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, từng bước khẳng định thương hiệu, và từng ngày chiếm lĩnh trên thị trường thực phẩm cả trong lẫn ngoài nước. Hiện tại, công ty thu mua gần 200 tấn hàng nông sản gồm chuối, hồng, dứa Cayenne của nông dân D’ran để sấy khô. Sản phẩm của công ty được tiêu thụ rộng rãi ở một số thị trường lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt…

Theo đánh giá, công nghệ sấy phù hợp với điều kiện của địa phương D’ran, giá trị tăng lên từ 8 - 10 lần. Công nghệ sấy này cũng được bà con nông dân D’ran học hỏi và làm tương đối hiệu quả. Bà Trương Thị Hiền ở thôn Ha Ma Sing, một người đã trồng dứa Cayenne hàng chục năm qua chia sẻ, từ khi lấy chồng về vùng D’ran này, bà đã gắn bó cuộc đời mình với cây dứa, dứa có thời điểm được ưa chuộng và giá tăng cao, gia đình bà có của ăn của để. Dù có những thời điểm, diện tích tăng và đầu ra giảm sâu, nhưng gia đình bà vẫn cố bám trụ với loại cây trồng đặc sản này. Để từng bước nâng cao giá trị cho sản phẩm, gia đình bà đầu tư hệ thống sấy điện, một phần bán trái tươi cho thương lái, một phần sấy khô. Nhờ vậy mà nông sản làm ra của gia đình tiêu thụ được hết. Có thời điểm chỉ trong vòng 2 ngày, bà thu được 2,8 tấn dứa, thu nhập khoảng 28 triệu đồng.

Việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp, cơ sở của người dân tham gia vào khâu chế biến, bảo quản nông sản trên địa bàn D’ran là một tín hiệu rất lạc quan giúp giữ được chất lượng, nâng cao và phát huy thương hiệu nông sản. Ông Đinh Văn Hoàng - Chủ tịch UBND thị trấn D’ran cho biết: “Để đưa nhãn hiệu trái cây D’ran đi xa hơn và phát huy giá trị lợi nhuận lớn cho nông dân, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng Đề án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm dứa Cayenne và hồng ăn trái D’ran”. Từ đây, nâng cao uy tín thương hiệu, từng bước mở rộng diện tích, tiến đến quy hoạch vùng nguyên liệu cho chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Các nhãn hiệu này sẽ cấp cho những cá nhân hoặc tổ chức có hoạt động về sản xuất, chế biến, kinh doanh trực tiếp những mặt hàng này.

Ngoài ra, để phát huy giá trị thương hiệu nông sản của địa phương, thị trấn đã khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể quy mô nhỏ, các doanh nghiệp đầu tư khâu chế biến nông sản để giá cả ổn định, đầu ra sản phẩm tốt. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn D’ran, ngoài Công ty TNHH Nông sản Đa Nhim còn có hàng chục cơ sở của nông dân áp dụng công nghệ sấy với nhiều loại đặc sản, giúp giải quyết tồn ứ sản phẩm và kéo dài thời gian bảo quản cũng như gia tăng giá trị các loại nông sản đặc trưng.

PHONG VÂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202012/de-thuong-hieu-trai-cay-dran-phat-huy-gia-tri-3036377/