Để tồn tại được trên thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán (TTCK) có một điểm khá tương đồng với trẻ sơ sinh, đó là khả năng sống sót sau một thời gian nhất định. Nếu như những tháng đầu tiên rất quan trọng với trẻ sơ sinh thì những năm đầu tiên cũng rất quan trọng với nhà đầu tư.
Có một ước tính cho thấy 90% nhà đầu tư mới bị thua lỗ trên thị trường chứng khoán và những ai vượt qua để trụ được thì phần lớn đều gặt hái được thành quả đầu tư ngọt ngào. Nhưng làm thế nào để tồn tại được trên thị trường chứng khoán? Dưới đây là một số sai lầm mà các nhà đầu tư mới thường mắc phải khiến họ không đi được cùng với thị trường trong dài hạn.
TTCK là tên gọi chung của thị trường giao dịch các tài sản tài chính, gồm cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ tài chính phái sinh. Với các nhà đầu tư cá nhân thì phổ biến nhất là cổ phiếu.
Riêng về cổ phiếu thì lại có nhiều loại khác nhau, phân biệt theo sàn giao dịch, vốn hóa, nhóm ngành, hay giai đoạn phát triển của doanh nghiệp… Chẳng hạn có nhiều sàn giao dịch khác nhau, như ở Việt Nam là Hose, HNX và Upcom với các điều kiện niêm yết khác nhau. Về vốn hóa, doanh nghiệp niêm yết được chia ra vốn hóa lớn, vốn hóa vừa, vốn hóa nhỏ. Về giai đoạn phát triển thì có thể chia theo cổ phiếu tăng trưởng hay giá trị.
Sự phân chia cổ phiếu theo các tiêu chí khác nhau nhằm qua đó phản ánh mức độ rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng khác nhau giữa các cổ phiếu. Các cổ phiếu có vốn hóa lớn, nằm trong chỉ số những doanh nghiệp hàng đầu như VN30, VN100 thường có mức độ biến động giá (rủi ro) thấp hơn các doanh nghiệp vốn hóa nhỏ. Cũng như vậy, các cổ phiếu được xếp vào nhóm giá trị cũng có mức độ rủi ro thấp hơn các cổ phiếu nhóm tăng trưởng.
Việc sinh lợi từ đầu tư cổ phiếu không như nhiều người nghĩ là chỉ có chênh lệch giá bán với giá mua mà còn ở cổ tức tiền mặt chia cho các cổ đông. Vì vậy hiểu được cách doanh nghiệp vận hành, tạo ra lợi nhuận và tăng trưởng trong tương lai giúp nhà đầu tư tránh được sự mơ hồ, cầu may, và những rủi ro đang rình rập.
Cơ chế vận hành của TTCK nếu không nắm rõ các loại phí và thuế, chênh lệch giá mua bán do thanh khoản (spread), đòn bẩy (margin), các loại giao dịch nội gián, các gian lận như lái giá (pump & dump), sửa đổi số liệu báo cáo tài chính, thì không chỉ lợi nhuận bị bào mòn mà có thể mua nhầm những cổ phiếu bơm thổi. Lấy ví dụ như thuế và phí trung bình cho mỗi giao dịch là 0,2% thì chỉ cần giao dịch 50 lần trên cùng một số vốn thì lợi nhuận kỳ vọng phải cộng thêm ít nhất 10% chi phí.
Cổ phiếu là lớp tài sản đầu tư rủi ro cao nhưng phần lớn nhà đầu tư mới không để ý đến khía cạnh này mà thường chỉ để ý đến lợi nhuận. Đây là lý do nhiều nhà đầu tư mới đầu tư vượt mức khả năng chịu đựng phù hợp của mình.
Ví dụ khả năng chịu đựng tối đa khoản lỗ của danh mục là 30% nhưng lại đầu tư vào những cổ phiếu có khả năng giảm đến 50-70%. Trong trường hợp rủi ro xảy ra thì dễ rơi vào tâm lý hoảng loạn, dẫn đến các quyết định sai lầm khác như hướng đến những cổ phiếu có tính đầu cơ cao hơn, sử dụng đòn bẩy nhiều hơn nhằm gỡ gạc.
Ở giai đoạn thị trường sụt giảm thì nhà đầu tư mới sớm khám phá được khả năng chịu đựng rủi ro của mình hơn. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư không phân biệt được mối tương quan giữa từng cổ phiếu và cả thị trường nên dễ dính vào tình trạng “bán đáy mua đỉnh”. Khi thị trường giảm chung thì cổ phiếu dù tốt cũng giảm là chuyện bình thường, không vì thế mà lo lắng bán tháo, trong khi đó thị trường đang giảm mà cổ phiếu tăng đột biến mới là dấu hiệu bất thường.
Rất nhiều nhà đầu tư mới có mục đích đầu tư không rõ ràng, chỉ đơn giản là muốn kiếm thêm thu nhập, sinh lời từ việc đầu tư. Trong khi đó, có một mục tiêu đầu tư rõ ràng hơn sẽ giúp nhà đầu tư có được một điểm tựa, tránh việc nôn nóng và chỉ nhìn trong ngắn hạn. Một mục tiêu đầu tư có thể là kế hoạch tài chính cho tuổi về hưu, chi phí học đại học cho con, hay hình thành một tài sản có giá trị khác.
Lịch sử của TTCK trên thế giới đã cho thấy trong dài hạn, TTCK là một kênh đầu tư hiệu quả với tỷ suất sinh lời tốt hơn tiết kiệm hay trái phiếu, tuy nhiên trong ngắn hạn thì luôn có những đợt điều chỉnh.
Việc không có được thời hạn đủ dài trong đầu tư cổ phiếu cũng khiến kết quả đầu tư có nhiều bấp bênh hơn. Đã có một đúc kết rằng thay vì đoán thời điểm mua bán thì hãy ở lâu trên thị trường (time in not timing). Bởi vì chu kỳ của thị trường luôn tồn tại, các giai đoạn đáy - tăng trưởng - đỉnh - giảm lặp đi lặp lại nhưng khi nào và kéo dài bao lâu thì không thể dự báo chính xác trước được.
Nếu nhà đầu tư ở đủ lâu trong thị trường thì chu kỳ tăng trưởng sau cũng đủ bù đắp. Nhưng quan trọng hơn của đầu tư cổ phiếu là quá trình tích lũy đầu tư đều đặn, giai đoạn thị trường giảm là giai đoạn tạo ra nhiều lợi nhuận nhất khi thị trường quay đầu tăng trở lại.
Hai tâm lý phổ biến của nhà đầu tư mới là FOMO (sợ bị bỏ lỡ cơ hội) và hoảng loạn. Cổ phiếu là một loại tài sản có mức độ biến động giá lớn nên khi một cổ phiếu tăng thì không đồng nghĩa nó là một cố phiếu tốt và phải chạy mua đuổi theo. Ngược lại khi một cổ phiếu giảm giá không đồng nghĩa là nó xấu và phải bán tháo.
Trường hợp giá tăng khiến nhà đầu tư FOMO thường rơi vào trường hợp các cổ phiếu bị làm giá, giá tăng liên tục khiến nhà đầu tư có niềm tin rằng cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng nữa mà quên nhìn lại rằng cổ phiếu là giá trị của doanh nghiệp, và nó phải có một giá trị tham chiếu nào đó: một doanh nghiệp không thể trong vài tháng tăng giá trị gấp vài lần.
Trong khi bán tháo lại rơi vào trường hợp những doanh nghiệp đã được lựa chọn kỹ, nhưng vì tâm lý hoảng loạn nên lại không còn tin tưởng vào kế hoạch, lựa chọn của mình. Nhiều nhà đầu tư mới chưa phân biệt được điều chỉnh chung của thị trường và điều chỉnh của riêng từng cổ phiếu.
Tâm lý lo sợ và tham lam rất dễ khiến cho nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm dễ bị lung lay tinh thần mà quên đi kế hoạch mục tiêu ban đầu của mình trong việc đầu tư. Việc này thực hành là rất khó nên cần thời gian trải nghiệm và rèn luyện mới thực hiện được. Mà muốn vậy, cần hiểu được mức định giá hợp lý của thị trường và lợi nhuận trung bình trong dài hạn trên cơ sở các giả định cơ bản (base line). Ví dụ như lợi nhuận kỳ vọng trung bình là 15% thì lợi nhuận khi đạt được 20% thì bắt đầu lên kế hoạch rút dần một phần lợi nhuận và có phương án chuẩn bị cho trường hợp thị trường điều chỉnh.
Rất nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường thực hiện quá trình đầu tư ngược: Thay vì bắt đầu với các lớp tài sản như ETF hay chứng chỉ quỹ rồi sau một thời gian mới đến chọn các cổ phiếu riêng lẻ thì làm ngược lại sau khi đã trải qua một số bài học.
Việc đầu tư vào lớp tài sản trước không chỉ giúp nhà đầu tư làm quen với thị trường mà quan trọng hơn là giảm thiểu rủi ro qua việc đa dạng hóa. Một cổ phiếu dù là bluechip thì mức độ rủi ro cũng luôn lớn hơn một danh mục gồm 30 bluechip hay tập hợp nhiều doanh nghiệp cùng ngành.
Trong trường hợp cổ phiếu riêng lẻ bị giảm giá thì có những nhà đầu tư không biết chấp nhận cắt lỗ mà cứ hy vọng nó sẽ phục hồi trở lại, thậm chí thực hiện trung bình giá xuống. Thực tế cho thấy, khi thị trường không có điều chỉnh mạnh mà chỉ cổ phiếu đang nắm giữ bị giảm giá thì nên rời bỏ cổ phiếu này, vì một khi đã giảm thì sẽ tiếp tục giảm và khả năng hồi phục là rất thấp.
Trên đây là năm sai lầm thường gặp ở các nhà đầu tư mới. Để tồn tại được lâu trên TTCK thì việc giảm thiểu các sai lầm là rất cần thiết, chứ không thể nào nói là không mắc sai lầm. Đối với những nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp thì quan trọng nhất vẫn là duy trì được dòng tiền hay các nguồn thu nhập ổn định khác để tích lũy cổ phiếu theo thời gian. Việc đầu tư cũng là một việc cá nhân hóa, và mỗi nhà đầu tư cần luôn học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để tìm ra một phương pháp của riêng mình.
Điều quan trọng trong đầu tư là không để sai lầm xảy ra lại trong tương lai.