Để Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam?
Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam là một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Tỉnh ủy Tiền Giang.
Để đạt được mục tiêu cho chặng đường tới, Tiền Giang cũng đã đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể như: Tăng trưởng kinh tế (GRDP giá so sánh năm 2010) bình quân 7,0% - 7,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 91,5 - 93,5 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 4,5 tỷ USD; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 đạt 77.000 tỷ đồng (năm 2025 đạt 18.700 tỷ đồng), phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang tự cân đối ngân sách…
Đây là những con số không dễ dàng đạt được nếu như không có sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành. Và nếu như đạt được các chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025 mới mong Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong Vùng KTTĐ phía Nam. Và đó cũng là một chặng đường mới của Tiền Giang cần hướng đến.
Thật ra, để trở nên ngang tầm với các tỉnh, thành trong Vùng KTTĐ phía Nam đã là điều không dễ dàng, chưa tính đến là một tỉnh phát triển. Thực tế vừa qua cho thấy, vai trò của Vùng KTTĐ phía Nam là rất quan trọng trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, trong đó có vai trò, vị thế của Tiền Giang.
Bởi theo Quyết định 252/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển Vùng KTTĐ phía Nam, trong đó đã giao nhiệm vụ tiểu vùng Tây Nam bao gồm 2 tỉnh Tiền Giang và Long An có vai trò là cầu nối giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Vùng KTTĐ phía Nam trong đảm bảo an ninh lương thực, tham gia xuất khẩu và phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ.
Và để khẳng định vị trí cầu nối liên vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Vùng KTTĐ phía Nam theo quy hoạch vùng, từ năm 2018 Tiền Giang cũng đã chính thức tham gia 2 tiểu vùng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là Tiểu vùng Đồng Tháp Mười và Tiểu vùng Duyên hải phía Đông với mục tiêu cùng hướng tới là biến các tiểu vùng này trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu…
Thời gian qua, để thực hiện có hiệu quả các nội dung trong liên kết vùng, nhiều mục tiêu, kế hoạch của Tiền Giang cũng đã được đặt ra, với nhiều dự án, nội dung cụ thể, chẳng hạn như: Dự án Kinh Chợ Gạo, Dự án 5 kinh Bắc Quốc lộ 1, Dự án Nâng cấp đê biển và ngọt hóa Gò Công, Bệnh viện Đa khoa cấp tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa… Các dự án đầu tư này cũng đã và đang dần được tính toán, triển khai thực hiện. Điểm đáng chú ý là Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh có quy mô 1.000 giường đang được triển khai xây dựng với tiến độ đạt xấp xỉ 50%...
Nhìn trong bức tranh tổng thể hơn, thông qua nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đã đưa Tiền Giang tiếp tục phát triển toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực và vươn lên nhóm đầu các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long với một số kết quả nổi bật như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 7,3%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 58,6 triệu đồng (tăng 22,7 triệu đồng so năm 2015). Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là trên 6.200 doanh nghiệp và tất cả các xã, phường, thị trấn đều có doanh nghiệp đang hoạt động.
Xuất khẩu của Tiền Giang cũng có bước phát triển mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt hơn 45.799 tỷ đồng, tăng bình quân gần 16%/năm, tạo nguồn lực đáng kể đưa vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa - xã hội và xây dựng nông thôn mới…
Và tất nhiên, để trở thành tỉnh phát triển trong Vùng KTTĐ phía Nam, Tiền Giang chắc chắn còn nhiều việc phải làm. Trong chặng đường phát triển sắp tới, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Nghĩa, bên cạnh tập trung thực hiện đồng bộ quy hoạch, phát triển doanh nghiệp, xây dựng nông thôn mới hay cải cách hành chính…, Tiền Giang sẽ tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trước hết là hạ tầng giao thông trọng điểm hướng vào đầu tư nâng cấp tải trọng một số tuyến đường trục hiện hữu, nâng cấp các tuyến đường trục, đường vành đai và đồng bộ với cầu giao thông có tải trọng cao, trước hết là ở các vùng chuyên canh cây ăn trái, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ bổ sung, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông của tỉnh theo hướng dọc trục Đông Tây với 3 trục cơ bản: Quốc lộ 1 nối với Quốc lộ 50; kinh Nguyễn Văn Tiếp cùng với kinh Chợ Gạo; đường tỉnh 864 nối dài, bắt đầu từ Quốc lộ 30 (huyện Cái Bè) và kết thúc tại huyện Gò Công Đông gắn với đường đê biển Gò Công, đường ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo quy hoạch chi tiết đường ven biển Việt Nam; chưa kể các trục giao thông kết nối với Quốc lộ 30 để đi tỉnh Đồng Tháp, tỉnh An Giang...; kết nối với Quốc lộ 1, Quốc lộ 60 để đi tỉnh Bến Tre, tỉnh Trà Vinh...; kết nối với Quốc lộ 50 và đường ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long…