Đề Toán vào 10 bị in mờ, HS hiểu nhầm, phụ huynh kiến nghị Sở GD Hà Nội xem xét
Theo nhiều phụ huynh, việc đề thi bị in mờ dẫn tới học sinh bị nhầm, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.
Ngày 11/6, học sinh lớp 9 Hà Nội thi môn Toán kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Tại một số điểm thi, đề thi môn Toán bị mờ phần gạch chân phân số.
Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh, việc in đề bị mờ dẫn tới học sinh bị nhầm, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh, đặc biệt trong bối cảnh cuộc đua vào lớp 10 công lập hiện rất căng thẳng.
Sáng ngày 12/6, nhiều vị phụ huynh đã có mặt tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để nộp đơn kiến nghị, đề nghị sở xem xét, ghi nhận đáp án và tính điểm cho những học sinh có đề thi mắc lỗi in ấn.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Lê Thị Thu Hà – phụ huynh của một thí sinh vừa tham gia kỳ thi vào lớp 10 tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) cho biết, hôm qua, con thi môn Toán, đề thi gặp phải tình trạng bị mờ, dấu gạch chân phân số nhưng con nhầm là dấu âm nên hiện giờ con rất buồn và lo lắng.
Các phụ huynh cùng có con cũng làm nhầm vì đề thi bị in mờ đã làm đơn kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giải quyết.
“Các con bỏ công sức ra ôn thi rất nhiều, phụ huynh mong muốn Sở có hướng giải quyết ổn thỏa, đảm bảo công bằng cho các em.
Thi xong, con tính được 7 điểm toán, nhưng vì lỗi đề in bị nhầm, nếu bài toán đó không được công nhận kết quả, con sẽ bị trừ điểm. Điều này rất đáng tiếc.
Lỗi in ấn như vậy ảnh hưởng đến kết quả của các con, cuộc thi vào lớp 10 công lập rất căng thẳng, áp lực, dù chỉ 0,25 điểm cũng là cả một vấn đề. Vì vậy, chúng tôi rất mong Sở sẽ có phương án giải quyết sự cố này sao cho công bằng với thí sinh.
Từ sự việc này cũng sẽ là kinh nghiệm cho việc tổ chức thi những lần sau”, chị Hà chia sẻ.
Chung nỗi niềm đó, anh Vũ Công Mạnh, phụ huynh của một thí sinh tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát cho hay, sau khi kết thúc thi môn Toán, con gái cũng chia sẻ rằng làm theo dấu âm vì đề bị in mờ.
“Phụ huynh chúng tôi mong muốn Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ công nhận kết quả bài toán đó, nếu các con nhầm đề mà vẫn làm đúng kết quả, để đảm bảo công bằng.
Nếu không công nhận kết quả cho thí sinh thì sẽ thật thiệt thòi cho các con. Điểm số nó là cả quá trình học tập, nếu vì lỗi in ấn đề thi mà các con mất cơ hội đỗ vào trường thì rất đáng buồn. Tôi tin phụ huynh nào cũng có suy nghĩ như vậy.
Điểm số cách nhau một ly đôi khi cũng đã thay đổi kết quả thi tuyển rồi, em nào cũng mong vào được trường trung học phổ thông như mong muốn.
Để xảy ra sự cố in ấn thật đáng tiếc. Tôi đã có đơn cùng các phụ huynh gửi lên Sở để mong được giải quyết vấn đề này”, anh Mạnh chia sẻ.
Chia sẻ vấn đề này, thầy Trần Mạnh Tùng - Giáo viên dạy Toán tại Hà Nội nêu quan điểm: Trước hết, phải khẳng định rằng, lỗi chủ yếu là của học sinh do kỹ năng đọc, phân tích đề bài của học sinh kém. Nếu hiểu có dấu trừ đằng trước thì tử số là số 2 và mẫu số là x – 3 sẽ không nằm vào chính giữa dấu gạch ngang nữa.
Đây là kỹ năng quan trọng mà học sinh sẽ cần phải rèn luyện thêm để tránh các sai sót trong học tập và cả trong đời sống.
Bên cạnh đó, để gây hiểu nhầm về dấu – thì cũng có lỗi của đơn vị in ấn (thường là một trường trong cụm thi). Ngay sau khi in những bản đầu tiên, cần rà soát rất kĩ các lỗi có thể mắc để tránh hiểu sai cho người đọc đề.
"Tôi cũng rất chia sẻ và đồng cảm với sự lo lắng của các em học sinh và các phụ huynh. Môn Toán nhân 2 nên nếu bỏ câu này thì sẽ bỏ đi 2 điểm. Trong cuộc cạnh tranh vào 10 rất áp lực như năm nay, 2 điểm là một con số rất lớn.
Mặc dù lỗi ở cả 2 phía song ở thời điểm này, các em học sinh lại không thể sửa sai được. Tôi đề nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức chấm theo cả 2 phương án: Dấu + và dấu – để tránh thiệt thòi cho các em học sinh.
Việc này cũng không làm mất công bằng cho các thí sinh khác vì kỹ năng để giải hệ phương trình đó vẫn không thay đổi (vẫn đặt ẩn phụ rồi dùng phương pháp cộng hoặc thế) và số thí sinh gặp lỗi này cũng không nhiều (vài chục em trên tổng số hơn 100.000 thí sinh).
Sau sự việc này, các nhà trường, các bộ phận có liên quan cũng cần rút kinh nghiệm để tránh các sai sót đáng tiếc", thầy Tùng cho hay.