Để tiêu thụ con nuôi đặc sản bền vững
Tỉnh Thanh Hóa với nhiều vùng địa hình và thổ nhưỡng, thuận lợi cho việc phát triển nhiều con nuôi đặc sản từ đồng bằng tới miền núi. Từ nhu cầu của thị trường, nhất là sự gia tăng của các nhà hàng những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, phát triển mô hình nuôi con đặc sản nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Mô hình nuôi dê tại xã Cán Khê (Như Thanh).
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, tổng con nuôi đặc sản trên địa bàn tỉnh khoảng 1,7 triệu con, với khoảng 1.000 hộ dân được cấp phép nuôi con đặc sản. Đối tượng con nuôi đặc sản được phổ biến hiện nay là lợn mán, lợn rừng, vịt Cổ Lũng, ba ba, gà Đông Cảo, thỏ, dê, nhím... Nhiều mô hình đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, như: Mô hình nuôi ba ba, rùa câm tại xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa); mô hình nuôi đà điểu tại huyện Vĩnh Lộc; mô hình nuôi dê ở huyện Hà Trung; nuôi thỏ tại các huyện Quảng Xương, Triệu Sơn, Thọ Xuân; mô hình nuôi nhím tại các huyện Thạch Thành, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc và TP Thanh Hóa.
Theo các hộ chăn nuôi, việc phát triển các mô hình con nuôi đặc sản mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với các con nuôi truyền thống. Sở hữu hàng chục ha đồi trồng cây keo đang phát triển, anh Nguyễn Quang Hiếu, xã Phượng Nghi (Như Thanh) tận dụng bóng mát đồi keo để phát triển chăn nuôi. Ngoài đàn bò với 30 con, anh phát triển thêm đàn lợn cỏ gần 200 con, đàn dê gần 50 con và gà đồi. Trong thời gian chờ cây keo đến tuổi thu hoạch, mỗi năm gia đình anh Hiếu có thu nhập thêm hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động. Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Thanh, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện đã phát triển nhiều mô hình trang trại kết hợp con nuôi đặc sản, như: Trồng cây keo - dê, keo - gà đồi, rừng luồng - lợn,... cho thu nhập cao, giúp nhân dân ổn định cuộc sống và khai thác tối đa tiềm năng các vùng đồi.
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu con nuôi có giá trị kinh tế cao, từ một số mô hình điểm ban đầu, xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa) đã tổ chức cho các hộ dân tham quan, du nhập và đầu tư phát triển các mô hình con nuôi đặc sản, như: Ba ba, rùa, rắn, nhím. Sau nhiều năm nhân cấy, duy trì phát triển, đến nay, xã Thiệu Hợp đã có 177 hộ con nuôi đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế. Để tiêu thụ được các con nuôi này với giá ổn định và sản lượng đều, các hộ dân đã trực tiếp liên hệ với các nhà hàng trên địa bàn TP Thanh Hóa và các địa bàn lân cận.
Tuy con nuôi đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng vấn đề tiêu thụ sản phẩm lại chưa thực sự ổn định. Nguyên nhân là do phần lớn các con nuôi này được tiêu thụ tự do trên thị trường. Hầu như chưa có mô hình con nuôi đặc sản liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ với sản lượng lớn và bền vững. Do đó, nếu người dân phát triển các mô hình nuôi con đặc sản tự phát, không có định hướng tiêu thụ thì hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí thua lỗ. Hiện nay, một số mô hình con nuôi phát triển ổn định được qua thời gian dài là do các hộ dân tự tìm kiếm, liên kết với các nhà hàng, các khu du lịch để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm với sản lượng đều.
Tại đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thanh Hóa xác định con nuôi đặc sản là 1 trong 7 sản phẩm vật nuôi chủ lực của tỉnh. Theo đó, nhiều địa phương đã xây dựng những chính sách hỗ trợ phát triển con nuôi đặc sản nguồn gốc bản địa, như: Huyện Bá Thước nhân rộng mô hình sản phẩm vịt Cổ Lũng; huyện Như Xuân với sản phẩm vịt bầu Thanh Quân, gà đồi... Tuy nhiên, một số mô hình chưa chú trọng đến liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, để duy trì, phát triển bền vững đối tượng con nuôi đặc sản, ngành nông nghiệp cần phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển đối tượng con nuôi đặc sản theo định hướng và gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, cần tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi nhằm giúp người dân nắm chắc kỹ thuật, phát triển con nuôi đặc sản chất lượng, hướng tới tiêu thụ ổn định.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/de-tieu-thu-con-nuoi-dac-san-ben-vung/115706.htm