Để tiền trường không là gánh nặng
Ngay khi bước vào năm học mới 2020-2021, Sở GD-ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng quy định đối với các khoản thu đầu năm. Theo đó, các trường chỉ được thu những khoản có trong quy định, tuyệt đối không được tự đặt ra các khoản thu khác nếu không có sự thỏa thuận với phụ huynh học sinh.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, trước ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19, ngành GD-ĐT và phụ huynh đang cùng nhau chia sẻ nhiều khó khăn để chăm lo tốt hơn cho học sinh. Các trường đã hạn chế tối đa việc huy động đóng góp để giảm gánh nặng cho phụ huynh…
* Chia sẻ khó khăn với phụ huynh
Sau ngày khai giảng năm học mới, Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ) đã tập trung hỗ trợ cho học sinh ổn định việc học tập theo nề nếp. Học sinh được nhà trường khuyến khích sử dụng sách giáo khoa cũ, đồng phục năm học trước cho năm học mới để giảm bớt tiền mua sắm của phụ huynh. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn còn được nhà trường vận động các nguồn tài trợ để hỗ trợ thêm, giúp học sinh bước vào năm học mới một cách trọn vẹn.
Ban giám hiệu nhà trường cho biết, nhà trường đã có kế hoạch họp phụ huynh nhưng chủ yếu là để thông báo kế hoạch năm học chứ không phải chỉ để thông báo các khoản thu. Nhà trường sẽ thực hiện đúng quy định về các khoản thu được phép gồm: học phí và thu hộ bảo hiểm y tế. Riêng quỹ phụ huynh sẽ do phụ huynh từng lớp thỏa thuận với nhau nhưng phải thực hiện trên tinh thần tự nguyện.
Xử lý nghiêm nếu nhà trường tự đặt ra các khoản thu trái quy định
Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết, Bộ GD-ĐT đã có quy định rõ những khoản được thu, chi trong trường học, hằng năm Sở GD-ĐT cũng có hướng dẫn cụ thể rõ ràng. Hơn nữa, năm học 2020-2021 diễn ra khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến không ít phụ huynh gặp khó khăn, do đó các nhà trường phải thật sự cân nhắc, tuyệt đối không được lạm thu tiền trường. Những học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn nhà trường phải nắm bắt và giúp đỡ, không được vì không có tiền đóng góp mà phải bỏ học. Sở GD-ĐT sẽ xử lý nghiêm nếu trường tự đặt ra các khoản thu trái quy định.
Cô Phạm Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) cho biết, đến nay nhà trường đã hoàn thành tổ chức đại hội để bầu Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường và các lớp. Các khoản đóng góp đầu năm được nhà trường thông báo cho phụ huynh từng lớp biết để chủ động chuẩn bị. Dù ở thành phố nhưng cũng có nhiều em hoàn cảnh khó khăn nên nhà trường chủ động hỗ trợ bằng cách xét miễn giảm học phí, mua tặng bảo hiểm y tế… Những học sinh nào chưa có tiền đóng đầu năm có thể thông báo để nhà trường chia thành nhiều đợt nhằm giảm bớt áp lực cho cả học sinh lẫn phụ huynh.
Trong khi đó, cô Phạm Thị Hải Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, số lượng học sinh của trường khá đông, 2,5 ngàn em, do đó chi phí thường xuyên hằng năm là rất lớn. Tuy nhiên, nhà trường chủ yếu sử dụng tiết kiệm từ nguồn kinh phí được cấp, bởi thực tế nhiều phụ huynh là công nhân cũng rất khó khăn. Việc thu quỹ phụ huynh ở trường là do Ban đại diện cha mẹ học sinh trường và lớp tự thỏa thuận mức thu. Vào cuối năm học, ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp công khai với phụ huynh năm học qua thu được bao nhiêu tiền, dùng vào việc gì để phụ huynh kiểm tra, giám sát.
* Trường được thu những khoản nào?
Theo nhiều cán bộ quản lý các trường trên địa bàn tỉnh, để nhà trường và phụ huynh không gặp phải khúc mắc về những khoản thu, nhà trường càng minh bạch thu - chi thì càng có lợi cho cả đôi bên. Có những khoản mà phụ huynh có thể “quyết” được nên để phụ huynh tự quyết thay vì nhà trường đứng ra “bao" việc.
Đối với quỹ phụ huynh, đây là khoản thu tự nguyện, nhà trường không can thiệp nhưng cũng cần kiểm soát, tránh việc ban đại diện cha mẹ học sinh tự đặt ra mức thu quá cao, khiến những phụ huynh có kinh tế khó khăn không thể “theo” được. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn cho ban đại diện cha mẹ học sinh sử dụng đúng các khoản quỹ phụ huynh, tránh gây khúc mắc cho các bậc phụ huynh khác.
Ông Đỗ Đăng Bảo Linh, Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính Sở GD-ĐT cho biết, Bộ GD-ĐT đã có quy định rất rõ ràng về những khoản mà nhà trường được phép thu trong năm học. Theo đó, các trường công lập chỉ được phép thu học phí theo quy định của UBND tỉnh, mức thu học phí tùy vào từng cấp học. Nhà trường còn được phép thu tiền dạy thêm nếu có, đồng thời được thu hộ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, nhà trường được thu những khoản tiền sau: tiền bán trú và chăm sóc bán trú, tiền trang thiết bị phục vụ bán trú, tiền mua học phẩm với trẻ lớp mầm non, tiền vệ sinh, tiền nước uống, tiền đồng phục học sinh, quần áo thể thao, phù hiệu trường, thẻ học sinh... Tuy nhiên, những khoản thu này khi tiến hành thu nhà trường phải có sự đồng thuận và tự nguyện của phụ huynh.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhiều năm được bầu là Trưởng ban Đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) cho biết, Ban đại diện cha mẹ học sinh ở trường phải hiểu đúng vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của mình trong nhà trường, hỗ trợ nhà trường trong giáo dục con em nhưng không để bị "cuốn" vào tiền bạc không đúng quy định. Việc thu nộp quỹ phụ huynh phải thực sự dựa trên mặt bằng kinh tế của số đông phụ huynh, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm để biết trường hợp phụ huynh nào khó khăn để có chính sách miễn giảm kịp thời. Quan trọng hơn là tính công khai, minh bạch trong quá trình thu và chi. Nếu thu hợp lý, chi đúng việc, khuyến khích được con em chăm ngoan học giỏi thì không phụ huynh nào có ý kiến thắc mắc hay băn khoăn khi đóng quỹ.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202009/de-tien-truong-khong-la-ganh-nang-3022273/