Để tiền vào đâu sau khi chốt lời vàng?
Theo chuyên gia tài chính, danh mục đầu tư cần đa dạng sản phẩm để thanh khoản tốt, tăng hiệu suất lợi nhuận, quản trị rủi ro và tương thích với các mục tiêu.
Thời gian qua, giá vàng miếng SJC liên tục lập đỉnh mới rồi lại sụt giảm mạnh.
Theo đánh giá của chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Trần Thị Mai Hân, Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản FIDT, giá vàng vẫn còn khả năng tăng trưởng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, mặt hàng này lại tiềm ẩn rủi ro từ biến động chính sách điều chỉnh của Nhà nước.
“Việc một bộ phận nhà đầu tư đã chốt lời thành công vàng miếng SJC trong giai đoạn giá cao vừa qua là quyết định đúng đắn”, bà Hân nhận định.
Cần đảm bảo an toàn trước khi đầu tư
Vị chuyên gia này cho rằng trong 3 trụ cột về tài chính gồm kiếm tiền, quản lý tiền và bảo vệ tiền, thì trụ cột bảo vệ tiền cần được xác lập trước khi lên kế hoạch đầu tư. Nếu nhà đầu tư đã chốt lời thành công từ việc bán vàng, đừng vội dùng toàn bộ số tiền đang có vào việc đầu tư nếu chưa có những khoản bảo vệ tài chính.
Bởi lẽ, việc thiếu công cụ bảo vệ an toàn tài chính sẽ khiến nhà đầu tư gặp rủi ro kép. Đó là bất trắc gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe hay tính mạng, đồng thời thiệt hại trong đầu tư khi phải thanh lý tài sản để xử lý các bất trắc kể trên.
"Nhà đầu tư cần trang bị đầy đủ các loại bảo hiểm, bởi việc chỉ đầu tư mà không quan tâm đến bảo hiểm cũng giống như ra trận mà không có áo giáp.
Khi rủi ro, bất trắc xảy ra, bảo hiểm là kênh cung cấp tài chính để khắc phục, hạn chế việc thanh lý bất ngờ tài sản đang đầu tư dài hạn dẫn đến hiệu suất đầu tư không đạt kì vọng”, chuyên gia tài chính Mai Hân chia sẻ.
Bà khuyến nghị nhà đầu tư dành 5-8% thu nhập để tham gia bảo hiểm và các sản phẩm bổ trợ. Cùng với đó, cần xây dựng quỹ dự phòng cho 6-12 tháng chi phí sinh hoạt thiết yếu và trả khoản vay ngân hàng nếu có, để đảm bảo cho các nhu cầu đột xuất trong chi tiêu, khám chữa bệnh.
Mức lập dự phòng tùy thuộc vào tính ổn định của thu nhập cao hay thấp, đã có sẵn bảo hiểm hay chưa, có nhiều người phụ thuộc về tài chính hay không. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần có phương án dự phòng cho kịch bản tiêu cực như thu nhập đột ngột giảm sút, chi phí tăng mạnh.
"Kênh tiền gửi tiết kiệm hiện có lãi suất thấp hơn cả mức lạm phát, khiến cho việc đầu tư vào kênh này kém hiệu quả và vẫn làm bào mòn tài sản. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần duy trì tiền gửi tiết kiệm trong danh mục đầu tư (chiếm 5-10% giá trị tài sản) bởi tính thanh khoản và an toàn cao. Đây cũng là bước đệm để các nhà đầu tư dễ dàng tái cơ cấu tài sản phù hợp với diễn biến thị trường", bà Mai Hân nhấn mạnh.
Đầu tư gì để sinh lời trong thị trường hiện nay?
Thực tế, trong bối cảnh kinh tế hiện tại khi lãi suất tiền gửi thấp kỷ lục, thị trường cổ phiếu chưa xác lập rõ xu hướng, còn trái phiếu trầm lắng, việc chọn sản phẩm dành cho nhà đầu tư cá nhân cũng trở thành vấn đề nan giải.
Chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân Nguyễn Kim Liên, nhà sáng lập Amy Advise cho rằng việc lựa chọn kênh đầu tư còn tùy thuộc vào kỳ hạn, kiến thức và khẩu vị rủi ro. Nếu chỉ đơn thuần dựa trên biến động thị trường của các loại tài sản để cơ cấu danh mục thì rất có thể "ăn được sóng vàng" rồi lại vấp ngã với cơn sóng khác.
"Bối cảnh hiện giờ đang khá giống thời kì 2019-2020. Giá vàng tăng cao đi kèm với các rủi ro địa chính trị, trong khi mặt bằng lãi suất còn thấp hơn cả thời kỳ Covid-19.
Có thể thấy, ý chí của nhà điều hành khá rõ ràng trong việc muốn thúc đẩy hồi phục nền kinh tế. Điều quan trọng bây giờ là khả năng hấp thụ của các doanh nghiệp có tồn tại và trụ vững qua giai đoạn này hay không", bà Liên nói.
Theo bà Kim Liên, những dấu hiệu trên đang báo hiệu khởi đầu một chu kỳ mới của kênh chứng khoán. Mặt khác, giai đoạn chứng khoán lình xình lại rất tốt để nhà đầu tư trau dồi kiến thức và tích lũy vốn để lựa chọn cách thức tham gia vào kênh đầu tư này.
"Số liệu của thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy tỷ suất tăng trưởng trung bình của các quỹ đầu tư chuyên nghiệp vẫn đạt tới 10-15%/năm, thậm chí có quỹ vẫn đạt 30% trong năm nay. Vậy nên, đây vẫn là cơ hội lớn đối với kênh chứng khoán, các nhà đầu tư cần nhìn nhận nghiêm túc và lựa chọn cách thức tham gia phù hợp", nhà sáng lập Amy Advise đưa lời khuyên.
Đồng ý với quan điểm này, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT FinPeace đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 sẽ hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội đầu tư tốt khi bắt đầu bước vào giai đoạn đầu tiên của chu kỳ tăng giá.
Ông Tuấn Anh cho rằng năm 2024 là thị trường sẽ có 2 giai đoạn tích cực rõ ràng. Đầu tiên là từ giữa đến cuối tháng 4/2024, sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I.
Thứ hai là giai đoạn cuối năm khi sự tự tin của nhà đầu tư về thị trường quay trở lại. Những mã cổ phiếu trụ cột về vùng sâu dưới định giá sẽ là nòng cốt cho đợt tăng trở lại của VN-Index.
"Nhà đầu tư có thể lựa chọn các doanh nghiệp đứng đầu ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ, hoặc có tệp khách hàng chủ yếu là khách hàng cá nhân", ông Tuấn Anh đưa nhận định.
Chuyên gia tài chính Mai Hân cho rằng chứng chỉ quỹ cũng là một kênh đầu tư hấp dẫn, phù hợp với nhà đầu tư cá nhân và các gia đình trẻ có vốn ở mức trung bình thấp.
"Tỷ trọng cho kênh chứng chỉ quỹ theo độ tuổi có thể ở mức '100 - số tuổi'. Ví dụ, nhà đầu tư 35 tuổi có thể dành tỷ trọng 65% tài sản cho chứng chỉ quỹ. Cách thức đầu tư phù hợp là đầu tư tích sản, mua rải đều nhiều đợt đặc biệt phù hợp khi đầu tư cho thặng dư từ thu nhập hàng tháng", bà Mai Hân đưa thêm lời khuyên.
Ngoài ra, trong trường hợp nhà đầu tư đã thu hồi được khoản tiền lớn từ việc bán số lượng vàng lớn, thì đầu tư vào bất động sản cũng rất tiềm năng.
Chuyên gia Tuấn Anh và Mai Hân nhận định, trong bối cảnh hiện tại, các nhà đầu tư nên chọn phân khúc bất động sản dân sinh hiện hữu ở các tỉnh hoặc ven các thành phố lớn, hoặc hay bất động sản mặt đất có nhu cầu ở thực, đảm bảo pháp lý.
Nguồn Znews: https://znews.vn/de-tien-vao-dau-sau-khi-chot-loi-vang-post1451945.html