Để thương mại vùng sâu, vùng xa không còn 'xa'
Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, hướng đến mục tiêu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại khu vực này đạt mức tăng trưởng 9 - 11% mỗi năm.
Thời gian qua, với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, hoạt động sản xuất tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đang tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị, được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, không chỉ đáp ứng nhu cầu tại địa phương mà còn được đẩy mạnh tiêu thụ trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm đặc sản như nhãn Sông Mã, vải Lục Ngạn, xoài tròn Yên Châu… đã được chú trọng phát triển thương hiệu và xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính nhất thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, châu Âu, góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, theo ông Mai Thanh Thảo, đại diện Cục kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong quá trình phát triển thương mại khu vực miền núi vùng, sâu vùng xa và hải đảo, không ít địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
"Nông sản Việt Nam như một cô gái đẹp nhưng không biết quảng bá như thế nào và việc giới thiệu sản phẩm đang tồn tại như vậy. Chúng ta làm ra sản phẩm đẹp, chất lượng tốt nhưng chúng ta không biết xúc tiến thương mại, không biết giới thiệu sản phẩm, không biết bán ở đâu thì những sản phẩm đấy cũng không mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất. Chính vì vậy, công tác xúc tiến thương mại là một trong những khâu rất quan trọng".
Thời gian tới, để thúc đẩy các hoạt động thương mại khu vực miền núi vùng, sâu vùng xa và hải đảo, kết nối hiệu quả việc đưa sản phẩm vùng miền tới gần người tiêu dùng trong nước và ngoài nước, bà Nguyễn Thị Hương, đại diện Cục Công thương địa phương, Bộ Công Thương cho rằng, cần xây dựng thêm cơ sở dữ liệu thông tin cho nông sản vùng đồng bào dân tộc và miền núi, xây dựng hệ thống phân phối bài bản, thường xuyên, liên tục có tính điều phối vùng miền để phát triển thương mại miền núi, hải đảo bền vững. Bên cạnh kết nối doanh nghiệp với doanh nghiêp, chúng ta cần tập trung điểm mới đó là kết nối cho doanh nghiệp phân phối đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nông sản có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ, bước đầu hình thành những chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững.