Để TP HCM phát triển, cần cải cách mạnh mẽ

TP HCM cần tập trung vào các trọng điểm và tính toán về hiệu quả đầu tư để phát triển với vai trò đầu tàu kinh tế cả nước

TP HCM được định hướng là trung tâm hạt nhân, trung tâm tri thức và kinh tế tổng hợp hiện đại của vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP trên đầu người giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt 6,4%, khiến GDP trên đầu người tại thành phố trong 10 năm tới vẫn còn rất khiêm tốn so với thế giới.

Nhiều thách thức

Hiện tại, TP HCM có 4 ngành công nghiệp chủ lực và 9 ngành dịch vụ trọng yếu. Tuy nhiên, hơn 70% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đến từ bán buôn - bán lẻ và công nghiệp chế tạo, những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, phụ thuộc trực tiếp vào logistics, biến động giá nguyên liệu và lực lượng lao động giá rẻ. Ngoài ra, còn tình trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ cao cho các ngành nghề trên, sự mất cân đối trong cơ cấu trình độ nghề.

TP HCM đã trở thành môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp và công nghệ, với cộng đồng khởi nghiệp lớn nhất cả nước và được xếp số 1 tại Việt Nam về số lượng cấp bằng sáng chế. Thế nhưng, tỉ lệ công ty có trên 200 nhân viên vẫn rất thấp. Tỉ lệ các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp tồn tại trên 2 năm chỉ dưới 5% (ở Mỹ con số này trên 50%), trong khi 2 năm đầu tiên là thời gian các công ty khởi nghiệp nhận được nhiều ưu đãi từ các chính sách khuyến khích của Chính phủ.

Ngoài ra, chính sách tài khóa, việc giải ngân các khoản đầu tư phát triển chưa đạt được kỳ vọng mặc dù FDI vẫn ổn định trong thời gian qua. GRDP của thành phố đạt 360.622,1 tỉ đồng, tính theo giá hiện hành, chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều ngành dịch vụ trọng yếu cũng ghi nhận mức tăng trưởng âm, bao gồm vận tải kho bãi, thông tin - truyền thông, kinh doanh bất động sản, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội. Các DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh do thiếu nguồn cung nguyên liệu, lao động, vốn lưu động và thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, nhiều vụ việc trong thị trường tài chính, bất động sản cũng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và nhà đầu tư trong thời gian qua. Các vấn đề về môi trường sống đang tăng lên, bao gồm kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, thiếu nhà ở…

Để thúc đẩy phát triển, TP HCM cần triển khai các chính sách, cơ chế đặc thù phù hợp Ảnh: Hoàng Triều

Để thúc đẩy phát triển, TP HCM cần triển khai các chính sách, cơ chế đặc thù phù hợp Ảnh: Hoàng Triều

Thành phố cũng rớt khỏi danh sách tốp 100 thành phố tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng của Resonance năm 2021. Đây là thách thức lớn đối với thành phố, đòi hỏi cần phải tăng trưởng GDP đột phá nhưng bền vững, đồng thời hài hòa giữa tăng trưởng, môi trường và hạnh phúc của người dân.

Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến các quốc gia trên toàn thế giới, tạo ra những thay đổi và xu hướng mới.

Thứ nhất, tạo ra sự thay đổi trong phân bổ dân cư, đặt ra bài toán về sức hấp dẫn và chính sách của các thành phố lớn trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Thứ hai, sự phục hồi kinh tế không đồng đều đang định hình nền kinh tế toàn cầu. Thị trường mới nổi và đang phát triển, đặc biệt là ở châu Á - Thái Bình Dương, sẽ tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Đây là cơ hội để bắt kịp các nước phát triển về GDP bình quân đầu người, tạo ra cơ hội rất lớn cho các DN.

Thứ ba, COVID-19 thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ và số hóa nhảy vọt, trên nhiều mặt của cuộc sống.

Cuối cùng, COVID-19 thúc đẩy mạnh mẽ các chính sách, xu hướng tất yếu về bảo vệ môi trường cũng như phát triển bền vững của các nước.

Những việc cần làm

Để phát triển với vai trò đầu tàu kinh tế, TP HCM phải tập trung vào việc phát triển tri thức, công nghệ mới và phát triển bền vững. Muốn vậy, phải có sự cải cách mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo; đồng thời xin chính sách ưu đãi riêng biệt hoặc cơ chế đặc thù, sự hỗ trợ của Chính phủ để phát triển cơ sở hạ tầng và thượng tầng kiến trúc.

Thành phố cần đề ra các mục tiêu cụ thể, rõ ràng, thúc đẩy cạnh tranh và tận dụng các ưu thế của địa phương. Các chính sách hỗ trợ đầu tư vào công nghệ cao và FDI bao gồm miễn 100% tiền thuê đất cho các nhà đầu tư trên 1 triệu USD hoặc trên 20 triệu USD đầu tư từ bên ngoài, hoặc thuê trên 300 lao động thường xuyên hoặc trên 50% sản xuất để xuất khẩu và 100% nguyên liệu nội, hoặc xuất khẩu 100%.

Đồng thời, cơ chế đặc thù như ưu đãi thuế thu nhập DN, miễn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân được áp dụng để thu hút các DN đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ mới, quy trình quản lý tiên tiến, AI, công nghệ tài chính.

Thành phố cũng có thể góp vốn vào các dự án trọng điểm và khuyến khích tự do trao đổi vốn, bỏ các quy định, chính sách, giấy phép và thủ tục không cần thiết. Hỗ trợ các nhà đầu tư vào các dự án sáng tạo và dự án nghiên cứu trong khu vực vùng.

Hơn nữa, cơ chế hỗ trợ hành chính một cửa được áp dụng để thu hút vốn đầu tư FDI, tập trung phát triển kỹ thuật và công nghệ, tạo điều kiện cho các công ty khởi nghiệp.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục trong chiến lược dài hạn, TP HCM cần triển khai các chính sách, cơ chế đặc thù phù hợp. Việc xây dựng môi trường văn hóa sáng tạo, thu hút nhân tài có trình độ cao là cần thiết.

Đặc biệt, thành phố nên tìm cách thu hút lao động chất lượng cao từ các ngành công nghệ phát triển vượt bậc thời gian gần đây như AI, blockchain...

TP HCM cũng cần tạo dựng chương trình toàn diện về xây dựng, phát triển thương hiệu thành phố, với mục tiêu phát triển thành phố xanh, an toàn, thu hút chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài. Để đạt được mục tiêu này, thành phố cần sở hữu các trường đại học hàng đầu, hệ thống sân bay, giao thông công cộng, cơ sở thiết bị hạ tầng tiên tiến, đội ngũ y - bác sĩ chất lượng.

TP HCM cần đánh giá lại các chính sách, cơ chế hiện tại để đưa ra quyết định mang tính dẫn dắt trong việc đi đầu ở các lĩnh vực phát triển; tập trung vào trọng điểm, tính toán hiệu quả đầu tư. Các chính sách, cơ chế không đem lại hiệu quả hoặc khó triển khai cần được loại bỏ.

Tiến sĩ Chu Thanh Tuấn (Đại học RMIT Việt Nam)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/de-tp-hcm-phat-trien-can-cai-cach-manh-me-20230508204741353.htm